Vụ việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng và đang xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2014-2019 tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề này.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Chúng tôi rất thận trọng
- Thưa ông, ông Lê Vinh Danh đã có đơn kiến nghị gửi nhiều cơ quan cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không có thẩm quyền tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019, cũng như không có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh. Quan điểm của Tổng Liên đoàn về việc này như thế nào?
- Trong vụ việc xem xét, xử lý kỷ luật các viên chức quản lý ở ĐH Tôn Đức Thắng nói riêng và các công việc khác nói chung, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, theo thẩm quyền, tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Xử lý kỷ luật cán bộ ảnh hưởng đến uy tín tổ chức và cá nhân, liên quan tới sinh mạng chính trị của con người, nên chúng tôi càng phải thận trọng.
Chúng tôi cũng đã nhận được văn bản của ông Lê Vinh Danh, trong đó ông Danh có nêu thẩm quyền xem xét kỷ luật ông phải thuộc về Chính phủ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang nghiên cứu, áp dụng chính xác các quy định của Đảng, Luật Viên chức, các Nghị định liên quan để xử lý các viên chức quản lý vi phạm tại trường, trong đó có ông Lê Vinh Danh.
Có ý kiến băn khoăn về việc Tổng Liên đoàn không áp dụng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 để xử lý ông Lê Vinh Danh. Chúng tôi khẳng định chỉ có Luật Viên chức và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viên chức quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật và các hình thức kỷ luật đối với viên chức. Luật Giáo dục Đại học không quy định về xử lý kỷ luật viên chức.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 16 Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung) về thẩm quyền Hội đồng trường của trường đại học công lập quy định “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học”.
Bãi nhiệm, miễn nhiệm không phải là hình thức kỷ luật viên chức. Trường hợp ông Lê Vinh Danh không phải là trường hợp xem xét bãi nhiệm, miễn nhiệm mà là xem xét, xử lý kỷ luật trên cơ sở quyết định xử lý kỷ luật của Đảng.
Việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh cũng được nghiên cứu, áp dụng theo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác. Trong quá trình xem xét, xử lý, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ trong việc áp dụng pháp luật.
Chúng tôi khẳng định, việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với các viên chức quản lý tại ĐH Tôn Đức Thắng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng, khách quan, dân chủ, bám sát các nguyên tắc, quy định của Đảng.
Một tuần nữa sẽ công khai kết luận xử lý
- Thưa ông, đến nay việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh đã thực hiện đến khâu nào? Với những đóng góp của ông Lê Vinh Danh cho sự lớn mạnh của ĐH Tôn Đức Thắng, quá trình xem xét, xử lý kỷ luật của Tổng Liên đoàn có quan tâm, đánh giá đến yếu tố này không?
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật các viên chức quản lý của ĐH Tôn Đức Thắng có sai phạm, trong đó có ông Lê Vinh Danh. Có thể không quá một tuần nữa, chúng tôi sẽ có kết quả xử lý đối với từng cá nhân vi phạm để công khai rộng rãi với dư luận.
Chúng tôi trân trọng và ghi nhận những đóng góp của ông Lê Vinh Danh với tư cách là hiệu trưởng hơn 10 năm đối với sự lớn mạnh và đổi mới của ĐH Tôn Đức Thắng.
Trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật, chúng tôi đánh giá đầy đủ, toàn diện, đúng mức những đóng góp của ông Lê Vinh Danh; đánh giá công bằng trong mối quan hệ biện chứng giữa thành tích, đóng góp và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nguyên nhân vi phạm, thái độ sau vi phạm và ý thức khắc phục hậu quả.
- Theo ông, việc xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh có ảnh hưởng đến sự phát triển của ĐH Tôn Đức Thắng không? Thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ có giải pháp gì để tiếp tục ổn định và phát triển ĐH Tôn Đức Thắng?
- Việc xem xét, xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh là điều không ai mong muốn, nhưng trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ vi phạm của ông Lê Vinh Danh, đối chiếu với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng TP.HCM đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Căn cứ vào Quyết định xử lý kỷ luật của Đảng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét xử lý theo thẩm quyền. Việc xử lý ông Lê Vinh Danh và những cán bộ, giảng viên khác của trường chắc chắn tác động ít nhiều đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, giảng viên, song Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan chức năng cùng đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục đưa Trường ĐH Tôn Đức Thắng phát triển trong thời gian tới.
Tuyển sinh năm học 2020 được tiến hành trong bối cảnh đang xem xét, xử lý kỷ luật và tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng, nhưng vẫn tăng 11% so với năm 2019.
Trong thời gian tới, sau khi hoàn thành việc xử lý kỷ luật, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong toàn trường. Cụ thể, hội đồng trường sẽ được thành lập, kiện toàn Ban Giám hiệu nhiệm kỳ 2020-2025 theo quy định của Luật Giáo dục Đại học; hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, quản trị trường; tập trung khắc phục các sai phạm do cơ quan kiểm tra, kiểm toán chỉ ra; lãnh đạo để Hội đồng trường phát huy kết quả đạt được, tiếp tục hoàn thiện chiến lược và kế hoạch phát triển, đảm bảo Trường phát triển liên tục, lành mạnh và vững chắc trong những năm tới.