|
Việc thua lỗ 3 năm liên tiếp đã khiến Olympus phải bán mảng kinh doanh máy ảnh cho Japan Industrial Partners (JIP), công ty đã từng mua lại bộ phận máy tính VAIO của Sony.
Sự ảnh hưởng từ điện thoại thông minh
Có nhiều yếu tố dẫn đến quyết định rút lui khỏi thị trường của Olympus, nhưng công ty chỉ đề cập tới một lý do chính là do ảnh hưởng của điện thoại thông minh. Xu hướng nhiếp ảnh điện thoại thông minh là vật tế thần phổ biến nhất trong việc bao biện cho khó khăn của các hãng sản xuất máy ảnh.
Thực tế, điện thoại thông minh có gây ảnh hưởng tới thị trường máy ảnh, tuy nhiên đó không phải là yếu tố duy nhất. Hiện tại, chất lượng hình ảnh từ điện thoại thông minh vẫn chỉ ở phân khúc đáy.
Áp lực từ việc đổi mới sản phẩm, nâng cấp cảm biến to hơn, tốt hơn với chi phí thấp mới thật sự là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới các công ty này.
Xu hướng chụp hình từ điện thoại chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới Olympus. Ảnh: Youtube. |
Xét một cách công bằng, có nhiều hãng sản xuất máy ảnh vẫn đang phát triển tốt. Cụ thể, Sony vẫn bán được máy ảnh, nhờ vào công nghệ cảm biến ấn tượng. Việc dành nhiều năm để xây dựng, tài trợ và phát triển công nghệ này đã giúp họ gặt hái được những thành công đáng kể.
Sự bảo thủ trong việc thử nghiệm công nghệ mới cho dòng máy ảnh Micro Four Thirds của Olympus đã gây ra những tác hại lớn. Chúng ta ngưỡng mộ sự kiên định trong việc bảo vệ quan điểm của họ. Tuy nhiên, thái độ đó đã phong ấn số phận phát triển của những thiết bị này.
Những nâng cấp ít ỏi
Hãng Olympus cho rằng, nếu biết cách sử dụng, bạn có thể chụp được những tấm ảnh đẹp mà không cần quan tâm nhiều tới cảm biến. Điều đó dẫn đến những nâng cấp về phần mềm và quang học trên các thiết bị của Olympus, nhưng chúng không thật sự hiệu quả với những nhiếp ảnh gia trung bình.
Ở lĩnh vực phần mềm, Apple và Google đang sở hữu những thuật toán điều chỉnh hình ảnh cao cấp mà Olympus khó có thể so sánh được. Thêm vào đó, khả năng xử lý ánh sáng yếu, màu sắc bắt mắt, độ phân giải cùng các chi tiết nhờ cảm biến lớn từ các đối thủ khác khiến Olympus rơi vào bế tắc.
Sau cùng, Olympus bị mắc kẹt giữa hai dòng công nghệ tiến bộ thần tốc vượt qua khả năng phát triển của hãng. Những thứ mà công ty này thực sự làm tốt lại khó có thể ứng dụng ở những người sử dụng thông thường.
Xét một cách toàn diện, người mua máy ảnh bình thường chỉ để ý tới một số điều: megapixel, độ chi tiết và khả năng xử lý ánh sáng yếu. Nếu không xử lý được các nhu cầu này, các công ty máy ảnh hiện tại sẽ không có đất sống. Và Olympus hoàn toàn bất lực trước các vấn đề trên.
Theo DigitalTrends, mẫu máy ảnh OM-D EM-1 Mark III ra mắt vào đầu năm 2020 vẫn sử dụng cảm biến 20,1 megapixel với khả năng kém trong xử lý ánh sáng yếu. Trong nhiều năm, Olympus không nâng cấp cảm biến này, dẫn đến sự thụt lùi trong cuộc đua công nghệ với các hãng máy ảnh khác.
Cùng số tiền bỏ ra để mua thiết bị trên, người dùng có thể xem xét máy ảnh A7 III từ Sony với cảm biến 24,2 megapixel full-frame, giúp họ chụp được những tấm hình được xử lý tốt hơn.
Sự nâng cấp ít ỏi của Olympus OM-D EM-1 Mark III so với sản phẩm đời trước thể hiện sự bế tắc trong chiến lược phát triển máy ảnh của hãng. Ảnh: Cameralabs. |
Các tính năng mới mà Olympus bổ sung cho cảm biến của họ khá thú vị, nhưng chỉ khi bạn thật sự biết cách sử dụng nó. Sự hào nhoáng, quyến rũ cùng cảm biến ấn tượng từ sản phẩm đối trọng của Sony dễ dàng làm người dùng bỏ qua Olympus.
Các dấu hiệu dễ dàng nhận thấy
Cầm trên tay chiếc OM-D EM-1 Mark III, người dùng không thấy cái "chất" riêng của sản phẩm, cũng không cảm thấy sự mới mẻ từ thiết bị này. Máy ảnh chắc chắn được chế tạo tốt, trải nghiệm sử dụng ổn, nhưng nó không đem lại nhiều hứng thú.
Olympus bịt tai và che mắt trước những phản ánh của mọi người, để rồi họ đưa đến một sản phẩm được ráp nối từ các bộ phận nổi bật từ các đời trước với những nâng cấp ít ỏi.
DigitalTrends nhận định rằng, chiếc máy ảnh trên có màn hình công nghệ cũ, độ phân giải thấp cùng tốc độ xử lý cảm biến chậm và không đáng để nâng cấp nếu bạn đang sở hữu một chiếc Mark II.
OM-D EM-1 Mark III giống như một nỗ lực cuối cùng, một lời biện hộ áp chót cho triết lý kinh doanh nhiều năm của Olympus. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hấp hối, không tạo được sự bứt phá nào, dẫn đến việc hãng này phải rút lui khỏi mảng kinh doanh máy ảnh.
Sau khi về tay chủ mới, có thể máy ảnh Olympus sẽ tái xuất thị trường, nhưng không phải lúc này.