"Người lính Mỹ cuối cùng đã rời sân bay Kabul, và đất nước chúng ta đã giành được độc lập hoàn toàn", Al Jazeera dẫn lời của phát ngôn viên Taliban Qari Yusuf.
Anas Haqqani, một quan chức cấp cao của Taliban, cho biết lực lượng này "làm nên lịch sử" vào thời điểm tiếng súng ăn mừng vang lên khắp thủ đô Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút đi, theo Al Jazeera.
“Sau 20 năm chiến đấu, tôi rất tự hào khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này", Haqqani viết trên Twitter.
Tướng Frank McKenzie, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), nói chuyến bay chở nhóm lính Mỹ và viên chức ngoại giao cuối cùng cất cánh rời Sân bay Quốc tế Hamid Karzai vào khuya 30/8.
Ông nói lực lượng Taliban rất thực tế và hợp tác trong những ngày cuối cùng khi lính Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Tướng McKenzie cũng cho biết một trong những công việc cuối cùng của tướng Chris Donahue, Tư lệnh Sư đoàn Không vận số 82, trước khi rời Afghanistan là trao đổi với những thủ lĩnh của Taliban. Nội dung cuộc nói chuyện chỉ nhằm điều phối việc lính Mỹ rút đi, "và không có gì hơn thế".
Toàn cảnh tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Maxar Technologies. |
Trong diễn biến liên quan, sau khi nhóm lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nói các nhà khai thác, phi công và máy bay dân dụng của Mỹ bị cấm hoạt động trên phần lớn lãnh thổ quốc gia Nam Á, theo Reuters.
Điều này xuất phát từ lo ngại "thiếu hệ thống điều khiển không lưu và cơ quan hàng không dân dụng ở Afghanistan, cũng như lo ngại về đe dọa an ninh".
FAA cho biết thêm các hãng máy bay dân dụng Mỹ "có thể tiếp tục khai thác đường bay phản lực gần biên giới phía đông để quá cảnh”.
Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh bất cứ máy bay dân dụng nào của Mỹ muốn bay vào/ra hoặc qua Afghanistan đều phải được sự phê duyệt của FAA.
Đầu tháng 8, quân đội Mỹ cho biết họ đã đảm nhận trách nhiệm kiểm soát không lưu ở sân bay Kabul để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán hàng chục nghìn người khỏi Afghanistan.
Từ ngày 15/8 đến nay, Mỹ và các đồng minh đã đưa 114.000 người rời khỏi thủ đô Kabul qua cầu không vận. Để làm được điều này, một số chuyến bay phải "nhồi nhét" tới 500-600 người.