Guardian đưa tin, ngày 27/8, tân ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cấm cửa các gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc khỏi mạng lưới 5G của Australia nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Không chỉ nhắm vào Huawei hay ZTE
Quyết định cấm Huawei và ZTE cung cấp thiết bị cho dự án lưới viễn thông 5G được Australia đưa ra trong bối cảnh nội bộ đảng Tự do rối loạn vào tuần trước. Chính trường Australia chao đảo có thể đã làm lu mờ lệnh cấm nhưng tại Trung Quốc, quyết định không có lợi đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước này đã khiến Bắc Kinh nổi giận.
“Chính phủ Australia đã đưa ra một quyết định sai lầm và nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích thương mại của các công ty Trung Quốc và Australia”, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông cáo cho biết.
Marise Payne sẽ là ngoại trưởng mới của Australia sau khi bà Julie Bishop bất ngờ từ chức ngày 26/8. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, bà Payne giải thích lệnh cấm không nhắm vào riêng Huawei và ZTE. Theo bà Payne, người sắp tuyên thệ nhậm chức ngoại trưởng, quyết định này áp dụng với bất kỳ công ty nào có những bổn phận mâu thuẫn với an ninh quốc gia Australia.
“Quyết định này nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia Australia. Đó là nghĩa vụ hàng đầu của chúng tôi với tư cách chính phủ, với tư cách ban an ninh quốc gia”, Sky News trích lời bà Payne.
Theo luật mới được Trung Quốc ban hành năm 2017, mọi tổ chức và công dân nước này phải ủng hộ, hỗ trợ và phối hợp trong công tác tình báo quốc gia. Payne thừa nhận những lo ngại về nghĩa vụ của công ty Trung Quốc đối với chính phủ góp phần vào quyết định của Australia.
“Đó là một phần trong hệ thống pháp luật của họ, nên đúng vậy, nó là một mối quan ngại”, bà cho biết thêm lệnh cấm “đã được cân nhắc kỹ lưỡng” và phù hợp với các quyết định khác từng được đưa ra trên thế giới.
Tuần trước, ông Scott Morrison, tân thủ tướng Australia lúc đó là bộ trưởng Ngân khố kiêm quyền bộ trưởng Nội vụ, cũng ngầm nhắc tới những quan ngại về rủi ro an ninh từ các công ty “có khả năng chịu sự chỉ đạo của chính phủ nước ngoài mà không cần thông qua tòa án”, dù Morrison không đề cập cụ thể tới Huawei hay ZTE.
Huawei phản kháng, tố "động cơ chính trị"
Phản ứng trước động thái của Australia, Huawei cho rằng quyết định này “có động cơ chính trị” và “không phải là kết quả từ một quá trình cân nhắc dựa trên thực tế, minh bạch và công bằng”. Tập đoàn Trung Quốc nhận định hành động này không phải vì lợi ích tốt nhất cho người dân Australia.
“Diễn giải luật Trung Quốc nên là việc của các chuyên gia pháp luật đủ tư cách và không thiên vị”, Huawei cho biết thêm luật tình báo quốc gia không phải được sử dụng để buộc các dịch vụ viễn thông lắp đặt thiết bị nghe lén hay gây tổn hại tới hạ tầng viễn thông của các nước khác.
Nhiều chuyên gia lo ngại Huawei có thể gây rủi ro an ninh đối với các quốc gia. Ảnh: Reuters. |
“Sự hiểu biết nhầm lẫn và hạn hẹp về luật Trung Quốc không nên là cơ sở gây quan ngại về việc kinh doanh của Huawei. Huawei chưa bao giờ được yêu cầu tham gia vào hoạt động tình báo cho bất kỳ chính phủ nào”, tập đoàn khẳng định.
Truyền thông Trung Quốc cũng luôn lên tiếng phê phán quyết định của Australia, mô tả lệnh cấm như “con dao đâm sau lưng” Huawei và là một điều “đáng thất vọng, độc hại” cho quan hệ song phương.
Tuy nhiên, Australia không phải là nước duy nhất tìm cách ngăn chặn các tập đoàn công nghệ Trung Quốc bước chân vào mạng lưới viễn thông quốc gia. Nỗ lực mở rộng quy mô của Huawei gần đây gặp phải trở ngại lớn tại Mỹ khi Lầu Năm Góc cấm cửa hàng bán lẻ trong các căn cứ quân sự Mỹ bán điện thoại hãng này.
Hồi tháng 7, Anh cũng hạ mức đảm bảo đối với việc Huawei không gây ra mối nguy cho an ninh quốc gia xuống mức "hạn chế", cho rằng băng thông rộng và mạng lưới di động công ty này cung cấp đặt Anh vào nguy cơ an ninh mới.