Tạm nhập 'quên' tái xuất xăng dầu trị giá hàng triệu USD
Lượng xăng dầu của các doanh nghiệp trong nước xin tạm nhập nhưng chưa tái xuất theo quy định lên tới hàng trăm nghìn tấn, trị giá nhiều trăm triệu USD.
Hàng loạt doanh nghiệp"quên" tái xuất
Tổng cục Hải quan cho biết, theo thống kê về tình hình tạm nhập tái xuất từ 1/1/2009 đến 31/6 vừa qua, Petrolimex đã có lượng xăng tạm nhập hơn 899 nghìn tấn, còn lượng hàng tái xuất chỉ là 763 nghìn tấn. Như vậy, khối lượng xăng tạm nhập nhưng chưa tái xuất của Petrolimex lên tới hơn 136 nghìn tấn, tương đương hơn 40,9 triệu USD.
Tương tự, Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông cũng có khối lượng xăng tạm nhập cao hơn mức tái xuất là 48,5 nghìn tấn, tức là khoảng hơn 35 triệu USD. Lượng dầu diezel đơn vị này tạm nhập nhưng chưa tái xuất cũng ở mức hơn 110 nghìn tấn. Công ty TNHH một thành viên Hàng không Việt Nam có mức chênh lệch giữa xăng máy bay tạm nhập và tái xuất lên tới 164,8 nghìn tấn. Khối lương xăng tạm nhập nhưng chưa tái xuất của công ty này cũng là 10,9 nghìn tấn.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, còn nhiều DN khác cũng "quên" không tái xuất hàng xăng dầu như: Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội, Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Tổng công ty dầu Việt Nam, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt, Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex...
Lãnh đạo tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định, mặt hàng xăng dầu khi tạm nhập thì nguyên trạng thì cũng phải để nguyên trạng khi xuất sang nước khác. Tuy nhiên, bản thân xăng hoặc dầu tạm nhập tái xuất thời gian qua đôi khi không phân biệt được lô nào là tạm nhập, lô nào là tái xuất.
“Quên” để lách luật trốn thuế
Ông Nguyễn Văn Cẩn (phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan) cho biết, theo Nghị định 12 hướng dẫn thi hành luật thông quan, tạm nhập tái xuất xăng dầu được lưu tại Việt Nam 120 ngày và 2 lần gia hạn (mỗi lần 30 ngày), tờ khai 15 ngày, với thời hạn nộp thuế có thể lên đến 195 ngày kể từ ngày tạm nhập... Điều khó khăn là, mặt hàng xăng dầu có nhiều chủng loại, có thể bị trộn chung và trên thực tế, 13 doanh nghiệp đầu mối không bỏ riêng xăng - dầu tạm nhập nên rất khó kiểm tra.
Chính vì thế, những năm qua, lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất đều tăng dần. Chẳng hạn, năm 2009 cả nước có 365.600 tấn xăng dầu không được tái xuất thì năm 2010 tăng lên 495.900 tấn, năm 2011 tăng lên 580.000 tấn. Riêng 6 tháng đầu năm nay, con số này là 544.000 tấn và tính chung từ năm 2009 đến hết tháng 6 vừa qua, đã có hơn 1,984 triệu tấn xăng dầu không được tái xuất, tương đương hơn 1.391 triệu USD.
Theo luật thuế và quy định của pháp luật, nếu doanh nghiệp không tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải nộp thuế. Theo thông lệ quốc tế, hoạt động tạm nhập tái xuất phải thực hiện theo hai hợp đồng là hợp đồng tạm nhập và hợp đồng tái xuất nhưng quy định hiện nay của Việt Nam thì chỉ cần có một hợp đồng tạm nhập mà không có hợp đồng tái xuất. Bên cạnh đó, quy định thời gian trong vòng 180 ngày cũng là một kẽ hở trong chính sách. "Lợi dụng kẽ hở này, doanh nghiệp sẽ bán hàng ra lấy tiền nộp thuế hoặc chiếm dụng thuế của Nhà nước" - ông Cẩn nói.
Theo Người Đưa Tin