Sự kiện thương hiệu Việt Asanzo trình làng mẫu TV 4K màn hình cong với giá từ 22 triệu cho bản 55 inch, và 32 triệu cho bản 65 inch thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt.
Nhiều ý kiến khẳng định TV Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của các hãng nổi tiếng khác. Đặc biệt, tâm lý chuộng hàng ngoại của đa số dân Việt là nguyên nhân ‘giết chết’ sản phẩm nội quốc.
'Tên lạ, giá đắt, khó có thể tin tưởng'
Mới đây, thương hiệu Việt Asanzo giới thiệu mẫu TV 4K là Asanzo SU55S6 và SU65S8. Đây là 2 model cao cấp nhất, sử dụng màn hình cong, tích hợp sẵn dịch vụ MyTV... Trái với kỳ vọng của nhãn hàng, nhiều độc giả khẳng định sẽ khó ủng hộ các sản phẩm này với lý do là hàng nội quốc.
Ngạc nhiên trước thông tin TV Việt có công nghệ hiện đại, thành viên Đức Châu chia sẻ: “Thật không thể tin nổi Việt Nam sản xuất được chiếc tivi hiện đại này. Đọc các thông số thấy khá được nhưng tôi không thích dùng hàng trong nước. Bởi nó không nổi tiếng, không có tên tuổi trong thị trường nên tôi rất lo sợ về chất lượng”.
“Bỏ ra 22 triệu để mua một chiếc tivi 55 inch hàng Việt Nam thì tôi không dám. Với số tiền này, tôi sẽ chọn Samsung có cùng tầm giá cho lành. Thương hiệu này nổi tiếng thế giới, nhiều người ưa chuộng”, bạn đọc Thanh Kiêm trần tình.
Thậm chí, độc giả Nam Nguyễn cho rằng sử dụng hàng Việt là thể hiện sự “quê mùa”: “Tôi không thích dùng sản phẩm công nghệ nội quốc. Không phải vì chất lượng kém, mẫu mã xấu mà vì thương hiệu Việt không nổi tiếng”.
Thương hiệu Việt Asanzo trình làng mẫu TV 4K màn hình cong. Ảnh: Khương Nha. |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận xét việc đặt tên cho 2 ‘đứa con’ mới trình làng của Asanzo trong không để lại ấn tượng với người tiêu dùng.
Thành viên Ngọc Sương bình luận: “Tôi chỉ nghe tên tivi đã không ưa. Sao lại đặt tên kiểu đánh đố người tiêu dùng? Hãng sản xuất nên đổi tên mang bản sắc riêng của mình chắc chắn sẽ được ủng hộ nhiều hơn”.
“TV có tên lạ, thương hiệu chưa tên tuổi, chất lượng không biết thế nào… không ai liều lĩnh bỏ vài chục triệu để mua một chiếc TV như vậy”, độc giả Hà Tuấn cùng suy nghĩ.
Người Việt không thích dùng hàng Việt
Asanzo là thương hiệu Việt hiếm hoi trên thị trường TV. Sau 3 năm phát triển, hãng sản xuất chỉ chiếm khoảng 10% thị phần tại Việt Nam. Doanh số này chủ yếu đến từ các tỉnh.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên thương hiệu Việt gặp phải sự quay lưng của người dùng Việt. Trước đó, chiếc điện thoại Bphone do BKAV sản xuất cũng không nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Dù giá cả thấp hơn các hãng điện thoại nước ngoài nhưng Bphone vẫn không cạnh tranh được với sản phẩm ngoại quốc khác trên thị trường.
“Tâm lý sính ngoại đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người Việt. Đó là lý do công nghệ nước ta không có cơ hội phát triển.
Văn hóa sính hàng ngoại ảnh hưởng tiêu cực tới công nghiệp sản xuất nội địa khiến ngân sách Nhà nước thất thu, người lao động mất việc…”, bạn đọc Công Xuân bày tỏ quan điểm.
Cùng ý kiến trên, thành viên Thành Tân thẳng thắn: “Đúng là bụt chùa nhà không thiêng! Một số đối tượng thu nhập cao có xu hướng tiêu dùng chơi trội, sĩ diện, muốn thông qua hàng hóa tiêu dùng để xác định địa vị xã hội, đánh bóng tên tuổi. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền cao gấp 2-3 lần giá trị thực của sản phẩm”.
Theo nhiều độc giả, không ít người tiêu dùng bỏ qua chất lượng sản phẩm mà chỉ bỏ tiền mua thương hiệu nước ngoài. Những người này thường nghĩ rằng hàng càng đắt, chất lượng càng cao.
"Vì thế, người tiêu dùng tự đưa mình vào thế mua đắt hơn giá trị thực của sản phẩm. Tôi nghĩ tiền nào của đấy. Bản thân tôi chỉ an tâm khi mua sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng".
Không ít người có quan điểm, tâm lý chuộng hàng ngoại của nhiều người khiến các doanh nghiệp, dù là hàng Việt Nam có giá bán và chất lượng tốt nhưng phải “lập lờ”, bằng cách gắn thương hiệu mang tên nước ngoài.
Đây là một trong những yếu tố khiến người tiêu dùng muốn sử dụng hàng nội gặp khó khăn để nhận biết và ưu tiên mua các sản phẩm Việt Nam.