Bán kết SEA Games 22, HLV Alfred Riedl đứng bật dậy sau cú đánh đầu thành bàn của Phan Thanh Bình ở phút 90. Mỹ Đình nổ tung, cầu trường vang dậy tiếng hô “Việt Nam vô địch, Việt Nam vô địch”.
Tỷ số 3-3 trong cuộc rượt đuổi nghẹt thở với người Mã tồn tại cho đến phút 89 đã thách thức cùng kiệt sức kiên nhẫn của tất cả. Âu lo chỉ kết thúc khi cú đá phạt góc vòng cung của Văn Quyến được Phan Thanh Bình kết thúc hoàn hảo đúng phút cuối cùng.
Lê Văn Trương không thể có mặt ở chung kết SEA Games 22 do án phạt thẻ. |
U23 Việt Nam giành quyền vào chơi trận chung kết với Thái Lan ngay trên sân nhà. Sau 5 năm (từ Tiger Cup 1998), HLV Alfred Riedl lại có dịp cầm quân chơi trận đấu cuối cùng ngay tại thủ đô Hà Nội.
Tan trận, Chủ tịch VFF lúc đó là ông Mai Liêm Trực cùng nhiều lãnh đạo cấp cao xuống sân chúc mừng U23 Việt Nam. Trong cái nắm tay tự hào và thân thiết của niềm vui chiến thắng, nhà cầm quân người Áo chợt khựng lại khi một vị trợ lý thông báo, hậu vệ trái Lê Văn Trương dính thẻ không thể thi đấu trận chung kết.
Đêm đó, ông Alfred Riedl không ngủ. Bộ máy U23 Việt Nam đang hoạt động ngon trớn từ trên xuống dưới giờ mất đi một mắt xích vô cùng quan trọng. Trước giải, nhà cầm quân người Áo đã buộc phải chia tay trung vệ Vũ Như Thành sau nghi án tiêu cực tại JVC Cup 2003 khiến bộ đôi phòng ngự mà ông ưng ý nhất bị chia cắt. Khó khăn lắm, HLV Alfred Riedl mới chấp nhận được việc đưa Vũ Duy Hoàng - một cầu thủ của Nam Định thế vào chỗ của Như Thành, đá cặp với Huy Hoàng.
Có thời điểm, ông thầy coi Việt Nam là quê hương thứ hai dự định sẽ đẩy Nguyễn Hữu Thắng - một tiền vệ trung tâm xuống đá trung vệ, nếu thử nghiệm Duy Hoàng không thành. May thay, trung vệ này (tuy không bằng Như Thành) nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu nên Hữu Thắng được giữ lại cho vị trí tiền vệ trung tâm, cùng Lê Quốc Vượng.
Vị trí hậu vệ trái của Văn Trương lúc bấy giờ không có nhiều lựa chọn, mà nếu lựa chọn, U23 Việt Nam sẽ phải sử dụng cầu thủ trái kèo. Bởi Minh Phương là lựa chọn số 1 cho vị trí hậu vệ biên phải, Phạm Hải Nam, Nguyễn Lâm Tấn (SLNA), Lê Đức Tuấn đều thuận chân phải. Một bài toán đau đầu với HLV Alfred Riedl, và cuối cùng ông điền tên Lê Đức Tuấn vào trám chỗ Văn Trương khi không có lựa chọn tốt hơn.
Trận chung kết với Thái Lan, U23 Việt Nam chơi đầy khí thế. Bộ đôi Quốc Vượng, Hữu Thắng hoạt động hết công suất, hạn chế tối đa sức sáng tạo của hàng tiền vệ Thái Lan, dẫn đầu là Datsakorn Thonglao.
Thế nhưng, đúng lúc tinh thần đang lên, U23 Việt Nam nhận bàn thua bất ngờ do lỗi của Lê Đức Tuấn - cầu thủ thay thế vị trí của Văn Trương bên cánh trái. Pha đỡ bóng hụt của cầu thủ này đã giúp Phichitphong một mình một ngựa dẫn bóng thẳng vào cầu môn, hạ gục Thế Anh. Mắt xích yếu nhất, đáng lo nhất đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi với hàng triệu người hâm mộ.
Sau trận đấu này, HLV Alfred Riedl bảo vệ Đức Tuấn khỏi búa rìu dư luận. Chính cầu thủ này cũng không thể tha thứ cho mình trong suốt thời gian dài. Nhưng, mọi chuyện đều muộn khi bóng đá Thái Lan kịp ghi tên mình vào bảng vàng ngay trước biển người rợp màu đỏ tại Mỹ Đình.
SEA Games 29, U22 Việt Nam mang trên mình sứ mệnh đoạt vàng. Chiến thắng 4-0 trước Đông Timor là kết quả tốt, khởi đầu cho hành trình khó khăn của thầy trò HLV Hữu Thắng. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta phải cảnh giác với cụm từ “ám ảnh hậu vệ trái” khi trong trận đấu tưởng chả có gì nóng bỏng, Đoàn Văn Hậu đã dính thẻ vàng.
Đoàn Văn Hậu (trái) và Vũ Văn Thanh (phải) là những vị trí chưa có sự thay thế xứng đáng ở U22 Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Để phân tích cặn kẽ, đây là vị trí cốt yếu của U22 Việt Nam không có người thay thế xứng đáng. Vai trò của Đoàn Văn Hậu bây giờ không khác tầm quan trọng của Văn Trương ở SEA Games 2003. Một cầu thủ khác cũng dính thẻ như Văn Hậu là Lương Xuân Trường. Tuy vậy, vị trí của Xuân Trường nếu “gãy” vẫn có những cá nhân thay thế tạm khiến người hâm mộ yên lòng.
Đáng lo hơn là U22 Việt Nam sẽ trải qua 2 trận đấu nữa mới đối mặt những đối thủ tranh chấp chính là Indonesia và Thái Lan. Nếu lúc đó U22 Việt Nam đứng trước tình thế phải thắng nhưng Văn Hậu không thể thi đấu giống Văn Trương 14 năm về trước, đội bóng áo đỏ sẽ phải đối mặt với thách thức cực lớn, khi hệ thống phòng thủ vẫn là mối lo ngại của số đông.
Nhìn vào lịch thi đấu và những gì đã diễn ra, U22 Việt Nam không hề có lợi trước Indonesia và Thái Lan, đặc biệt là khi hai đội này đã hòa nhau trận ra quân. U22 Thái Lan chưa chứng tỏ được sự thuyết phục và “được” nhiều người đánh giá kém các kỳ SEA Games trước.
Dẫu vậy, nếu chúng ta căn cứ vào lời tiên đoán trước trận thì cần thận trọng. Người Thái có thể chơi èo uột trước Indonesia, 5 ăn 5 thua trước bất cứ đội bóng nào. Nhưng hễ gặp Việt Nam là Thái Lan đá kiểu khác. Họ - ngay cả lúc đuối nhất (như trận bán kết Tiger 98 thua Việt Nam 0-3) cũng khiến chúng ta toát mồ hôi hột, chạy trối chết từ đầu đến cuối mới biết thắng thua.
Một vị trí hay không thay thế được cả đội bóng, một cá nhân cũng không đại diện được cho cả tập thể. Nhưng không ít lần, chỉ một mắt xích thiếu cũng đủ sức làm tiêu tan cả một hành trình. Cái đó, U22 Việt Nam phải đề phòng!
Danh sách 20 cầu thủ U23 Việt Nam dự SEA Games 2003:
Thủ môn: Nguyễn Thế Anh (SLNA), Bùi Quang Huy (Nam Định), Dương Hồng Sơn (SLNA)
Hậu vệ: Nguyễn Huy Hoàng (SLNA), Vũ Duy Hoàng (Nam Định), Lê Văn Trương (TT Huế), Nguyễn Lâm Tấn (SLNA), Phạm Hải Nam (SLNA), Nguyễn Minh Phương (GĐT.LA)
Tiền vệ: Lê Quốc Vượng (SLNA), Phan Văn Tài Em (GĐT.lA), Đặng Thanh Phương (Thể Công), Lê Đức Tuấn (LG.ACB), Nguyễn Hữu Thắng (QK7), Nguyễn Tuấn Phong (NH Đông Á), Phan Như Thuật (SLNA).
Tiền đạo: Phạm Văn Quyến (SLNA), Phan Thanh Bình (Đồng Tháp), Hoàng Phúc Lâm (LG.ACB), Lê Công Vinh (SLNA).