Sau khi rời Balmoral lúc 10h hôm 11/9 (giờ địa phương), đoàn xe tang chở linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II đến Điện Holyroodhouse. Từ đây khởi đầu của loạt nghi lễ quốc tang ở vùng đất thưa thớt dân cư.
Nhà chức trách Anh đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho việc nữ hoàng băng hà, với kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất sẽ diễn ra ở hoặc gần London. Bởi nữ hoàng chủ yếu sống tại cung điện Buckingham hoặc lâu đài Windsor, đặc biệt kể từ khi bà giảm bớt các chuyến đi những năm gần đây.
Nhưng thói quen dành những tháng hè của bà ở Scotland khiến chính quyền đề ra cả kế hoạch dự phòng Operation Unicorn, được đặt theo tên con thú thần thoại đã trở thành biểu tượng trong nhiều thế kỷ.
Kế hoạch được kích hoạt ngay lập tức, sau thông báo về việc nữ hoàng qua đời ở phía bắc vào tuần trước. Balmoral, một điền trang xa xôi ở cao nguyên Scotland, đột nhiên trở thành một điện thờ với nhiều người đến đặt hoa tưởng niệm.
Tâm điểm của sự chú ý đang dồn về Scotland trong những ngày đầu sau khi nữ hoàng qua đời. Ảnh: New York Times. |
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc thiết lập các bãi đậu xe và xe buýt hai tầng, chính quyền địa phương gần Balmoral còn lắp đặt nhà vệ sinh di động và lều sơ cứu. Tại Edinburgh, nhà chức trách đã phong tỏa một số con đường ở trung tâm thành phố. Đại lộ Royal Mile có hàng rào chắn và xuất hiện hàng loạt cảnh sát cùng nhân viên an ninh.
Theo Wall Street Journal, phần lớn nước Anh và thế giới sẽ tập trung vào Scotland khi quan tài của nữ hoàng trở thành tâm điểm trong các nghi lễ và sự kiện đưa tang sắp tới.
Làn sóng tưởng nhớ
Một nguồn tin thân cận với Hoàng gia Anh cho hay Nữ hoàng Elizabeth II đã trải qua những tháng vui vẻ, hạnh phúc, khi chiêu đãi nhiều thành viên gia đình và bạn bè trước khi qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland, nơi nghỉ hè truyền thống của bà.
Scotland có khoảng 5 triệu dân, chiếm chưa đến 10% dân số Vương quốc Anh. Anh và Scotland từng là đối thủ của nhau, cho đến khi đạo luật thống nhất năm 1707 giữa Quốc hội Anh và Scotland đã hợp nhất thành một quốc gia thống nhất gọi là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Nhưng đôi khi sự gắn kết của liên minh phải đối mặt với thử thách, kể cả trong những năm gần đây. Vào cuối tháng 6, Reuters đưa tin Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã công bố kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của xứ Scotland với Vương quốc Anh vào ngày 19/10/2023.
Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 tại Scotland về nền độc lập của xứ này, sau cuộc bỏ phiếu tương tự năm 2014.
Đoàn xe tang chở linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II đã đến Điện Holyroodhouse với sự tiễn đưa của đông đảo người dân. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 về nền độc lập của Scotland, 55% người Scotland đã bỏ phiếu ở lại. Tuy nhiên, ý định ly khai vẫn còn nung nấu.
Người Scotland ít ủng hộ chế độ quân chủ hơn so với người Anh. Trong một cuộc thăm dò vào đầu năm nay của tổ chức British Future, 45% người Scotland ủng hộ việc giữ chế độ quân chủ, trong khi con số này ở người dân Anh là 58%.
Tuy nhiên, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II đã gây ra một làn sóng tưởng nhớ, tôn kính từ hầu hết phe phái chính trị ở đây. Bà Nicola Sturgeon, người thuộc đảng Dân tộc Scotland thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý đề cập trên, cho biết Scotland “yêu quý, tôn trọng và ngưỡng mộ” nữ hoàng.
Tâm điểm hướng về phía bắc
Vào cuối tuần qua, các quan chức hoàng gia nói rằng quan tài của nữ hoàng đã được phủ bằng cờ Royal Standard Hoàng gia của Scotland trong phòng khiêu vũ của lâu đài Balmoral, để các nhân viên của dinh thự có cơ hội bày tỏ sự kính trọng.
Vào lúc 10h hôm 11/9, một chiếc xe tang đưa quan tài đi ngang qua các thành phố Aberdeen và Dundee đến thủ phủ Edinburgh của Scotland. Quan tài được đặt qua đêm tại Holyroodhouse, cung điện chính thức của nữ hoàng ở Scotland.
Khi linh cữu nữ hoàng rời Balmoral vào sáng ngày 11/9, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết đây là một "khoảnh khắc đau buồn" khi bà rời "Balmoral yêu dấu lần cuối cùng".
"Hôm nay, khi nữ hoàng thực hiện chuyến hành trình đến Edinburgh, Scotland sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với một người phụ nữ phi thường", bà nói. “Thật đau lòng khi chứng kiến quan tài của nữ hoàng bắt đầu được đưa đi trong cuộc hành trình từ ngôi nhà của bà ở Aberdeenshire đến Điện Holyroodhouse ở Edinburgh".
Hàng nghìn người ở Scotland đã tập trung dọc theo tuyến đường dài 290 km để đưa tiễn bà.
Bà Nicola Sturgeon cho biết đây là hành trình giúp mọi người xích lại gần nhau hơn trong thời khắc đất nước chịu nỗi mất mát chung.
Hàng nghìn người chờ đợi trên các đường phố ở thủ phủ Scotland hôm 11/9 để bày tỏ lòng kính trọng với nữ hoàng, khi linh cữu của bà trên đường đến Điện Holyroodhouse. Ảnh: Reuters. |
Vào chiều ngày 12/9, chiếc xe tang chở quan tài của nữ hoàng đi qua khu du lịch nổi tiếng của Edinburgh, dọc theo đại lộ lát đá cuội được gọi là Royal Mile, đến Nhà thờ thánh Giles. Vua Charles III và gia đình hoàng gia sẽ đi bộ theo xe.
Tại nhà thờ lớn, vương miện của Scotland sẽ được đặt trên linh cữu và người dân có thể tới thăm, tỏ lòng thành trước linh cữu của nữ hoàng trong 24 giờ. Theo kế hoạch, linh cữu được đưa đến London bằng máy bay vào tối 13/9, trước khi diễn ra lễ rước trọng thể tại thủ đô được chuẩn bị cho ngày “D+5” (5 ngày sau ngày nữ hoàng mất).
"Không đời nào tôi có thể bỏ lỡ sự kiện này. Tôi sẽ hối hận suốt đời", Eilidh Mackintosh, 62 tuổi, người rời nhà lúc 6h để có được tầm nhìn đẹp tại đường Royal Mile, nơi rất đông người tập trung tiễn đưa linh cữu của cố nữ hoàng, cho biết.
"Bà ấy chưa bao giờ khiến chúng tôi thất vọng và tôi cũng không muốn khiến bà ấy thất vọng. Nữ hoàng hiện đã ra đi, đó là một lỗ hổng lớn trong trái tim của đất nước”, bà Mackintosh nói thêm.