Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tân nhạc Việt Nam: Lãng quên và hồi tưởng

Tân nhạc Việt Nam đã gây nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng cho đến tận hôm nay, thế nhưng những câu chuyện và những tên tuổi kiến tạo nên nó lại có lúc chìm sâu vào quên lãng.

Những thập niên đầu thế kỷ 20 chứng kiến một quá trình biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt trong đời sống của con người Việt Nam. Công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã dẫn đến việc hình thành những tầng lớp mới mang những đặc trưng chưa từng xuất hiện trong giai đoạn trước. Đặc biệt là ở hai tầng lớp tư sản và tiểu tư sản tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn,...

Sự biến đổi về cấu trúc xã hội cũng đồng thời dẫn đến sự thay đổi về những giá trị tinh thần lúc bấy giờ. Những nề nếp, phương thức sinh hoạt, quan niệm theo chuẩn mực Á Đông vốn ăn sâu vào trong tâm thức con người trong xã hội cũ dần lung lay.

Làn sóng văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam mạnh mẽ kéo theo nhu cầu sinh hoạt và thưởng thức những món ăn tinh thần theo lối mới của một bộ phận lớn cư dân thành thị trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Chính từ hoàn cảnh đó, những phong trào canh tân về văn hóa và văn học, nghệ thuật lần lượt ra đời. Bên cạnh sự đổi mới trong văn học với đỉnh cao là Phong trào Thơ mới nhằm “cởi trói” khỏi những khuôn mẫu, thi pháp sáo mòn, một phong trào âm nhạc mang hơi hướng châu Âu với đầy sự mới mẻ, tươi sáng cũng ra đời mà những ảnh hưởng của nó còn sâu đậm cho đến tận hôm nay: Tân nhạc Việt Nam.

sach nghien cuu ve Tan nhac cua nhac si Pham Duy anh 1
Đĩa hát Beka 78 tours thu những "bài Ta theo điệu Tây" với giọng hát của nữ ca sĩ Ái Liên. Đây được xem là những dĩa hát tiền khởi của Tân nhạc Việt Nam.

 

Những viên đá nền…

Tuy nhiên, khác với một số lượng đáng kể những công trình văn học sử bài bản, công phu dành cho Phong trào Thơ mới trong suốt mấy mươi năm qua, chúng ta dường như chưa có một bộ nhạc sử xứng tầm nhằm nghiên cứu cũng như phác họa một cách cụ thể về sự hình thành và phát triển của Tân nhạc Việt Nam kể từ lúc nó ra đời vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước.

Ngoại trừ những cái tên thuộc lớp nhạc sĩ tiêu biểu trong giai đoạn tiền chiến của Tân nhạc như Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Cao,… vốn được định danh bằng những tác phẩm đã đạt đến độ hoàn thiện và được đông đảo công chúng biết đến, những nhạc sĩ như Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Cổn,… vốn có công lao không hề nhỏ trong việc khởi xướng và tạo nên những nền tảng đầu tiên cho Tân nhạc Việt Nam lại gần như rơi vào quên lãng.

Theo hồi tưởng của nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, khi “nhu cầu cần thay đổi một không khí âm nhạc của tuổi trẻ vào hồi đầu thập niên 30” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đã thúc đẩy giới văn nghệ trong nước lúc bấy giờ bước vào hành trình “đi tìm một nhạc ngữ mới”.

sach nghien cuu ve Tan nhac cua nhac si Pham Duy anh 2
hs Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu của nhạc sĩ Phạm Duy.

Khởi đầu với những “bài Ta theo điệu Tây” được một số soạn giả cải lương mà nổi bật nhất trong số đó là ông Tư Chơi tức Huỳnh Thủ Trung soạn ra và trình bày trong các vở diễn trên sân khấu miền Nam. Cùng với đó là phong trào chuyển ngữ các bài hát Tây vào các đĩa hát 78 tours với các giọng ca Ái Liên, Kim Thoa.

Những việc làm này đã có tác động khá lớn vào đời sống âm nhạc lúc bấy giờ, tạo nên tiền đề đầu tiên để một nền âm nhạc mới xuất hiện và thay thế dần cho hình thái âm nhạc cổ truyền đã đi vào chỗ thoái trào.

Tuy nhiên, chỉ đến khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, với sự giúp sức của nhạc sĩ Nguyễn Văn Cổn, tiến hành công cuộc vận động cho loại hình “âm nhạc cải cách” vào năm 1938 thì Tân nhạc Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn thành hình. Và cũng chính bằng địa vị và khả năng của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Cổn đã là người hỗ trợ đắc lực cho các nhạc sĩ, ca sĩ thế hệ đầu của Tân nhạc có cơ hội được trình diễn cũng như đưa những sáng tác của mình đến với công chúng thông qua sóng RADIO INDOCHINE.

Và cũng theo nhạc sĩ Phạm Duy, mặc dù hai bài hát ban đầu của Nguyễn Văn Tuyên chưa có sự hấp dẫn và “chưa chứa đựng một thông điệp nào cả”, nhưng với Bông cúc vàng Một kiếp hoa, Nguyễn Văn Tuyên đã gây dựng nên một làn sóng mới, khiến cho “lớp người tiên phong của Tân nhạc bấy lâu nay còn hoạt động một cách rụt rè, bây giờ họ đã góp gió thành bão và đã làm nên một phong trào âm nhạc lớn”.

…Và những tượng đài Tân nhạc

Từ sau lời kêu gọi của Nguyễn Văn Tuyên, một loạt các nhóm nhạc sĩ ở miền Bắc như Myosotis, Tricéa, Hải Phòng, Nam Định cùng với các nhạc sĩ độc lập cũng bắt đầu tung ra những sáng tác đầu tiên. Mỗi nhóm nhạc lại có một chủ trương để dẫn hướng sáng tác cho thành viên của mình. Và mặc dù đi theo một chủ trương chung như vậy, sáng tác của các nhạc sĩ thành viên vẫn mang những dấu ấn khác biệt tiêu biểu cho cá tính âm nhạc mà mỗi cá nhân riêng có.

Một số nhạc sĩ như Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao,… với những tác phẩm có độ hoàn thiện cao về kỹ thuật cũng như nghệ thuật đã trở thành tượng đài nổi bật của Tân nhạc Việt Nam giai đoạn tiền chiến. Nhiều tác phẩm của họ mang sức sống vượt thời gian và có thể nói, đã tạo ra ảnh hưởng không hề nhỏ đến lớp nhạc sĩ sau này.

sach nghien cuu ve Tan nhac cua nhac si Pham Duy anh 3
Nhạc sĩ Phạm Duy luôn đánh giá nhạc sĩ Văn Cao là người có dấu ấn lớn trong nền Tân nhạc Việt Nam.

Riêng với Phạm Duy, thông qua hồi ức trong Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu và những lời tự thuật về sau này, ông đặc biệt bày tỏ sự trân trọng và ái mộ rất lớn cho nhạc sĩ Văn Cao, người mà ông vừa coi là bạn, vừa coi là người thầy của mình. Thông qua những phân tích và đánh giá cụ thể, Phạm Duy đã cho thấy sự vượt bậc trong sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn của Văn Cao so với các nhạc sĩ đương thời.

Những bản nhạc đầy lãng mạn tính nhưng cũng không kém phần u uẩn, huyền hoặc như Thiên thai hay Trương Chi rồi sẽ tồn tại lâu hơn cả sự hữu hạn trong kiếp nhân sinh của bản thân nhạc sĩ để tiếp tục dẫn dắt nhiều thế hệ người yêu nhạc “tới đỉnh cao nhất của ái tình cũng như sẽ đưa ta vào cõi sâu thẳm nhất của khổ đau”.

Nhưng rồi khi bước sang thập niên 40 của thế kỷ 20, đi kèm với những biến động của cục diện chính trị, xã hội của thế giới nói riêng và Việt Nam nói riêng lúc bấy giờ, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xu hướng nhạc yêu nước, đặc biệt là khi Lưu Hữu Phước và Tổng hội sinh viên “bắt đầu chế ngự phong trào Tân nhạc và gây những ảnh hưởng sâu đậm chưa từng có” đã thổi vào cho Tân nhạc Việt Nam đang đắm đuối trong diễm tình hoa mộng một luồng không khí mới.

Đó như lời báo hiệu cho một bước ngoặt quan trọng để đưa Tân nhạc Việt Nam bước sang một thời kỳ phát triển mới. Một thời kỳ sôi động hơn bao giờ hết với đầy đủ những cung bậc của chia ly và sum họp, của thời cuộc và thân phận, của yêu đương và thù hận, hoan lạc đến vô cùng và đớn đau cũng vô tận.

Dân nhạc Việt: Tiếng vọng trăm năm

Cuốn sách là sự tái hiện sống động và bao quát kho tàng dân nhạc, một di sản vô giá của Việt Nam, cũng là nguồn chất liệu lớn cho những sáng tác về sau này của nhạc sĩ Phạm Duy.


Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm