Đại sứ Aliberti bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và EU vừa ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA), hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) và hiệp định khung về tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA).
Hội đồng châu Âu ca ngợi EVFTA là hiệp định “tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển”. EVFTA cần được Nghị viện châu Âu thông qua trong khi IPA cần được nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn.
Đại sứ Giorgio Aliberti trước đây là phó Vụ trưởng phụ trách châu Á và châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy. Ông từng làm đại sứ Italy tại Mianma.
Trước đó, ông công tác tại Đại sứ quán Italy tại Washington D.C., nơi ông bắt đầu làm việc từ năm 2010. Trên cương vị này, ông tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ, với trọng tâm là khu vực châu Á và các vấn đề an ninh.
Đại sứ Giorgio Aliberti tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Bocconi ở Milan và tiếp tục theo học tại Trường Hành chính Quốc gia tại Strasbourg và Paris, Pháp, và tại Trường Wye, Đại học London, nơi ông đã nhận bằng Thạc sĩ Khoa học về Kinh tế Môi trường Ứng dụng.
Đại sứ Aliberti nói thành thạo tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
Buổi giao lưu trực tuyến với Đại sứ Aliberti sẽ bắt đầu vào lúc 14h30 ngày 19/11. Độc giả có thể đặt câu hỏi đến đại sứ ngay từ lúc này.
- 2019-11-18 15:56+0700
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Cảm nhận đầu tiên của ông khi đến Việt Nam là gì? Việt Nam có khác so với kỳ vọng của ông không?
Tôi đã tới Việt Nam ba năm trước, và tôi rất thích Việt Nam. Kể từ khi tới đây cho nhiệm kỳ này, tôi rất vui. Tôi ấn tượng bởi sự năng động và năng lượng của nơi này, đó là điều rất đặc biệt.
Tôi đến từ Italy. Italy và Việt Nam rất tương đồng về cách nhìn cuộc sống. Con người hai nước có thể khá thẳng thắn và trung thành. Về sự năng động, ở đây bạn có thể thấy một sự năng động rất lớn, có thể còn nhiều hơn cả ở châu Âu. Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Ông có lĩnh vực nào là trọng tâm để thúc đẩy hợp tác trong nhiệm kỳ của mình không?
Ưu tiên của tôi là tăng cường quan hệ giữa EU và Việt Nam. Hai bên có chung những vấn đề và chúng tôi ở đây để xem hai bên có thể hợp tác với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau giải quyết các vấn đề.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là thúc đẩy bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề lớn tại Việt Nam. Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này, về chính sách, sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững, chuyển đổi sản xuất…
-
EVFTA và IPA đã được ký, nhưng vẫn phải chờ thông qua. Ông có thể nói thêm về quá trình phê chuẩn hai hiệp định này không?
Hiện tại Nghị viện châu Âu đang xem xét và bốn ủy ban của quốc hội Việt Nam cũng đang làm việc về các hiệp định này. Cách đây vài tuần, có một ủy ban thương mại của EU gồm 7 nghị sĩ đã đến Việt Nam để gặp lãnh đạo chính phủ Việt Nam và các bộ trưởng, để xem chúng ta có thể cải thiện được gì. Lịch trình là tháng 1 ủy ban này họp, tháng 2 là phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu.
-
Cựu đại sứ Bruno Angelet nói rằng EVFTA chậm được ký là vì rào cản kỹ thuật. Liệu các rào cản đó có lặp lại với việc phê chuẩn ở nghị viện EU không, hay lần này các hiệp định sẽ gặp phải rào cản chính trị khác?
Đương nhiên quá trình phê chuẩn là một quá trình mang tính chính trị. EU và Việt Nam là bạn bè thân thiết, nhưng vẫn có những khác biệt. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể cùng nhau khắc phục. Một số nghị sĩ EU có thể có một vài quan ngại cụ thể của họ, chúng ta cần làm nhiều thứ hơn để giải quyết các quan ngại này.
Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Xin chào đại sứ, hẳn ông đã nghe về việc 39 người nhập cư Việt Nam chết trong xe tải khi đi từ Bỉ vào Anh. Vẫn có rất nhiều người muốn đến Anh và các nước EU làm việc, liệu EU và Việt Nam có thể làm gì để hạn chế những bi kịch tương tự? Chúc đại sứ sức khỏe và một nhiệm kỳ thành công!
Đó là một thảm kịch đáng sợ. Tôi xin chia buồn với gia đình các nạn nhân và với toàn người dân Việt Nam. Nhập cư là một vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa EU và Việt Nam. Đó cũng là vấn đề toàn cầu. Nhiều người châu Phi di cư đến nước tôi (Italy). Nhưng ở trường hợp Việt Nam, một số người nghĩ rằng họ có thể đi theo con đường phi pháp.
Điều trước tiên là phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc này, không ai nên tin vào những kẻ buôn lậu người. Cần nâng cao nhận thức về những nguy cơ của con đường phi pháp này.
Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Dù các nước EU có chính sách đường biên giới mở, nhưng mỗi nước lại có chính sách nhập cư và lao động riêng?
Nhập cư là vấn đề do từng nước thành viên xử lý, không phải là chuyện EU có thể xử lý một cách thống nhất. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng cải thiện tình hình ở đây (Việt Nam), để họ có thể ở lại.
Ảnh: Quỳnh Trang.
-
EU luôn nói rằng họ cam kết thúc đẩy tự do hàng hải và an ninh trên biển ở Biển Đông, liệu ngoài các tuyên bố ra EU có thể làm gì để giúp các nước ven Biển Đông đối phó với các hành động hung hăng và ép buộc của Trung Quốc?
Biển Đông là vấn đề được EU theo sát trong suốt thời gian dài. Đây là vấn đề quan trọng không những với những quốc gia trong khu vực mà với toàn thế giới. Đây là tuyến thương mại hàng hải quan trọng.
40% giao thương trên toàn cầu đi qua Biển Đông và eo biển Malacca. Đây là vấn đề quan trọng, phải tuân thủ luật lệ dựa trên trật tự quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều chủ chốt.
Về giải quyết tình hình ở đây, chúng tôi đề nghị các bên hạ nhiệt căng thẳng. Vấn đề này cần được xử lý dựa trên luật pháp quốc tế.
-
Tôi nghe nói EU sẽ siết chặt visa vào châu Âu sau việc 39 người chết trong xe container? Việc này có thật hay không? Tôi phải làm gì để đảm bảo đậu visa vào châu Âu?
Hiện EU không có chính sách mới về vấn đề visa, và đây cũng là chuyện của riêng từng nước thành viên. Nếu bạn cần visa, bạn có thể tới đại sứ quán của nước đó, không phải phái đoàn EU. Song nói chung EU đang cảm nhận được tác động của vấn đề nhập cư, nên có thể chính sách về vấn đề này có thể nghiêm ngặt hơn trong tương lai.
Ảnh: Quỳnh Trang.
-
FPA có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp và đảm bảo an ninh, hòa bình ở Biển Đông không?
Tôi nghĩ hiệp định cho thấy Việt Nam và EU có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Đây là nền tảng cho các cuộc đối thoại, nhiều thứ có thể được thảo luận ở đây. Từ đây chúng ta có thể bắt đầu nói chuyện, bắt đầu đưa ra các ý tưởng, vì vậy đây là xuất phát điểm tốt.
Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN ký hiệp định này với EU. Điều đó cho thấy Việt Nam thiện chí trong việc hợp tác giải quyết vấn đề. Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Nhập cư là một vấn đề gây chia rẽ ở EU những năm gần đây, liệu việc này có khiến cho chính sách nhập cư và lao động ở các nước EU thêm khắt khe không?
Hiện EU không có chính sách mới nào về visa, chúng tôi vẫn có chính sách đã do các nước thành viên ký kết. Khi cần xin visa, bạn cứ tới đại sứ quán nước thành viên EU, chứ không phải tới phái đoàn EU.
EU đang chịu tác động của vấn đề nhập cư. Vậy nên có thể chính sách sẽ nghiêm ngặt hơn.
-
Những thay đổi chính trị hiện tại ở châu Âu, đặc biệt là Hungary, Anh hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu liệu có ảnh hưởng gì đến quan hệ song phương của Việt Nam và EU không?
Không, tôi không nghĩ vậy. Tôi đồng ý là chính trị châu Âu đã căng thẳng trong những năm qua. Có những lực lượng mới trỗi dậy, như chủ nghĩa dân tộc. Song tóm lại bạn thấy đó, những chuyện đó diễn ra ở khắp nơi, và thường họ không đưa ra những chính sách tốt. Bạn khóc lóc và "dân túy" nhưng bạn cần phải giải quyết vấn đề, vấn đề cần phải có giải pháp. Vì vậy khóc lóc hay kêu gào không giải quyết được chuyện gì cả. Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Ông dự đoán sao về kết quả trận đấu tối nay giữa Việt Nam với Thái Lan?
Tôi mong các bạn có kết quả tốt.
Tôi đã xem trận đấu giữa các bạn và UAE. Việt Nam đá rất hay, các cầu thủ có tốc độ rất tốt, rất tuyệt vời.
Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Ông nói hợp tác chống biến đổi khí hậu sẽ là một ưu tiên, vậy EU có những dự án hợp tác chống biến đổi khí hậu nào đang và sẽ triển khai với Việt Nam? Một nghiên cứu gần đây cho thấy đến năm 2050, phần lớn Nam Bộ sẽ ngập trong nước khi triều lên. EU có dự án hay sáng kiến nào có thể giúp Việt Nam chuẩn bị cho kịch bản này không?
Việc đối phó biến đổi khí hậu đã diễn ra rồi. Bạn thấy Venice rồi đó, chúng tôi cũng gặp vấn đề tương tự. Như Hà Lan cũng đối phó rất tốt, nên đó cũng là một kinh nghiệm chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam. Nhưng đây là quá trình dài, không thể một sớm một chiều. Không phải vấn đề nay mai.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực về năng lượng. Chúng tôi thúc đẩy năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng Mặt Trời. Đây cũng là vấn đề toàn cầu, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ giúp được ở cấp địa phương. Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Vì kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, liệu trong tương lai chúng tôi có thể tiếp tục nhận viện trợ hay không?
EU là bên duy nhất duy trì khả năng cung cấp viện trợ. Phần lớn bên cung cấp viện trợ sẽ chuyển sang việc cho vay, EU vẫn giữ cách tiếp cận riêng trong việc cung cấp viện trợ. Hiện tại 400 triệu euro khá là lớn, cho các lĩnh vực năng lượng, quản trị... (đầu năm nay, EU tăng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lên 400 triệu euro trong giai đoạn từ năm 2014-2020 - PV).
Chúng tôi vẫn chưa quyết định về việc có thay đổi chính sách viện trợ sau năm 2020 hay không, có vài bước khác nhau. Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thảo luận để xem sẽ làm gì tiếp theo. Quan điểm hiện tại là chúng tôi sẽ tiếp tục viện trợ nếu có thể. Ảnh: Quỳnh Trang.
-
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng nhắc tới việc EU muốn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Liệu đã có tiến triển cụ thể gì trong việc này?
Đó là điều chúng tôi muốn hướng đến. Đối với EU, điều chúng tôi muốn là đối tác, là có quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN. Chúng tôi sẽ nỗ lực đi theo hướng đó. Chúng tôi vui mừng vì Việt Nam là chủ tịch ASEAN và là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm tới, cho thấy Việt Nam thực sự bước ra sân khấu thế giới. -
Mỹ, Anh, Pháp đều đã điều tàu tới Biển Đông. Liệu các nước EU khác có làm tương tự?
EU không có hải quân của khối. Tôi không thể nói về việc liệu chúng tôi có đưa tàu đến với tư cách EU trong tương lai hay không. Việc này tùy thuộc thuộc vào từng nước thành viên.
Song nếu Anh, Pháp đã làm, có lẽ các nước khác cũng sẽ như vậy. -
Các chính sách khuyến khích giáo dục giữa Eu và Việt Nam trong tương lai? Hậu Brexit có ảnh hưởng gì đến không?
Tôi nghĩ rằng các nước thành viên của EU có thể làm nhiều hơn để cố gắng thu hút sinh viên Việt Nam. Tôi muốn tới đây để tìm hiểu chúng tôi nên làm thêm gì nữa. Tôi thừa nhận là về con số, Mỹ đang thu hút nhiều sinh viên Việt Nam hơn. Ngôn ngữ có thể là một vấn đề bởi ngôn ngữ ở EU rất đa dạng.
-
Tôi là người quan tâm đến giáo dục và thấy nền giáo dục của các nước châu Âu rất tốt. Nhưng ở Việt Nam, hai điểm đến phổ biến nhất của du học sinh Việt là Mỹ và Australia. Đại sứ có dự định thúc đẩy hoạt động giáo dục giữa EU và Việt Nam, qua đó có thể có thêm nhiều bạn trẻ Việt Nam sang châu Âu học tập không?
Tôi nghĩ rằng các thành viên của EU có thể làm nhiều hơn để cố gắng thu hút sinh viên Việt Nam. Tôi muốn tới đây để tìm hiểu chúng tôi nên làm thêm gì nữa. Tôi thừa nhận là về con số, Mỹ đang thu hút nhiều sinh viên Việt Nam hơn. Ngôn ngữ có thể là một vấn đề bởi ngôn ngữ ở EU rất đa dạng.