Terry Hu dần nhận ra có điều gì đó không đúng khi sếp anh không đến công ty nữa. Những món miễn phí của công ty như thẻ game hay các món đồ lưu niệm dần không còn được phát cho nhân viên.
Đến một ngày, nhà sáng lập startup về game mà Hu làm việc có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết nguồn vốn của công ty đã cạn kiệt. Hu và khoảng 2/3 nhân viên công ty bị sa thải.
"Ông ấy nói chúng tôi là nhóm nhân viên tốt nhất, thông minh nhất, và sẽ có ngày quay lại làm việc cho công ty. Chỉ toàn nói vớ vẩn", Hu kể lại. Phải 3 tháng sau, anh mới tìm được việc làm tại một trung tâm dạy tiếng Anh, không còn quay lại lĩnh vực công nghệ từng rất hấp dẫn nữa.
"Tôi đã nhận được một bài học", Hu chia sẻ.
Thế hệ trẻ mất niềm tin vào ngành công nghệ
Cả một thế hệ những người trẻ Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực công nghệ đang đối diện thực tế ảm đạm. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng mạnh lên ngành công nghệ nước này, kể cả những gã khổng lồ như Alibaba hay Tencent.
Người trẻ Trung Quốc ngày càng mệt mỏi với thời gian làm việc 996 trong các công ty công nghệ. Ảnh: Reuters. |
Tại Trung Quốc, số tiền đầu tư mạo hiểm cho các startup trong năm 2019 đạt 32,5 tỷ USD, không bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ mất việc tăng cao, trong khi tốc độ tuyển mới lại chậm. Số lượng bài đăng tuyển trong lĩnh vực Internet và thương mại điện tử đã giảm 13% trong quý II.
Ngành công nghệ Trung Quốc từng có lúc đầy hứa hẹn và trở thành động lực để những người trẻ cống hiến. Nhiều năm qua, họ đã quen với lịch làm việc được gọi là 996, tức là làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần, không tính bất kỳ khoảng thời gian nào cần làm quá giờ. Những kỹ sư trẻ tin rằng họ có thể cống hiến để lấy sự giàu có trong tương lai, giống những bậc tiền bối đã làm được.
Ngoài thời gian, nhiều người chấp nhận mức lương không mấy hấp dẫn, như với Hu là khoảng 2.000 USD/tháng. Tuy vậy, giờ đây họ nhận ra rằng sự cống hiến, trung thành không phải bao giờ cũng được tưởng thưởng.
Vào tháng 3, một nhóm lập trình viên giấu tên đã sử dụng nền tảng GitHub để phản đối lịch làm việc 996. Họ lập danh sách những công ty không trả tiền làm thêm giờ dưới dạng mã phần mềm và gửi văn bản tố cáo tới các tổ chức địa phương.
Nhóm lập trình viên giấu tên Trung Quốc từng "kêu cứu" trên GitHub về lịch làm việc 996. |
Những người đứng đầu ngành công nghệ Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng ủng hộ 996. Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba cho rằng được làm việc theo thời gian biểu 996 là "niềm hạnh phúc" của những nhân viên Alibaba. Richard Liu, Tổng giám đốc của JD.com thì nói rằng những người chỉ trích lịch làm việc này "không phải huynh đệ" của ông.
Kinh tế nói chung tăng trưởng chậm, ngành công nghệ Trung Quốc còn chịu nhiều sức ép từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các công ty có thể sẽ còn phải đau đầu giải quyết sự bất đồng của nhân viên với lịch làm việc kéo dài.
"Khi đãi ngộ không còn hấp dẫn, người lao động tại Trung Quốc cũng mất nhiệt huyết để làm việc theo văn hóa 996. Đây chính là nghịch lý, bởi ngành công nghệ đang phát triển của Trung Quốc cần cống hiến nhiều hơn", Brock Silver, Giám đốc công ty đầu tư Kaiyuan Capital tại Thượng Hải nhận xét.
Tránh xa 996 để tiếp tục giấc mơ
Suji Yan, 23 tuổi, nhà sáng lập của công ty phân tích dữ liệu Dimension tại Thượng Hải cho biết thế hệ trẻ muốn tìm kiếm sự công bằng giữa công việc và cuộc sống. Yan cho biết nhân viên của anh được làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, có thể làm từ xa. Anh cũng cho rằng phải vài chục năm nữa người Trung Quốc mới có thể thay đổi văn hóa làm việc,
"Khi giấc mơ làm giàu tan vỡ, những kỹ sư công nghệ nhận ra rằng họ cũng chỉ là người lao động thông thường, chẳng khác mấy lao động phổ thông như những người giao đồ ăn", Yan chia sẻ.
Văn hóa làm việc tại “thung lũng Silicon của Trung Quốc” được miêu tả là “không ngủ, không tình dục”. Ảnh: SCMP. |
Lần gần nhất ngành công nghệ Trung Quốc đối mặt khó khăn là năm 2016, khi các công ty phải dừng tuyển dụng, cắt giảm nhân sự, chi phí. Khi đó, các nhà đầu tư đổ tiền vào những startup lớn nhất, khiến giá trị các công ty này tăng vọt.
Năm nay, những startup được quan tâm nhất cũng không tránh khỏi khó khăn. Full Truck Alliance, công ty hoạt động trong lĩnh vực giao hàng, đã phải hoãn kế hoạch gọi vốn. SenseTime, công ty cung cấp công nghệ nhận khuôn mặt, cho biết đây không phải lúc phù hợp để mở một vòng gọi vốn. Đến Didi Chuxing, gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe, cũng cân nhắc cắt giảm 15% số nhân sự vào đầu năm nay. Alibaba cũng đang tạm dừng tuyển dụng.
Cherry Wang đã quen với cảnh công ty mạng xã hội của mình đông nghẹt nhân viên, không đủ chỗ ngồi. Giờ đây những hàng bàn, ghế trống ngày càng nhiều. Rất nhiều nhân viên về nghỉ cuối tuần và không quay lại nữa. Năm ngoái, khoảng 10% số nhân viên trong công ty đã bị cho nghỉ việc.
"Cô còn may là chưa bị cho nghỉ đấy", quản lý của Wang nói với cô khi được thắc mắc về khoản thưởng cuối năm.
Nhiều người cảm thấy may mắn vì thuê được nhà gần chỗ làm, tiết kiệm hàng chục phút di chuyển mỗi ngày để có thêm thời gian ngủ. Ảnh: SCMP. |
Vicky Ren, 26 tuổi, là một trong số hàng triệu người tìm đến Bắc Kinh mỗi năm sau khi tốt nghiệp đại học để tìm việc. Sau 2 năm làm tại một công ty Internet, cô được cử đi công tác tại các chi nhánh ở Đông Nam Á.
Ren bắt đầu thấy mệt mỏi với những cuộc gọi về trụ sở, thời gian làm việc kéo dài, thường xuyên phải làm đến 10h tối. Ren nghỉ việc vào tháng 5, và giờ làm cho một công ty của Mỹ với mức lương cao hơn, và có thể về nhà lúc 6h tối. Nhân viên ở công ty mới được khuyến khích làm hết mọi việc trong giờ.
"Mọi người ở đây đều cho rằng làm thêm giờ là một việc kỳ cục", Ren cho biết.