Những ngày gần đây, các chiến binh Taliban xuất hiện tại các cánh đồng anh túc ở quận Washir, phía nam tỉnh Helmand, Afghanistan. Họ đứng canh gác trong khi một máy kéo bắt đầu phá bỏ những cánh đồng này.
Noor Mohammed, chủ sở hữu một cánh đồng anh túc bị phá bỏ ở Washir, cho biết mảnh đất của anh nhỏ và khô cằn. Vì vậy, nếu từ bỏ cây thuốc phiện, anh sẽ không thể tiếp tục trang trải cuộc sống bằng cách trồng các loại cây ít sinh lời hơn.
“Nếu không được phép canh tác (cây anh túc), chúng tôi sẽ không kiếm được gì”, anh nói với AP.
Taliban phá bỏ cánh đồng anh túc ở Washir, tỉnh Helmand, Afghanistan, vào ngày 29/5. Ảnh: AP. |
Những người làm thuê theo ngày ở Afghanistan có thể kiếm tới 300 USD/tháng nhờ thu hoạch cây thuốc phiện. Dân làng cũng thường dựa vào lời hứa về vụ thu hoạch sắp tới để vay tiền mua các mặt hàng thiết yếu như bột mì, đường và dầu ăn.
Tuy nhiên, vào tháng 4, chính quyền Taliban đã ban hành một sắc lệnh cấm trồng cây thuốc phiện trên khắp đất nước.
“Những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị bắt và xét xử theo luật Sharia tại các tòa án có thẩm quyền", ông Mullah Abdul Haq Akhund, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong chính quyền Taliban, nói với AP, tại thủ phủ tỉnh Helmand, Lashkar Gah.
Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp heroin chính ở châu Âu và châu Á. Sản lượng thuốc phiện ở quốc gia này tăng mạnh trong 20 năm qua, dù Mỹ đã chi hàng tỷ USD để cố gắng ngăn chặn việc trồng cây thuốc phiện.
Lệnh cấm mới có thể sẽ giáng một đòn nặng nề vào hàng triệu nông dân nghèo khổ và những người lao động theo ngày, vốn sống dựa vào việc thu hoạch anh túc.