Áp lực khiến bệnh tâm thần khởi phát
PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103 cho biết tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu là những bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ, đặc biệt trong các kỳ thi. Tùy từng bệnh có các biểu hiện khác nhau, chẳng hạn các em không thể học tốt, tâm lý chán nản, dẫn đến kết quả giảm sút hoặc bất ngờ thay đổi tính tình, không nghe lời bố mẹ, thầy cô.
“Trầm cảm, tâm thần phân liệt là những bệnh dễ dẫn đến hành vi tự sát nhất. Trong đó, áp lực, của cuộc sống, bao gồm căng thẳng do học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân phổ biến”, PGS Đức cho biết.
Bác sĩ này khẳng định không phải bất cứ ai cũng có thể phát bệnh khi đối diện với áp lực. Tuy nhiên, những căng thẳng trong quá trình học tập đã thúc đẩy căn bệnh rối loạn tâm thần này khởi phát sớm hơn. Điều này là vấn đề đáng lo ngại khi hiện nay tỷ lệ tự sát của Việt Nam luôn ở mức cao trong khu vực châu Á.
Theo ông Đức, khi thấy con có những biểu hiện này, các phụ huynh đều cho rằng do học quá nhiều nên cho các em thư giãn, giảm thời gian học để cải thiện tình hình. Thực tế, một số trường hợp có thể đã mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nếu không được điều trị kịp thời, các em rất dễ gặp hoang tưởng, ảo giác như sợ bị theo dõi, bắt bớ, nói xấu, nghe âm thanh xui khiến.
“Bệnh có thể bùng phát với rất nhiều đối tượng, ở bất cứ thời điểm nào, song đa phần ở lứa tuổi học sinh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tạo thành những tổn thương lâu dài, mất dần khả năng hồi phục”, PGS Đức khuyến cáo.
Đừng tạo gánh nặng cho trẻ
Vẫn theo PGS Đức, hiện nay vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mực trong khi chúng là căn nguyên gây ra các bệnh khác. Đặc biệt, người trẻ là đối tượng có khả năng chống đỡ áp lực kém, dễ mắc bệnh. Đây cũng là nguyên nhân của hàng loạt vụ tự tử xảy ra ở lứa tuổi học sinh.
Để hạn chế những rủi ro cho con em mình, các phụ huynh cần phải chú ý hơn khi con có những dấu hiệu bất thường như ăn không ngon, ngủ không yên, lo lắng, căng thẳng, thay đổi tính tình, cãi lời bố mẹ...
Đặc biệt, việc chẩn đoán, thăm khám bệnh tâm thần phải thực hiện nhiều lần ở các góc độ khác nhau mới có thể đưa ra kết luận. Do đó, gia đình cần kiên trì và tin tưởng và quá trình điều trị của các bác sĩ, hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Vị chuyên gia khuyến cáo: "Các em học sinh phải có kế hoạch, thời gian biểu học tập khoa học trong năm, không nên đến lúc thi mới học. Ngoài ra, với mỗi người, khả năng, sở thích, nguyện vọng là khác nhau, bố mẹ không thể so sánh, đòi hỏi và có những kỳ vọng quá lớn, gây áp lực đối với các em".