Trong số 19 người chịu hình phạt đánh roi ở nơi công cộng có 9 người là phụ nữ. Ảnh: Reuters. |
"Sau quá trình điều tra và cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở luật sharia (luật Hồi giáo), mỗi người đã bị phạt 39 roi", người phát ngôn tòa án tối cao Mawlawi Enayatullah cho biết vào hôm 21/11. Cũng theo ông Enayatullah, trong số 19 người bị đánh roi ở nơi công cộng, 9 người là phụ nữ.
Dẫn lời người phát ngôn, Reuters cho biết hình phạt được thi hành tại tỉnh Takhar, phía đông bắc của Afghanistan vào hôm 11/11 sau thời khắc cầu nguyện, theo phán quyết của tòa án cấp tỉnh.
Tuy đây là dấu hiệu lớn đầu tiên cho thấy việc các biện pháp trừng phạt thân thể được áp dụng tại Afghanistan, tuân thủ với luật Hồi giáo hà khắc của chính quyền Taliban, vẫn chưa rõ liệu các hình phạt như tại tỉnh Takhar sẽ được áp dụng trên cả nước hay không.
Theo tuyên bố của tòa án, trong một cuộc gặp với các thẩm phán tại Afghanistan vào tháng 11, lãnh đạo tinh thần tối cao của Taliban đã khuyến khích những người này đưa ra hình phạt dựa trên cơ sở luật Hồi giáo.
Các hình phạt như đánh roi hay ném đá tại nơi công cộng thường xuyên được áp dụng tại Afghanistan vào thời kỳ lãnh đạo đầu tiên của lực lượng Taliban trong khoảng thời gian 1996-2001.
Các hình phạt hà khắc này sau đó hiếm khi được áp dụng và được chính phủ Afghanistan do các quốc gia phương Tây bảo trợ lên án. Tuy nhiên, chính quyền Afghanistan vẫn duy trì án tử hình tại quốc gia Trung Đông này.
Cộng đồng quốc tế đã theo dõi chặt chẽ các hành động của Taliban trong vấn đề nhân quyền và quyền của phụ nữ từ khi lực lượng này đánh bại quân đội chính phủ trở lại nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8/2021.
Cho đến nay, không có quốc gia nào chính thức công nhận tính hợp pháp của chính quyền do Taliban lãnh đạo tại Afghanistan.
"Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật"
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật" của nhóm tác giả Đỗ Đức Định, Thái Văn Long, Trần Thị Lan Hương… được xuất bản năm 2012.
Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,... Bên cạnh đó, cuốn sách còn nêu tác động của những vấn đề chính trị - kinh tế nổi bật ở châu Phi - Trung Đông đối với Việt Nam và giải pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với hai khu vực này.