Mỗi lần “đụng độ” với đàn em, chị Trương Thị Hồng Tâm (ngụ P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM) thường kể lại những cuộc chơi thác loạn, nướng mình theo nàng tiên nâu, rồi những “tua” đi khách kiếm tiền nuôi miệng…
Ví mình như con ngựa hoang chạy mãi cũng chồn chân, chán sống bờ ngủ bụi, vào trường ra trại, chị quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy và khép lại quãng đời giang hồ, để đi phát bao cao su cho gái mại dâm, tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS.
Phát bao cao su cho gái mại dâm
14 tuổi, Tâm "si-đa" gia nhập giang hồ vì buồn chán chuyện gia đình. Cha chị đi lấy vợ hai, bỏ đàn con thơ dại, mẹ đổ bệnh nằm liệt giường. Không nơi nương tựa, không tổ ấm dung thân, chị em Tâm bước vào cuộc đời phiêu bạt, mỗi người mỗi ngả, bơ vơ đầu đường xó chợ.
Từ một nữ sinh ngoan hiền, bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo cho hít thử ma túy, chị nghiện lúc nào không hay. Khi lên cơn đói thuốc, chị đi trộm đồ của hàng xóm. Trộm đồ không đủ tiền phê thuốc, Tâm chuyển qua cướp giật và bị đánh nhừ tử nhiều lần. Đến tuổi dậy thì, thân hình phổng phao, Tâm đi bán dâm kiếm tiền nuôi thân.
Chị Tâm bên các con nuôi của mình. |
Sống bờ ngủ bụi, Tâm bị bắt đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm không biết bao nhiêu lần. Sau một thời gian cải tạo, khôi phục lại những phẩm giá của mình, chị được chuyển qua trung tâm cai nghiện Bình Triệu. Sau 15 năm vào trường ra trại, tới năm 1991 chị được tái hòa nhập cộng đồng.
Khi được trả tự do, chị không biết đi đâu về đâu, ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ sông Sài Gòn (nay là Q.2, TP.HCM) cũng không còn. Đang bơ vơ giữa dòng đời, chị “bị” 2 thanh niên (là nhân viên xã hội) kiên trì đeo bám, thuyết phục từ bỏ con đường nghiện ngập, “buôn phấn bán hoa” để tham gia nhóm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.
Đắn đo, đấu tranh tư tưởng mãi rồi Tâm cũng nhận lời. Từ đó cuộc đời của chị sang trang mới. Tâm trở thành tình nguyện viên, hàng đêm đi phát bao cao su cho các “chiến hữu” cũ, tuyên truyền cách phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục.
Hàng đêm chị lang thang ở những tuyến đường có chị em đứng đón khách, tìm cách gần gũi, trò chuyện về "nghề nghiệp". Thấy Tâm đồng cảm, họ trải lòng và kể những tình huống, tai nạn nghề nghiệp gặp phải. Trong những lần như thế, Tâm khéo léo đưa cho họ những chiếc bao cao su, rồi hướng dẫn cách tránh thai. Ngoài ra Tâm còn phổ biến cho họ những kiến thức cơ bản, đơn giản, dễ hiểu về các căn bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, trùng roi... để biết cách bảo vệ mỗi lần "đi khách". Với kinh nghiệm của mình, Tâm cho biết những cô gái làm nghề mại dâm, không cô nào tránh khỏi những căn bệnh ấy.
Chị kể trong lúc đi tuyên truyền phòng chống bệnh cho gái mại dâm, chị có cơ hội tiếp cận với nhiều cô gái mới lớn dưới quê lên Sài Gòn bán thân kiếm tiền mà không biết sử dụng bao cao su. Có em còn ngây thơ tới mức, một đêm tiếp từ 2 - 3 khách, mà quan hệ xong rồi mới... lấy bao cao su ra sử dụng. Tâm động viên cô gái về trung tâm để xét nghiệm máu. Đúng như dự đoán, cô gái bị bệnh giang mai nhưng ở giai đoạn đầu, chưa nguy hiểm cho sức khỏe.
Tìm đường hoàn lương cho gái "bán hoa"Có lần Tâm đang trò chuyện, hướng dẫn cho các “chiến hữu” cách sử dụng bao cao su và cách quan hệ tình dục an toàn thì bị công an phường “mời” về trụ sở giải trình vì không có chứng minh nhân dân. Do thuở nhỏ chị bỏ nhà đi bụi, không cha mẹ nên không ai hướng dẫn làm giấy tờ tùy thân, Tâm ra sức thanh minh, nhưng công an vẫn không tin, cho rằng chị là gái bán hoa. Cuối cùng phải cầu cứu tới các anh chị ở trung tâm đến bảo lãnh.
Quá khứ đen tối cứ đeo bám cuộc đời Tâm, nhưng chị vẫn bình thản chấp nhận và bước qua nó. Có nhiều lúc “chiến hữu” cũ thắc mắc: “Lúc trước mỗi đêm đi khách kiếm được vài trăm ngàn, giờ đi tuyên truyền HIV cả tháng chỉ kiếm được bằng một đêm đi khách, sao phải gắn bó với nó?".
Chị Tâm dậy nghề cho các học viên cai nghiện. |
Tâm nói đi làm tình nguyện tuy mệt, bỏ nhiều công sức, tiền ít nhưng giúp được mọi người, như vậy thấy cuộc đời có ý nghĩa. Khi nghe chị trải lòng, một số chị em hành nghề mại dâm cũng bày tỏ mong muốn, khao khát được làm lại cuộc đời.
Hiểu được nỗi lòng của họ, chị tìm cách để có được nguồn hỗ trợ, giúp chị em có một nghề lương thiện để mưu sinh mà không phải vạ vật, vất vưởng mỗi đêm ngoài đường. Vào tháng 3/1995, thiện ý của Tâm nhận được sự trợ giúp của một tờ báo với 2 triệu đồng. Lúc đầu Tâm cũng nghĩ lấy số tiền đó mua một chiếc xe đạp để đi công tác cho đỡ mệt… Nhưng lại nghĩ đây là số tiền người ta giúp, phải làm gì cho nó có ý nghĩa.
Thế rồi chị quyết định bỏ tiền thuê một căn nhà trọ cho 7 cô gái làm nghề “đứng đường” khao khát muốn làm lại cuộc đời. Chị ra chợ nhận củ kiệu về cho các cô lột vỏ và dần dà họ thạo việc và bắt đầu sống tự lập. Trong 7 cô gái chị Tâm cưu mang thì 5 cô hoàn lương, một thời gian sau thì ổn định, có chồng con. Còn 1 cô qua đời vì AIDS và một không chịu được lao động cực khổ nên đã quay lại nghề cũ.
Ở cái tuổi ngoài 50, thân hình gầy gò, ốm yếu, bị hành hạ bởi chứng lao phổi, nhưng chị vẫn nhận 4 đứa trẻ bị nhiễm HIV về nuôi. Chị Tâm kể: "Ngày tôi mang chúng về, đứa lớn nhất chỉ ngoài 4 tuổi, đứa nhỏ mới đầy tháng. Đứa nào cũng gầy gò, xanh xao vì bệnh tật. Bố mẹ chúng đều chết vì AIDS. Hôm nay nhìn chúng phổng phao hồng hào không ai nghĩ là chúng bị mắc căn bệnh thế kỷ".