Theo ông Cẩn, tình hình buôn lậu vẫn phức tạp,, thủ đoạn tinh vi và thường xảy ra ở các tuyến biên giới phía Bắc. Đáng nói là hàng lậu được sản xuất bên ngoài nhưng dán nhãn mác VN và vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.
“Các lực lượng chức năng bắt hàng chục ôtô và thấy rất buồn là tất cả hàng tiêu dùng ở VN từ tăm đến bông tai, thực phẩm chức năng, điện thoại di động, quần áo may sẵn… đều bị làm giả. Nhiều mặt hàng nhập khẩu làm giả thương hiệu VN có cả giấy bảo hành ghi ngày sản xuất tại VN luôn, thậm chí từ cả huân huy chương, kỷ niệm chương của các ngành nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cũng bị làm giả hàng VN”, ông Cẩn nói.
Về hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, theo Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), trong tuần này lực lượng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính) phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống ma túy (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và Công an Hưng Yên bắt giữ năm xe khách chở hàng lậu, gồm xe đạp, xe máy điện, phụ tùng xe máy, phụ tùng ôtô, điện thoại di động, đồ chơi bạo lực cho trẻ em… Để che mắt các lực lượng chức năng, đối tượng vi phạm đã sử dụng xe chở khách hoán cải tức tháo bỏ ghế, hàn thêm thùng hàng, chạy vào các giờ đêm.
Theo ông Cẩn, trong tám tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước lực lượng chức năng đã bắt gần 130.000 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu nộp cho ngân sách gần 4.000 tỷ đồng, khởi tố khoảng 800 vụ và bắt gần 1.000 người.