Nhiếp ảnh gia người Mỹ Bruce Davidson đã được tạp chí Queen mời đến Anh để chụp lại hình ảnh cuộc sống tại đây. Ảnh chụp các cặp đôi trên bãi biển Brighton. |
Một cô gái ôm mèo con trên đường phố London năm 1960. Davidson được tự do chụp ảnh nước Anh theo cách riêng mình trong khoảng hai tháng. Ông ở London một vài tuần trước khi đến bờ biển phía nam và sau đó là Scotland. |
Ông đặc biệt bị thu hút với phong cách sống mới của các thiếu niên ở London. Họ đại diện cho kỷ nguyên mới và sự chênh lệch ngày càng tăng giữa sự tươi trẻ và tuổi tác. Các bức ảnh được đăng trên tạp chí Queen (nay là Harper's Bazaar) vào năm 1961 với tựa đề Nhìn nước Anh qua ống kính của người Mỹ: Câu chuyện về nước Anh qua ảnh. |
Nhiếp ảnh gia Davidson tập trung vào các thái cực của cuộc sống đô thị và cuộc sống ở nông thôn. Ông cũng chú trọng vào sự thay đổi thái độ xã hội đối với giai cấp và các phong tục. |
Khi còn ở trong quân đội Mỹ, ông Davidson hỏi một trung sĩ người Wales về nơi ống ấy sẽ đưa kẻ thù tồi tệ nhất của mình đến. "Cwmcarn", trung sĩ trên trả lời mà không cần suy nghĩ. Cwmcarn là ngôi làng chuyên khai thác mỏ ở thung lũng Ebbw, Wales. Năm 1965, khi được giao nhiệm vụ chụp ảnh lâu đài Caernarfon, Davidson cảm thấy phải đến thăm thị trấn này. |
Chỉ trong vài giờ ở đây, Davidson có thể cảm nhận được "bụi than và hơi người, mồ hôi và mối nguy hiểm những người thợ mỏ phải đối mặt". "Có cái gì đó rất đẹp trong cuộc sống kinh khủng này", ông nói. Thị trấn Cwmcarn ở miền Nam xứ Wales nổi tiếng về sự hiu quạnh. Nơi đây cũng còn những vết sẹo nhiều năm làm công nghiệp nặng để lại trên môi trường. |
Tuy nhiên, những bức ảnh của Davidson thể hiện không khí trái với những gì người ta thường nghĩ về Cwmcarn. Ông tập trung vào chụp ảnh cộng đồng, gia đình của những người thợ mỏ và trẻ em chơi đùa nhằm tìm cách truyền đạt hy vọng giữa tình hình khó khăn. |
Hầu hết ảnh Davidson chụp trong chuyến đi Cwmcarn là về những người thợ mỏ. Tuy nhiên, ông cũng đi vòng quanh ngôi làng và các thị trấn xung quanh. Khi cố gắng tìm vị trí đẹp để chụp làn khói lưu huỳnh tràn ra từ nhà máy thì Davidson bắt gặp đứa trẻ này. "Nhiều người nghĩ đây là một cậu bé, nhưng thực ra đây là bé gái", ông Davidson nói về hình ảnh này. "Tôi không nghĩ rằng bạn có thể tìm thấy nhiều bé trai đẩy xe đồ chơi trong một thị trấn khai thác mỏ như vậy. Họ sẽ không có cơ hội làm điều đó". |
Ảnh một cặp đôi hôn nhau trên đường phố Anh năm 1960. Những bức ảnh của Davidson cho thấy ông bị những truyền thống và hành vi xã hội chính người Anh xem nhẹ thu hút. Với góc nhìn của người ngoài cuộc, Davidson tìm đến các nghi thức ăn mặc trang trọng và phong tục bình dị. Ông cũng nắm bắt được thói quen không bộc lộ cảm xúc và sự hài hước của người Anh. |
"Những bức ảnh này thể hiện một loại tâm trạng", ông Davidson nói về tác phẩm của mình. "Đây là tàn dư cuối cùng của một nước Anh đang chuyển mình thành những thứ khác như The Beatles hay thực hiện công cuộc hiện đại hóa". |