Tâm lý dè chừng đẩy vàng về sát 37 triệu đồng/lượng
Đến cuối giờ chiều nay, sau một ngày, mỗi lượng vàng SJC để mất 1,2 triệu đồng chiều thu gom và xấp xỉ 1,1 triệu đồng chiều bán ra. Người dân mua nhiều hơn bán nhưng với tâm lý dè chừng.
Cuối ngày, giá vàng miếng giảm trên dưới 1 triệu đồng mỗi chiều, cụ thể, chiều thu gom chỉ còn 37,15 triệu đồng/lượng trong khi chiều bán là 37,5 triệu đồng. Thời điểm cao nhất trong ngày là lúc đầu giờ sáng, mức giá lần lượt là 38,35 triệu đồng chiều thu mua và 38,55 triệu đồng chiều bán. Tính ra, sau 1 ngày, chiều mua đã mất 1,2 triệu đồng, còn chiều bán giảm 1,05 triệu đồng.
Vàng giảm mạnh về vùng sát 37 triệu đồng/lượng theo đà giảm của quốc tế. Ảnh: Lan Anh. |
Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc kinh doanh vàng công ty vàng bạc đá quý PNJ cho biết, giá giảm sâu hơn 1 triệu đồng/lượng, song giao dịch vàng miếng SJC tại hệ thống PNJ vẫn bình thường. Chưa có số liệu thống kê cụ thể đối với mảng bán lẻ, song theo ông, hiện tại, lượng vàng bán ra khoảng 700-800 lượng, xấp xỉ số liệu hôm qua. “Người dân đang ở tâm lý dè chừng, lo giá giảm tiếp nên không dám mua vào nhiều như đợt vàng tụt khỏi mốc 40 triệu đồng xuống còn 38-39 triệu đồng/lượng”, ông Trọng nêu dự đoán. Ngay cả khi vàng giảm tiền triệu, tâm lý này vẫn lấn át, do đó, theo Giám đốc kinh doanh vàng tại PNJ, người dân cần hết sức bình tĩnh trước biến động của giá vàng. Đến thời điểm này, lượng mua vào vẫn áp đảo lượng bán ra.
Tại hệ thống SJC, ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng kinh doanh sỉ công ty vàng bạc đá quý SJC cho biết, lượng người đi mua vẫn đông hơn so với người bán trong ngày hôm nay. Giao dịch với vàng SJC tại đây tăng mạnh so với hôm trước, với xu hướng mua vào là chủ yếu. Số vàng bán ra trong ngày của SJC khoảng gần 4.000 lượng. Riêng buổi sáng, đơn vị này bán ra gần 2.000 lượng vàng trong vòng 2 giờ.
Giá vàng trong nước giảm sâu và mạnh được lý giải do ảnh hưởng của quốc tế. Tính đến chiều nay theo giờ Việt Nam, giá giao ngay quốc tế đang ở 1.228 USD/ounce bán ra. Quy đổi theo tỷ giá đôla tự do tại Hà Nội 21.200 đồng, mỗi ounce vàng tương đương với gần 31,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, ngay cả khi giảm sâu hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, giá trong nước vẫn đang đắt hơn quốc tế hơn 6 triệu đồng.
Một nguyên nhân khác được dự báo đẩy giá vàng giảm sâu là nhu cầu với kim loại này không còn nóng sốt, khi các ngân hàng đã kịp thời mua đề bù đắp số lượng sắp phải tất toán trong ngày 30/6 sắp tới. Một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho biết, nhu cầu mua vàng vào của các ngân hàng đã giảm bớt, khi hạn tất toán đến gần. Ngày hôm nay, vàng giảm mạnh là cơ hội để một số đơn vị còn cần kim loại này mua vào tiếp, song tâm lý dè chừng, mua cầm chừng, chờ giá giảm sâu vẫn còn nên nhiều khả năng, đến ngày mai khi giá duy trì thấp, các đơn vị này sẽ “chốt” số lượng cuối cùng.
Niềm tin vào sự tăng giá của kim loại này mất đi cùng với mức giảm thấp xuống vùng 1.220 USD trên sàn Kitco.com cũng là một trong những lý do khiến kim loại này trượt giá. Mức giảm đã kéo dài 6 ngày liên tiếp và cũng chốt ở thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây cho thấy đà phục hồi của kim loại này chưa khả thi, chuyên gia nói trên nhận định.
Bên cạnh đó, dự đoán của nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng có tác động đáng kể tới giá vàng trong nước. Tương lai của vàng còn u ám dài, theo dự đoán của hàng loạt ngân hàng đầu tư quốc tế và tổ chức xếp hạng tín nhiệm như HSBC, Credit Suisse, UBS, Morgan Staley… khi phải chịu sức ép từ phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt bởi số liệu niềm tin tiêu dùng và đơn đặt hàng tại Mỹ. Thậm chí, theo dự báo của Goldman Sach, lượng nắm giữ của các quỹ sẽ giảm khoảng 1 triệu ounce, tương đương hơn 31 tấn mỗi tháng trong năm nay.
Tính đến hôm nay, hiện tượng xả vàng của một số quỹ đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra. Phiên hôm 25/6 (giờ quốc tế), quỹ SPDR GoldTrust tiếp tục bán ra hơn 16,2 tấn vàng - phiên bán ra thứ 7 liên tiếp gần đây của quỹ và cũng là phiên xả mạnh nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Lan Anh
Theo Infonet