Trước cuộc tấn công của Taliban, nhiều đơn vị quân đội Afghanistan nhanh chóng đầu hàng hoặc rút lui khi, dù họ đã giữ vững tuyến phòng thủ trong nhiều tháng.
Bởi vì tinh thần chiến đấu kém cỏi, quân đội Afghanistan nhanh chóng sụp đổ dù Mỹ đã bơm vào đây 83 tỷ USD vũ khí, khí tài và huấn luyện trong 20 năm qua, theo New York Times.
Cuộc chiến về tâm lý
“Không khu vực nào thất thủ vì chiến đấu trực tiếp, mà là kết quả của chiến tranh tâm lý”, tướng Abbas Tawakoli, chỉ huy Quân đoàn 217 thuộc quân đội Afghanistan, nhận định. Căn cứ của ông thất thủ trước Taliban hôm 11/7.
Cuộc chiến tâm lý mà tướng Tawakoli nhắc đến hiện diện ở nhiều mức độ khác nhau.
Một binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Afghanistan tại Kandahar trước khi thành phố thất thủ. Ảnh: New York Times. |
Phi công trong lực lượng chính phủ Afghanistan cáo buộc lãnh đạo quan tâm đến tình trạng của máy bay hơn là những người ngồi trên đó. Các phi công này là mục tiêu ám sát của Taliban. Nhiều người đã thiệt mạng.
Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm liên tục bị điều chuyển giữa các tỉnh mà không có mục tiêu rõ ràng. Các binh sĩ đang thiếu ngủ trầm trọng.
Lực lượng dân quân thân chính phủ cũng không tránh khỏi sụp đổ.
Sheberghan là một trong những thành phố thất thủ đầu tiên trong tuần qua. Đáng ra thành phố này phải được bảo vệ bởi lực lượng thiện chiến dưới quyền chỉ huy của nguyên soái Abdul Rashid Dostum, người từng giữ chức phó tổng thống Afghanistan.
Hôm 13/8, Mohammad Ismail Khan, một trong những chỉ huy dân quân nổi tiếng nhất tại Afghanistan, cũng phải đầu hàng Taliban.
“Chúng ta đang chết chìm vì nạn tham nhũng”, Abdul Haleem, sĩ quan cảnh sát bảo vệ Kandahar, nói. Ngay trước khi Kandahar thất thủ, đội đặc nhiệm của anh chỉ còn 15 người trên tổng biên chế là 30. Trong số đó, nhiều người chỉ có thể ở lại tiền tuyến vì quê nhà bị Taliban chiếm đóng.
“Chúng tôi làm cách nào có thể đánh bại Taliban với lượng đạn này?”, Abdul Haleem nói. Khẩu súng máy của đơn vị anh đã hết đạn. Sau khi Kandahar thất thủ, số phận của anh và các đồng đội vẫn chưa thể xác định.
Lực lượng yếu kém
Xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan là một trong những cốt lõi chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Obama một thập kỷ trước. Qua chương trình, Mỹ hy vọng có thể rút quân khi lực lượng này đủ “cứng cáp”.
Lính Mỹ tham gia huấn luyện cho quân đội Afghanistan năm 2016. Ảnh: New York Times. |
Mục tiêu của Mỹ là xây dựng một quân đội Afghanistan mạnh, theo mô hình Mỹ, có thể tồn tại mà không có đồng minh hỗ trợ. Tuy nhiên, dường như tốc độ sụp đổ của quân đội Afghanistan còn nhanh hơn tốc độ rút quân của Mỹ.
Kabul thất thủ hôm 15/8, sớm hơn gần một tháng so với thời hạn 11/9 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra để các binh sĩ Mỹ phải rời Afghanistan hoàn toàn.
Sự sụp đổ của lực lượng Afghanistan bắt đầu từ các tiền đồn đơn độc ở vùng nông thôn. Các binh sĩ và nhân viên cảnh sát thiếu đói, thiếu đạn bị Taliban bao vây, trong khi không được không quân hỗ trợ hay tiếp tế.
Taliban hứa để họ rút quân an toàn nếu đầu hàng và để lại toàn bộ vũ khí và trang bị. Với chiến thuật này, Taliban dần mở rộng quyền kiểm soát ra từng quận huyện, từng tuyến đường quan trọng.
Sự yếu kém về mặt thể chế của lực lượng an ninh Afghanistan là không thể phủ nhận. Mỹ và phương Tây muốn xây dựng một quân đội hiện đại với cơ cấu phức tạp. Tuy vậy, cơ cấu này khó có thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ từ các nước thuộc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan có tới 300.000 người. Con số tham chiến thực tế chỉ bằng 1/6, theo các quan chức Mỹ.
Khi Mỹ tuyên bố rút quân và Taliban đẩy mạnh tấn công, binh lính và nhân viên an ninh của chính phủ Afghanistan nhận thấy cuộc chiến này không đáng để họ phải hy sinh. Họ cảm thấy thất vọng và bị bỏ rơi, theo New York Times.
Binh sĩ Afghanistan tại Kandahar trước khi thành phố thất thủ. Ảnh: New York Times. |
Các binh sĩ bảo vệ Kandahar, thành phố lớn thứ hai tại Afghanistan, phải ăn khoai tây để sống qua ngày. Nhiều khi họ không nhận được thực phẩm gì khác ngoài khoai tây. Cái đói và sự mệt mỏi làm họ thất vọng. “Đống khoai tây chiên này không thể giúp chúng tôi bảo vệ tiền tuyến”, một sĩ quan cảnh sát nói.
Đến ngày 12/8, tiền tuyến bị xuyên thủng. Sáng hôm sau, Taliban chiếm được Kandahar.
Những người phòng thủ cuối cùng
Trước sức tấn công mãnh liệt của Taliban, quân đội Afghanistan co cụm phòng thủ các thành phố tỉnh lỵ. Chiến thuật này đã thất bại.
“Họ đang muốn kết liễu chúng tôi”, Abdulhai, một sĩ quan cảnh sát tham gia bảo vệ Kandahar nói. Tuy vậy, ông không nhắc đến Taliban. Ông ám chỉ chính phủ yếu kém của Afghanistan đang chấp nhận để nhiều phần lãnh thổ rơi vào tay Taliban.
Tuy vậy, giữa cuộc khủng hoảng của quân đội Afghanistan, vẫn có những lực lượng còn chiến đấu. Các binh sĩ này chiến đấu vì nhau, và vì vị chỉ huy của họ.
Khi Taliban xâm nhập vùng ngoại ô thành phố Lashkar Gah hồi tháng 5, một đơn vị lính biên phòng làm nhiệm vụ phòng thủ. Đáng ra nhiệm vụ này thuộc về cảnh sát địa phương, nhưng họ đã đầu hàng, rút lui hoặc bị Taliban mua chuộc.
Binh sĩ Afghanistan tại một tiền đồn ở thành phố Lashkar Gah hồi tháng 5. Ảnh: New York Times. |
Những người lính này tỏ ra hào hứng khi đại úy Ezzatullah Tofan, người có bộ râu xồm xoàm, đến chi viện trong một ngôi nhà bị bỏ hoang.
“Đại úy Tofan luôn đến để giải cứu”, một binh sĩ cho biết.
Cuối tháng 7, khi Taliban tiếp tục tấn công Lashkar Gah, đại úy Tofan tiếp tục được điều động để bổ sung lực lượng cho các tiền đồn.
Điều này có thể giúp lực lượng an ninh Afghanistan trụ lại lâu hơn, nhưng không thể làm thay đổi kết cục của cuộc chiến. Hôm 13/8, mặc cho sự chống cự của quân chính phủ, mặc cho máy bay B-52 của Mỹ thả bom từ trên không, thành phố Lashkar Gah rơi vào tay Taliban.