Theo New York Times, những kẻ xả súng thường để lại lí do dễ nhận biết. Chẳng hạn hung thủ giết 49 người trong một hộp đêm ở Orlando, bang Florida năm ngoái đã gọi điện cho cảnh sát và thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khi đang gây án.
Những hung thủ khác đăng tuyên bố phân biệt chủng tộc lên mạng (vụ xả súng ở Charleston), ủng hộ Nhà nước Hồi giáo trên Facebook (như vụ xả súng ở San Bernandino), phê phán tổ chức chăm sóc sinh sản Planned Parenthood, hoặc thú nhận với cảnh sát về động cơ ghét người da trắng.
Steven B. Wolfson, công tố viên của Hạt Clark, bang Nevada, nơi vụ xả súng xảy ra, ước tính rằng "trong 99% các vụ thảm sát, hung thủ có để lại lí do, dù điên loạn tới mức nào".
“Tôi làm việc trong ngành này đã lâu và không nhớ một vụ nào mà không biết nguyên nhân”, ông Wolfson nói với báo New York Times tuần trước.
Nhưng Paddock không có tuyên bố cao siêu nào. Không ai nói hắn nguy hiểm hay có những suy nghĩ cực đoan. Hắn cũng không có nhiều bạn thân. Hắn chơi poker điện tử và thường chỉ chơi một mình.
Paddock làm kế toán, không thiếu tiền và có một người bạn gái, nhưng đồng thời nghiện cờ bạc, thường đặt nhiều tiền và chỉ thích một mình. Đó là bộ mặt của kẻ sát nhân điên cuồng xả súng giết 58 người tại Las Vegas hôm 1/10. Ngay cả em trai và bạn gái cũng không thể nhớ nổi một dấu hiệu nào báo trước việc Paddock, một người “vui tính, dễ ngồi chơi cùng”, lại trở thành kẻ sát nhân trong đêm 1/10.
Stephen Paddock, chụp lại từ ảnh của em trai Eric Paddock. Ảnh: AP. |
Giả thuyết rối loạn tâm lý
Tiến sĩ tâm lý học pháp lý Ian Gargan ở Dublin, Ireland, tác giả cuốn sách The Line (tạm dịch: Ranh giới) về tâm lý tội phạm, đã trăn trở với cùng một câu hỏi về động cơ của những hành vi tội ác.
“Hắn thích cờ bạc. Rủi ro làm hắn hưng phấn, kích thích và vui vẻ. Thích rủi ro có thể đã giúp hắn kinh doanh thành công. Những khía cạnh này không đủ để cảnh sát đưa vào theo dõi, nhưng nhìn kĩ lại, Paddock có thể có những đặc điểm của bệnh tâm thần (psychopath) hoặc rối loại nhân cách chống xã hội (sociopath)”, tiến sĩ Gargan nhận định trên tờ Irish Independent.
Một cựu quan chức FBI đã nói Paddock “có thể đang khổ sở về tâm lý”. Bạn gái nói hắn thường nằm trên giường, rên rỉ rồi la lớn “Chúa ơi”.
Paddock uống thuốc an thần từ tháng 6 và các nhân viên của một cửa hàng gần nhà nhớ lại rằng hắn quát nạt bạn gái ở nơi công cộng.
“Những hành động này có thể đã gây rối loạn tâm lý trong Paddock nhiều năm liền, khiến hắn càng rút khỏi các tiếp xúc với cộng đồng. Kêu la trong lúc ngủ và công khai chửi mắng bạn gái có thể báo hiệu mâu thuẫn tâm lý nghiêm trọng”, tiến sĩ Gargan viết.
Paddock cho thấy một cuộc sống bình thường bên ngoài, nhưng che giấu bên trong hắn sự căm giận âm ỉ. Theo ông Gargan, một thời thơ ấu khó khăn hay bị bạo hành cũng có thể là mầm mống của những hành vi phản xã hội.
Cha của Paddock từng cướp ngân hàng, trốn khỏi nhà tù liên bang, và bị FBI truy nã những năm 1970. Chuyên gia tâm lý học pháp lý Elliot Atkins nói với kênh FOX29: "Nếu một người có cha hoặc người thân mang nhân cách bệnh lý, khả năng người đó cũng có nhân cách bệnh lý sẽ cao hơn”.
Đó chỉ là những giả thuyết, nhưng điều đáng chú ý là người thân có vẻ không nhận ra những điều đó ở Paddock.
“Người bị bệnh tâm thần có thể đè nén sự căm giận, và thể hiện một tác phong lôi cuốn để xã hội nhìn thấy hình ảnh nhất định về họ. Bề ngoài có thể quyến rũ, thông minh, thành công nhưng bên trong là sự căm ghét và quyết tâm phải phá hoại người khác”, tiến sĩ Gargan nêu giả thuyết về Paddock.
Người tới dự đêm nhạc đồng quê hoảng loạn sau vụ xả súng đêm 1/10. Ảnh: Getty Images. |
Muốn nổi tiếng hoặc thù đời
Trong nhiều năm qua, các nghiên cứu đã vẽ nên bức tranh tâm lí của những kẻ thảm sát.
Adam Lankford, giáo sư về tư pháp hình sự ở Đại học Alabama, nghiên cứu những kẻ giết người hàng loạt rồi tự sát. Ông nhận thấy “khá nhiều trường hợp hung thủ nhắc đến mong muốn nổi tiếng và được chú ý”, theo báo New York Times.
Adam Lanza, 20 tuổi, xả súng giết 20 trẻ em và 6 người lớn rồi tự vẫn ở trường tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut, Mỹ) năm 2012, đăng lên một diễn đàn mạng “Đúng là có nhiều fan cho đủ các loại giết người hàng loạt”.
Robert Hawkins, 19 tuổi, giết 8 người ở một trung tâm mua sắm ở Omaha (bang Nebraska, Mỹ), ghi “Tao sẽ nổi tiếng” trong một mẩu giấy có nhiều lời chửi thề.
Dylan Klebold, 17 tuổi, giết 13 người rồi tự sát trong vụ xả súng ở trường Trung học Columbine (bang Colorado, Mỹ) năm 1999, nói “các đạo diễn sẽ tranh nhau làm phim này cho mà xem” trong một video trước vụ thảm sát.
Một chiếc mũ bị bỏ lại sau vụ xả súng ở Las Vegas. Ảnh: Getty Images. |
“Một trong số các điểm chung của những kẻ thảm sát là tính cách hoang tưởng và sự bất mãn vô cùng”, tiến sĩ Michael Stone, chuyên gia tâm thần học pháp lý ở New York, nói với báo New York Times. Ông nghiên cứu 228 hung thủ các vụ thảm sát, trong đó nhiều người cũng tự sát.
Tiến sĩ J. Reid Meloy, một chuyên gia tâm lý học pháp lý thường tư vấn cho các trường đại học và tập đoàn, có đồng quan điểm. “Điều rõ ràng sau 30 năm nghiên cứu là lòng căm hận vì bị xã hội ngược đãi hầu như luôn là thứ đã đẩy con người xuống vực thẳm của một vụ thảm sát”, ông nói với báo New York Times.
Mateen, kẻ đã giết 49 người ở một hộp đêm đồng tính tại Orlando, bang Florida năm 201, gặp vấn đề với giới tính. Cha của Mateen kể hắn đã tức giận khi thấy hai người đàn ông đang hôn nhau.
“Thù ghét người khác thực ra là nỗi căm ghét chính mình”, chuyên gia tâm lí xã hội Arie Kruglanski, giáo sư ở Đại học Maryland nói với Washington Post. “Nó liên quan tới việc không còn cảm thấy ý nghĩa, cảm thấy mình quan trọng, và điều đó hình thành vì thất bại trong cuộc sống hoặc thuộc nhóm thiểu số, bị kì thị hay bị bắt nạt trong xã hội”.
Sau cùng, nỗi căm ghét chính mình khiến một số kẻ hành động để lấy lại tầm quan trọng của bản thân. Và cách nhanh nhất đồng thời mạnh mẽ nhất, theo Kruglanski, chính là “hành động nguyên thủy nhất của con người: chứng tỏ ta mạnh hơn người khác”.
Và đó là khởi nguồn của hành động bạo lực.
Một người đàn ông dùng thân mình để che chắn cho một phụ nữ trong vụ xả súng ở Las Vegas. Ảnh: Getty Images. |
Nguyên nhân có thể mãi là bí ẩn
Tiến sĩ Gargan cũng còn một giả thuyết nữa: một vụ thảm sát không do lý trí và Paddock không có động cơ nào. Cơ sở cho điều này là Paddock có thể “nghĩ mình không có ảnh hưởng gì tới xã hội, không được ai chú ý và nghĩ cuộc đời mình vô nghĩa”.
“Giết người không cần lý do bỗng dưng cho cuộc đời hắn một cái danh, như một cách đánh dấu sự tồn tại của hắn”, tiến sĩ Gargan viết.
Tuần trước, phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Andrew McCabe cho hay ông không loại trừ khả năng tội ác này không có lý do hoặc không chứng minh được lý do nào.
Theo New York Times, nhiều vụ thảm sát đã xảy ra mà không có lời giải thích thỏa đáng. Các điều tra viên đã không bao giờ tìm ra động cơ thuyết phục cho cuộc thảm sát năm 1966 ở Đại học Texas. Khi đó, súng bắn chết 14 người từ một tháp đồng hồ sau khi giết cả gia đình mình.
Một số vụ khác phải mất nhiều tháng mới được làm sáng tỏ. George Brauchler, công tố viên vụ James Holmes xả súng ở rạp phim ở Aurora, Colorado, nói kết luận về vụ án chỉ có sau khi nhật kí của hung thủ được tìm thấy và thẩm định. Các thông tin được phát hiện cho thấy Holmes trở nên bạo lực sau khi thất bại cả trong sự nghiệp lẫn chuyện tình dục.
Tuy vậy, Brauchler nói với New York Times vụ đó có nhiều thông tin hơn vụ Las Vegas.
“Điều đáng sợ nhất là không tìm được động cơ gây án”, ông nói.
Nến thắp tưởng niệm vụ xả súng vào đêm nhạc đồng quê ở Las Vegas. Ảnh: Getty Images. |