Một người quản lý công bằng và biết lắng nghe khiến nhân viên tin tưởng hơn. Ảnh: J.P. |
Bạn nên mang lại điều gì khiến nhân viên của bạn đến nơi làm việc vui vẻ, nhiệt tình và sẵn sàng cống hiến tốt nhất suốt cả ngày dài? Đáng ngạc nhiên, nó có thể rất dễ - và không đắt - như bạn nghĩ.
Chín mẹo dưới đây giúp bạn tạo động lực cho nhân viên:
1. Trao cho nhân viên của bạn những công cụ và nguồn để thực hiện công việc hiệu quả nhất
Không gì làm hỏng và thất bại công việc hơn là để nhân viên “đánh vật” với những thiết bị lạc hậu và không hiệu quả. Đầu tư tiền vào thiết bị giúp nhân viên của bạn thực hiện công việc hiệu quả hơn thì đó luôn là đầu tư đúng đắn, chừng nào họ được đào tạo thích hợp để sử dụng chúng.
Barry Steinberg, chủ của Direct Tire and Auto Service, đầu tư rất nhiều vào công cụ và công nghệ để làm cho nhân viên làm việc hiệu quả và khách hàng hài lòng. “Năm ngoái chúng tôi dành 85.000 đôla vào thiết bị lốp mới, các công cụ sửa chữa ô tô mới và thiết bị kiểm tra điện tử,” Steinberg nói: “Chúng tôi cố gắng để trở thành tốt nhất và thiết bị cùng với đào tạo giúp chúng tôi đạt được mục tiêu chất lượng của mình.”
2. Thường xuyên nói với nhân viên của bạn họ quan trọng như thế nào và thể hiện điều đó bằng những cách lớn và nhỏ
Aledia Hunt Tush, người sở hữu Mr. CB’s, một cửa hàng sản phẩm thể thao đi biển ở Sarasota, Florida, hiểu rất rõ tầm quan trọng của nhân viên đối với thành công của doanh nghiệp mình.
“Tất cả công việc trong cửa hàng này không thể do một mình tôi,” bà nói. “Nhân viên của tôi rất quan trọng và bất cứ ai trong nghề kinh doanh, nếu không hiểu điều này thì tốt hơn nên quay trở lại trường học.” - “Bà nói điều đó với nhân viên như thế nào?” - “Tôi nói mọi lúc.”
3. Tổ chức kỷ niệm một ngày đặc biệt trong cuộc sống của nhân viên
Ngày sinh thuộc hàng đầu, nhưng ngày vào làm cũng quan trọng và cần nhớ. Dù bạn cho nhân viên nghỉ ngày đó, hoặc tặng tấm thiệp hay món quà nhỏ, thông điệp bạn gửi tới họ vẫn là: “Bạn quan trọng đối với tôi đủ để tôi nhớ những ngày đặc biệt của bạn.”
4. Khen thưởng công khai, phê bình lặng lẽ (riêng tư), là câu châm ngôn cần nhớ
Khi bạn thấy nhân viên làm tốt hãy khen họ công khai! Nếu bạn phải phê bình, nói trọng tâm vào hành động hoặc thái độ mà bạn định phản đối. Nói ngắn gọn, nhưng đặc biệt nhấn mạnh, bạn muốn họ thay đổi gì. Và hãy phê bình riêng tư.
5. Hãy tế nhị đối với những trách nhiệm gia đình và cá nhân của nhân viên
Các công ty xây dựng sự trung thành và cam kết đều có những tiến bộ trong việc giúp nhân viên xử lý cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Một số công ty đưa ra lịch làm việc linh hoạt; số khác đề nghị chia sẻ công việc. Mẫu số chung là sự thấu hiểu và hợp tác. Phần thưởng là nhân viên đạt tới sự cân bằng, trọn vẹn cuộc sống cá nhân và sẵn sàng dành 100% (toàn tâm toàn ý) cho công việc.
Debbi Kramer, chủ Kari Lynn’s Formal and Bridal Boutique, biết rằng linh hoạt là một trong những thế mạnh của bà trong tuyển dụng một số nhân viên bán thời gian. Kramer nói: “Tôi nói với nhân viên mới đến rằng ở đây chúng tôi không có lương cao.
Điều chúng tôi mang lại là một nơi làm việc thú vị với những giờ làm linh hoạt. Chúng tôi có một vài bà mẹ làm việc và chúng tôi nhận ra rằng họ cần nghỉ làm để đưa con đi bác sĩ, tham dự các sự kiện của con ở trường và lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Và điều đó rất hiệu quả. Tôi đã có những nhân viên tuyệt vời.”
6. Đúng người đúng việc
Qua nhiều năm tháng, có một câu ngạn ngữ rõ ràng không còn đúng nữa, đó là: “Bất cứ ai cũng có thể làm bất cứ việc gì nếu họ chú tâm vào việc đó.” Những người làm công việc không phù hợp bởi vì thiếu kiến thức, thiếu khí chất hoặc thiếu đào tạo sẽ dễ bị stress và thực hiện công việc tồi. Chúng tôi không nói rằng nhân viên có thể luôn luôn trốn tránh công việc họ không thích, nhưng bạn sẽ có những kết quả đáng kinh ngạc nếu bạn đặt đúng người, đúng việc.
Chip Averwater của Amro Music Inc, chỉ tuyển người tốt nhất và thích hợp nhất với công việc. Averwater nói: “Chúng tôi tuyển cẩn thận, trả lương cao, đào tạo tốt và khuyến khích thăng tiến. Chúng tôi sử dụng hồ sơ cá nhân đối với mỗi ứng viên cao cấp để biết rằng công việc nào thích hợp nhất đối với người đó. Hồ sơ mà chúng tôi coi là “những điều tra khảo sát” thực sự giúp chúng tôi bố trí người phù hợp công việc.”
7. Luôn giữ liên hệ mở
Luôn thông báo và truyền đạt cho nhân viên vai trò họ đóng góp đối với thành công của doanh nghiệp của bạn. Duy trì các buổi họp mang tính thông tin, cho dù thực hiện thường xuyên.
8. Đặt những mục tiêu có thể thực hiện và khuyến khích cạnh tranh giữa các phòng ban hoặc nhóm
Các cuộc thi có thể “kích hoạt” sự tích cực và nhiệt tình. Dán thông báo kết quả hàng ngày. Nêu danh người chiến thắng, nhưng phải chắc chắn là vẫn khuyến khích và chúc mừng cả những nhóm không đoạt giải nữa.
Jerrold Taylor của Monet Desauw là người tin vào quy trình đặt mục tiêu. “Chúng tôi nhận thấy rằng mục tiêu giúp chúng tôi phát triển sự tập trung. Sự tập trung giúp chúng tôi có được kết quả chúng tôi muốn. Kết quả là sản phẩm cuối cùng của mục tiêu mà chúng tôi đặt ra. Trong doanh nghiệp của chúng tôi, mỗi nhân viên là một thành viên của nhóm và tất cả chúng tôi cần tập trung cho mục tiêu của chúng tôi.”
9. Nếu bạn không có phần thưởng hoặc kế hoạch chia sẻ lợi nhuận, hãy nghĩ đến việc ràng buộc
Nhân viên nào có tiền góp vốn vào thành công của công ty sẽ làm việc chăm chỉ hơn để đảm bảo sự thành công đó.
Bill Hanson, Jr., chủ Reliable Office System, Inc, chia sẻ những suy nghĩ của ông về việc giữ nhân viên luôn có động lực: “Chúng tôi bắt đầu bằng việc trả lương cạnh tranh, ở mức hợp lý. Chúng tôi đặt ra những kế hoạch khuyến khích giúp chúng tôi giữ được những nhân viên chủ chốt. Đôi khi chúng tôi phải trả thêm để tiếp tục giữ những người xuất sắc.”
Chi phí cho những kế hoạch này không thể giá trị bằng việc gia tăng sự trung thành và động lực cho nhân viên. Hãy tính đến chi phí cao để tiếp tục đăng quảng cáo và thậm chí cao hơn nếu nhân viên có động cơ xấu.
Bình luận