Chị NTC ở trọ tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, hai vợ chồng mới cưới nhau được mấy tháng. Cả hai anh chị đều là viên chức, với mức thu nhập hiện nay chưa dám mơ tới việc mua nhà ở hay căn hộ.
Không đủ chi tiêu, lấy tiền đâu mua nhà
Chị C. tính toán mức lương của chị hiện khoảng 5 triệu đồng/tháng, cộng với 9 triệu đồng lương của chồng, tổng mức lương của hai người 14 triệu đồng/tháng.
Mỗi tháng anh chị phải chi phí cho tiền ăn khoảng 5 triệu đồng; tiền thuê phòng trọ (gồm cả tiền điện, nước) 2,5 triệu đồng; chi tiêu cá nhân 1,5 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng loạt khoản chi phí khác như đám cưới, sinh nhật, thôi nôi…
“Tính ra tổng số tiền chi thường xuyên hằng tháng trên 10 triệu đồng. Mỗi tháng cố gắng tằn tiện dư được khoảng 4 triệu đồng, một năm 48 triệu đồng. Còn tiền thưởng cũng chỉ đủ chi tiêu lễ, tết, về quê”, chị C. chia sẻ.
Theo chị C., với giá căn hộ của các dự án nhà ở xã hội khoảng 1 tỉ đồng/căn thì hai vợ chồng phải tiết kiệm liên tục 20 năm may ra mới mua được nhà. Có điều trên thực tế khó mà tiết kiệm liên tục vì khi có con cái, chi phí nhiều hơn nên hơn 20 năm sau chưa chắc đã tích lũy đủ tiền mua nhà.
Trường hợp tương tự như gia đình chị C. không phải là ít. Trên thực tế, rất nhiều người Việt với mức thu nhập như hiện nay rất khó mua được nhà ở nếu không có sự hỗ trợ từ người thân, bà con họ hàng hay vay tiền ngân hàng.
Anh T.M.Cường, nhà ở Hóc Môn, TP HCM kể vợ chồng anh có hai con. Vợ anh làm công chức lương 6 triệu đồng/tháng, anh làm kỹ thuật ngành may thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Giá nhà, đất tại Việt Nam còn quá cao so với mức thu nhập của số đông. |
Anh Cường thở dài: “Gia đình tôi rất muốn dành dụm tiền để mua một căn nhà nhỏ nhưng với thu nhập khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng của cả hai vợ chồng thì chỉ đủ chi tiêu, có những tháng không đủ, lấy tiền đâu mà mua nhà”.
“Giá nhà ở hiện không phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Với mức thu nhập của một hộ gia đình tiêu biểu, để mua được một căn hộ bình dân phải tiết kiệm liên tục 17 năm” - TS Phạm Thái Sơn, Phó chủ nhiệm đề án Phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM giai đoạn 2016-2020, nhìn nhận.
TS Sơn dẫn chứng hộ gia đình tiêu biểu ở đô thị Việt Nam thu nhập hằng tháng khoảng 650 USD, chi tiêu hằng tháng 400 USD, tiết kiệm để mua nhà 250 USD, tiết kiệm hằng năm 3.000 USD.
Trong khi đó, một căn hộ hạng bình dân (diện tích 70 m², 1-2 phòng ngủ) giá khoảng 49.000 USD. Như vậy phải tiết kiệm liên tục 16-17 năm mới đủ chi trả.
Giá nhà gấp… 25 lần thu nhập
TP HCM có sức ép lớn về nhu cầu nhà ở hiện tại và trong những năm tới khi số dân tăng lên. Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều sản phẩm nhà ở vẫn không tiêu thụ hết. Cụ thể, theo Sở Xây dựng, riêng năm 2013, trong số 70.000 nhà ở từ dự án đã hoàn thành vẫn còn 13.000 căn bị tồn không thể bán được.
Lý giải về tình trạng trên, TS Sơn phân tích: “Giá nhà tại Việt Nam rất cao. Chẳng hạn giá một căn nhà điển hình có thể gấp 15-25 lần thu nhập bình quân của một người lao động điển hình hoặc một hộ gia đình tiêu biểu”.
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn đánh giá thị trường BĐS TP HCM đang có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, thiếu nguồn cung nhà ở giá trung bình, nhà ở xã hội.
“Trong khi đó, nhà ở giá bán trung bình, quy mô nhỏ, nhà ở xã hội lại đang có nhu rất lớn, bởi nó phục vụ nhu cầu cho phần đông dân cư, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người”, ông Tuấn nói.
600 ngày mới khởi công được dự án
Ông Tuấn nhìn nhận: “Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay là hệ thống pháp lý thiếu tính đồng bộ, đôi khi chồng chéo”.
Nhiều chủ dự án cũng cho hay thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án kéo dài do phức tạp. Chẳng hạn, trước khi có thể khởi công công trình phải trải qua tám giai đoạn từ tiến hành đăng ký thủ tục đầu tư, tiếp nhận thông tin quy hoạch, thủ tục công nhận, chấp thuận đầu tư, giao, cho thuê đất…
Với quy trình phức tạp trên, từ khi bắt đầu một dự án đến khi khởi công phải qua hàng loạt thủ tục, kéo dài trong 464 ngày làm việc đối với dự án dưới 20 ha; 605 ngày với dự án trên 100 ha.
Dẫn chứng cho bất hợp lý này, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, nói: “Như với dự án nhà ở xã hội, chỉ mỗi giai đoạn chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp mất một năm. Cộng thêm các khâu khác mất một năm nữa. Như vậy nhanh nhất 24 tháng mới có thể khởi công dự án. Điều này khiến doanh nghiệp tốn nhiều loại chi phí, thời gian và cả cơ hội. Đây cũng là lý do giải thích vì sao giá nhà bị đội lên cao”.
Để bù đắp vào những khoản trên, tất nhiên các chủ dự án sẽ tính vô giá thành, đẩy giá bán nhà lên và người mua nhà phải gánh chịu. Như vậy chỉ khi nào giảm được những chi phí bất hợp lý kiểu như trên thì mới hy vọng nhà, đất giảm xuống, người mua “dễ thở” hơn.
20% mua bất động sản để đầu cơ
Một khảo sát của Tập đoàn Đất Xanh cho thấy những người có mục đích đầu cơ trên thị trường BĐS TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung chiếm khoảng 20% số người mua nhà trong giai đoạn 2011-2014. Trong giai đoạn phát triển nóng của thị trường, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều.
Chính sự phổ biến của giới đầu cơ khiến cho việc tiếp cận tới nhà ở của những người có nhu cầu thực sự thêm khó khăn.
Nhà nước nên tập trung làm nhà ở xã hội cho thuê, tức người thuê chỉ mất vài trăm ngàn đồng/tháng. Với diện tích căn hộ 29-50 m2, giá 250-350 triệu đồng thuê trong 49 năm là hợp lý với những người thu nhập thấp, đôi vợ chồng trẻ.
Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA)