Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấm danh thiếp nông sản của vị Bí thư Tỉnh ủy

Gặp bạn bè những ngày cận Tết, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang gửi mọi người tấm thiệp chúc xuân không in hình hoa mai hoa đào mà toàn là lúa, cá, rau quả.

Không riêng gì thiệp chúc xuân, tấm danh thiếp của ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng in hình các nông sản như khóm, bưởi, mía, cá thác lác và lúa, gạo. Những người nhận được thiệp và danh thiếp thấy lạ, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giải thích rằng, đó là cách để ông "tiếp thị" nông sản của quê hương đến với bạn bè.

Ông Trần Công Chánh trong một lần trò chuyện với phóng viên Zing.vn. Ảnh: Việt Tường.

Xuất thân là người lính, trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tháng 10/2010, ông Trần Công Chánh là đại tá, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang.

Khi trở thành "nhạc trưởng" của Hậu Giang, ông Chánh lặn lội tận đồng mía ở Phụng Hiệp, bưởi Năm Roi tại Phú Hữu, cam sành vùng Ngã Bảy hay khóm Cầu Đúc (Vị Thanh)… để tìm phương kế giúp nông dân sản xuất hiệu quả. Thấy được nhà nông một nắng hai sương làm ra nhiều mặt hàng nông, thủy sản có giá trị nhưng lại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, ông Chánh nghĩ ra nhiều cách "tiếp thị" cho nông dân quê nhà.

Theo lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, trước đây ông Chánh không có thói quen dùng danh thiếp, nhưng từ khi làm Chủ tịch tỉnh, vì lý do ngoại giao nên ông đã sử dụng. Từ đó, ông đề nghị Văn phòng thiết kế cho mình tấm danh thiếp làm sao phải nổi rõ những đặc trưng của Hậu Giang.

"Ông Chánh dặn, thiết kế danh thiếp phải gắn với những sản phẩm mà nông dân làm ra thì ông mới sử dụng. Sau nửa năm cân nhắc, cuối cùng chúng tôi chọn được các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh đã có thương hiệu, cần tiếp thị mạnh mẽ để tiêu thụ nhanh, bền vững hơn là lúa - gạo, cá thác lác, mía, khóm và bưởi để in lên danh thiếp của lãnh đạo", một cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang kể.

Tấm "danh thiếp nông sản" của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: Việt Tường.

Năm 2015, ông Chánh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, cựu đại tá quân đội này vẫn sử dụng hình ảnh các loại nông sản để in trên danh thiếp. Trên thiệp chúc xuân năm 2016, vị Bí thư cho in thêm hình cá rô, cam, quýt.

Theo ông Chánh, không riêng gì Hậu Giang mà các tỉnh miền Tây nhiều lúc không tìm được thị trường tiêu thụ nông sản, do việc tiếp thị sản phẩm quá kém. Nhiều kênh để các tỉnh tiếp thị nông sản hiện nay như cử cán bộ đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài thông qua các đại sứ quán, tiếp thị trong nước thì cử cán bộ trung tâm xúc tiến thương mại đi làm việc, mời chào doanh nghiệp...

"Do tỉnh nào cũng làm theo những cách mà tôi vừa nói nên rất tốn kém tiền bạc mà không mang lại hiệu quả. Trăn trở trước thực tế này, tôi quyết định thông qua danh thiếp để mời chào doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, xúc tiến, liên kết tiêu thụ các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh. Thực tế cho thấy việc làm của tôi đã tạo được hiệu quả", ông Chánh nói.

Minh chứng cho điều này, ông Chánh kể lại chuyện tiếp một đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào năm trước. Khi ông đưa danh thiếp cho họ, rất nhiều người đã xem rất kỹ và tỏ ra ngạc nhiên.

"Khi nghe doanh nghiệp nước ngoài hỏi tôi in cái gì trên tấm danh thiếp thì mình vui lắm vì có cơ hội giải thích, quảng bá, mời chào kỹ hơn sản phẩm của tỉnh với họ. Sau đó, Hậu Giang đã ký kết được hợp đồng cung cấp hàng nông sản cho đối tác nước ngoài", ông Chánh chia sẻ.

Thiệp chúc xuân của ông Trần Công Chánh có in thêm hình cam, quýt, cá rô. Ảnh: Việt Tường.

Lội đồng với nhà nông, ông Chánh không chỉ nảy ra ý tưởng tiếp thị nông sản thông qua tấm danh thiếp mà còn tạo tiền đề để Hậu Giang mở mũi đột phá, tạo mô hình đầu tiên của cả nước là đưa kỹ sư nông nghiệp về xã. Hiện, trên 70 xã, phường, thị trấn ở Hậu Giang đều có tổ kỹ thuật gồm 3 cán bộ: Khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng chọn 5 cây (lúa, mía, cây ăn trái, khóm, rau màu) và 5 con (trâu, bò, heo, gia cầm, thủy sản) làm mũi đột phá cho quá trình tái cơ cấu kinh tế. Đối với bưởi hồ lô Năm Roi, khóm Cầu Đúc, cá thác lác, cá rô đồng, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Châu Thành cũng trở thành những thương hiệu nông sản của đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang, 5 năm qua, tỉnh này đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Kinh tế của Hậu Giang cũng tăng trưởng bình quân 13,5%, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở Hậu Giang đạt 36,5 triệu đồng/năm, tương đương 1.699 USD. Thu nhập này cao gấp 2,3 lần so với năm 2010.




Việt Tường

Bạn có thể quan tâm