Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm Phan: Sự bất bình đẳng giết chết tình yêu

"Không có ai nắm tay nhau cả ngày đợi và những đôi vợ chồng sống chung với nhau lâu dài không phải là vì họ yêu nhau phơi phới suốt 40-50 năm", nhà văn Tâm Phan chia sẻ.

Xã hội đã tiến bộ, văn minh hơn nhưng hình ảnh người phụ nữ đi làm về cặm cụi trong bếp dọn dẹp, nấu nướng, còn người chồng gác chân đọc báo, xem tivi vẫn khá phổ biến ở Việt Nam. Phụ nữ lên tiếng đòi đàn ông phải chia sẻ, đàn ông thì cho rằng đó là thiên chức của phụ nữ, đừng vin vào “bình đẳng” để đòi hỏi. Vậy, thế nào là bình đẳng trong quan hệ vợ chồng?

Nhà văn Tâm Phan, nổi tiếng với hình ảnh một nữ blogger cá tính, tác giả quyển hồi ký, tự sự vừa mới mẻ táo bạo, vừa ngập hơi thở đời thường, từng đi qua 26 quốc gia trên thế giới, cư trú và làm việc lâu dài ở 3 nước là Úc, Sri Lanka và Thụy Sĩ, một người phụ nữ lấy chồng Tây chia sẻ quan điểm của về bình đẳng vợ chồng.

Gia đình nhà văn Tâm Phan.

- Tâm Phan quan niệm bình đẳng trong quan hệ vợ chồng như thế nào?

- Theo tôi, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là cả hai cùng có trách nhiệm nuôi con, làm công việc nhà hay thời gian dành cho công việc như nhau. Không phải là vợ thì ngoài giờ làm phải đi đón con, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa trong khi chồng đi tiệc tùng bù khú với bạn bè sau giờ làm. Nếu cả hai vợ chồng cùng đi làm thì cần phải chia sẻ việc nhà như nhau. Ví dụ sau giờ làm: chồng đi đón con - vợ đi chợ. Vợ nấu cơm - chồng dạy con học, làm bài tập về nhà. Vợ dọn dẹp nhà cửa - chồng rửa chén. Đó là sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng.

- Chị có thể nói cụ thể hơn về sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng của chị?

- Khi chúng tôi làm việc gì cũng thảo luận, hỏi ý kiến nhau, đó là sự tôn trọng lẫn nhau mà bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng phải có. Còn sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng thì như tôi đã nói ở trên.

- Có ý kiến cho rằng, một đôi vợ chồng yêu nhau phơi phới, lúc nào cũng nghĩ đến nhau thì đâu cần quan tâm đến chuyện bình đẳng. Chỉ những cặp vợ chồng hết yêu mới đòi bình đẳng. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

- Điều này có thể đúng nhưng không thể kéo dài. Bởi chính sự bất bình đẳng đã giết chết tình yêu chứ không phải tình yêu là mãi mãi, là sức mạnh vô biên. Không có ai nắm tay nhau cả ngày đợi và những đôi vợ chồng sống chung với nhau lâu dài không phải là vì họ yêu nhau phơi phới suốt 40-50 năm. Đó là cả một quá trình tìm kiếm sự hòa hợp lẫn nhau mà cả hai cùng hài lòng và thỏa mãn. Nếu 1 trong 2 người chỉ nhận chứ không cho đi (bất bình đẳng) thì làm sao mà mối quan hệ đó có thể tồn tại lâu dài.

- Chị đã sống ở nước ngoài một thời gian dài, chị nhận thấy sự bình đẳng nam - nữ ở đó biểu hiện như thế nào?

- Ở phương Tây phụ nữ có thể là trụ cột gia đình, có địa vị cao trong xã hội và nam giới hoàn toàn có thể ở nhà làm nội trợ, nuôi dạy con. Không ai đánh giá chê cười người đàn ông nội trợ cũng như không dám khinh thường người đàn bà giữ vị trí cao trong công việc.

- Có người miêu tả rằng, phụ nữ ở phương Tây cũng uống rượu, hút thuốc lá như đàn ông. Thiếu ghế thì phụ nữ ngồi, đàn ông đứng. Đi du lịch đàn ông xách đồ nặng, lên xuống xe đàn ông mở cửa. Mua vé xem phim, đàn ông xếp hàng, phụ nữ ra ghế ngồi chờ. Trong tranh cãi, đàn ông luôn nhường phần thắng cho phụ nữ. Theo chị đó là sự bình đẳng hay chỉ là sự chiều chuộng của đàn ông với phụ nữ?

- Theo tôi đó không phải là sự bình đẳng mà là tôn trọng cái tôi cá nhân của mỗi người. Phụ nữ phương Tây uống rượu hút thuốc là thói quen và sở thích của họ. Đàn ông nấu nướng đó là họ có tính độc lập được rèn luyện từ bé, không phụ thuộc vào phụ nữ trong công việc nhà. Người Việt Nam hoàn toàn hiểu sai điều này. 

Còn việc đàn ông xách đồ, mở cửa cho phụ nữ là phép lịch sự tối thiểu của những con người văn minh. Có những phụ nữ rất mạnh mẽ trong việc đòi quyền bình đẳng với đàn ông, họ còn cảm thấy giận khi đàn ông xách đồ hay mở cửa cho họ. Họ coi đó là sự khinh thường sỉ nhục họ. Tuy nhiên những phụ nữ này thuộc nhóm đòi quyền bình đẳng một cách cực đoan.

- Theo chị, để sống bình đẳng với người bạn đời của mình, người phụ nữ có cần đến phương pháp hay kỹ năng gì không?

- Người bạn đời trước hết phải là người hiểu mình, yêu mình, biết điều gì làm mình hạnh phúc hay đau khổ. Điều quan trọng là người phụ nữ cần sống thật với chính mình, nói chuyện với người bạn đời nếu như có điều gì cảm thấy không bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Hai người tìm được tiếng nói chung thì tự khắc mối quan hệ đó là một mối quan hệ bình đẳng thôi.

- Vợ chồng muốn bình đẳng với nhau, chỉ cần phụ nữ có phương pháp hay vẫn cần sự tự ý thức của đàn ông?

- Đàn ông có ý thức hay không thì vẫn cần người phụ nữ phải lên tiếng. Họ không phải là thánh để đọc được suy nghĩ trong đầu phụ nữ. Nếu người vợ cứ âm thầm chịu đựng sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng mà không nói ra thì làm sao anh chồng biết để mà ý thức. Bình đẳng vợ chồng cũng có nghĩa là cả hai đều có quyền được nói lên những suy nghĩ của mình.

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/166327/tam-phan--su-bat-binh-dang-giet-chet-tinh-yeu-.html

Theo VietNamNet

Bạn có thể quan tâm