Xe vượt qua cầu Bến Thủy rồi rẽ trái để theo hướng ra bãi biển trên con đường vắng vẻ. Không gian tĩnh lặng tiếp tục nối dài cho đến khi chúng tôi đến tận rừng phi lao dọc bờ biển. Cũng như nhiều bãi biển khác, thấp thoáng trong các hàng cây là những dãy ki-ốt cho thuê bãi tắm và dịch vụ ăn uống phục vụ du khách.
Bãi biển tuyệt đẹp đầy tệ nạn. |
Khi chúng tôi ghé vào quán M. bên trái con đường chính thì đã có hai ôtô và vài chiếc xe máy đậu sẵn trước cửa. Trong quầy giải khát cũng có 5 - 6 người đàn ông ngồi uống bia. Tuyệt nhiên cả bãi biển dài 2 km không thấy có bóng người nào vẫy vùng hay đi lại dưới nước. Để ý mới thấy từ xa có vài khách đàn ông đang “tắm tiên” giữa ban ngày vì quá vắng vẻ.
Sau khi gửi xe trong hẻm và hành lý cho bà chủ cất vào tủ, nhóm chúng tôi tiến ra bãi biển chỉ cách vài chục mét. Lấy lý do khát nước, tôi quay lại quán M. Lúc này quán đã hơi vắng, những người đàn ông lúc nãy chia nhau vào từng phòng rồi sau đó đóng cửa lại.
Những căn phòng ở đây không có gì ngoài một chiếc giường cũ và một tấm gương. Bên trong có cửa thông vào nhà vệ sinh tạm bợ. Thấy tôi thắc mắc, người đàn bà coi quán giải thích họ vào đó để... mát-xa.
Khi vào phòng, tôi thật sự bất ngờ vì đã có một cô gái chờ sẵn trong đó. Thấy tôi bước vào, cô gái chốt cửa lại và vội vàng thoát y mà không hề hỏi ý kiến khách. Qua câu chuyện tôi biết cô gái tên T. quê ở tận huyện Đô Lương hay Anh Sơn gì đó xuống đây mưu sinh, sống chủ yếu nhờ những đồng tiền “bo” của khách.
Cô gái cho biết làm việc ở đây phải chiều khách tới bến. Đây không chỉ là điều đáng lo ngại cho những “nàng Kiều thời hiện đại” trên đất Nghi Xuân mà còn là mối hiểm họa cho đám khách làng chơi thập phương đổ về “thiên đường giải trí” này. Họ không chỉ tự chuốc lấy “căn bệnh thế kỷ” mà còn hại đến vợ con mình.
Khi ra về, chúng tôi thật sự nuối tiếc vẻ đẹp hoang sơ trước đây của bãi biển Xuân Thành thơ mộng ẩn mình trong một vùng quê yên tĩnh. Cũng vì cơn lốc đô thị hóa mà mấy năm gần đây, Xuân Thành trở thành “khu đèn đỏ” công khai và gai mắt của Hà Tĩnh. Một bãi biển đầy tiềm năng du lịch của một tỉnh nghèo đang tự đánh mất mình trong con mắt của người dân và du khách chân chính.
Để ý mới thấy hầu như từ bà chủ cho đến tiếp viên và mấy nam nhân viên chở gái chạy “sô”, họ hành nghề rất bình thản, không hề tỏ ra lén lút, sợ hãi hay giấu giếm như các chốn mại dâm khác.
Đường vào một ki-ốt của bãi tắm Xuân Thành. |
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân cho biết, hiện nay khu du lịch bãi biển Xuân Thành có 117 quán, ki-ốt phục vụ, tất cả đều có đăng ký và giấy phép kinh doanh theo quy định. Hàng năm, các chủ hộ này đều làm cam kết kinh doanh theo đúng mặt hàng đăng ký, không vi phạm những tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy. Các nhân viên, tiếp viên nữ thành phần đa dạng từ nhiều nơi về, 100% có đăng ký tạm vắng.
Mỗi năm, Phòng y tế huyện phối hợp với Ban quản lý khu du lịch Nghi Xuân và UBND xã Xuân Thành mở các lớp tập huấn về phòng chống HIV/AIDS như treo băng-rôn, khẩu hiệu, áp -phích và cả chương trình sân khấu hóa để nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS.