Vàng vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn khi nền kinh tế gặp biến động. Tuy nhiên, điều này không còn đúng khi giá vàng trong những ngày gần đây không ngừng tăng lên mức cao nhất trong gần 9 năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro khác cũng chạy theo xu hướng này.
Một bài đăng trên Marketwatch mới đây nhận định giá vàng sẽ còn tiếp tục đà tăng mạnh với bước nhảy tiềm năng lên tới 2.000 USD/ounce. Cùng lúc đó, trang này cho biết chứng khoán và các loại tài sản rủi ro khác cũng bất ngờ tăng tốc sau khi xảy ra làn sóng bán tháo trong đại dịch Covid-19.
Giá vàng ghi nhận mức tăng mạnh trong 9 năm trở lại đây. Ảnh: Market Watch. |
Theo bài viết, nguyên nhân khiến giá vàng và chứng khoán biến động cùng chiều một phần đến từ chi phí cơ hội. Trong nhiều tháng qua, hệ thống ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nỗ lực đè nén lãi suất xuống đáy để kích cầu (thậm chí có thời điểm lãi suất xuống mức âm như ở Mỹ và một số nước khác). Lúc này, những người đầu tư vào vàng sẽ không bị lỗ do hưởng lợi từ trái phiếu.
“Khi lợi tức thực tế xuống âm, chi phí cơ hội để nắm giữ các tài sản không sinh lời sẽ biến mất, đặc biệt khi bị đánh giá thông qua lăng kính lịch sử tiền định danh và sức mua”, ông Jeff deGraaf, Chủ tịch công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research, nhận định. “Và điều này tạo thuận lợi cho giá vàng”, chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, bà Georgette Boele, chiến lược gia về kim loại quý tại công ty ABN Amro, lại có góc nhìn khác. Theo bà, khi giá vàng và chứng khoán cùng tăng, chúng sẽ mang theo kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Và xu hướng này sẽ xảy ra khi lợi tức thực giảm.
Làm rõ hơn về vấn đề này, bà Boele phân tích: “Thực tế, chính sách của các ngân hàng trung ương chính là yếu tố then chốt khiến giá vàng tăng cao. Tuy nhiên, nếu lãi suất không ở tiệm cận 0 như ở nhiều quốc gia hiện nay, giá vàng khó có thể tăng trong tương lai gần”.
Gần đây, nhiều ngân hàng trung ương đã tuyên bố thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng. Ví dụ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nới lỏng định lượng không giới hạn, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt tay vào những chính sách quan trọng.
“Những động thái trên là tin vui đối với thị trường vàng do dòng tiền đổ vào các thị trường và giá các loại tiền tệ bắt đầu giảm”, bà Boele nhấn mạnh.
FED đã nhiều lần cắt giảm lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế trong dịch Covid-19. Ảnh: ABC News. |
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng thế giới, trong tháng 6, các quỹ ETF vừa ghi nhận tháng thứ 7 liên tiếp đón nhận dòng chảy mạnh của vàng khi tăng thêm 104 tấn, tương đương 5,6 tỷ USD. Trong nửa đầu năm, dòng vốn ròng toàn cầu đạt 39,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục dòng vốn hàng năm trước đó từ năm 2016.
Ở một diễn biến khác, giả sử FED sẽ tiến hành kiểm soát “đường cong lợi tức” (một biện pháp nhằm giữ lợi tức ở một mức cố định), thì mức tăng lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn còn hạn chế. Khi chính phủ tích cực chi tiền cho các gói kích thích kinh tế, lạm phát ngân sách của quốc gia đó sẽ bị đẩy lên. Song, điều này lại không gây tổn hại tới giá vàng, thậm chí còn tạo điều kiện cho giá vàng tăng lên.
Trước tình hình trên, ABN Amro đã điều chỉnh mức dự báo đối với giá vàng vào cuối năm nay lên 1.900 USD/ounce so với mức trước đó là 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia còn cho rằng giá của kim loại quý này có thể chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce, thậm chí còn cao hơn nữa.
Bà Boele cũng cảnh báo các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý trong trường hợp giá vàng giảm trong tương lai gần khi đồng USD lấy lại được giá trị. Tuy nhiên, bà cho rằng thời gian này sẽ kéo dài không lâu và các nhà đầu tư sẽ đổ xô mua vào khi vàng giảm giá.
Trước đó, giá vàng giao tháng 8 trong phiên giao dịch ngày 9/7 giảm 16,8 USD (tương đương 0,9%), kết thúc phiên giao dịch ở mức 1.820,6 USD/ounce, mức cao nhất từ ngày 14/9/2011. Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán khi chỉ số S&P trượt 1%.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng 0,8% trong tuần và tăng hơn 18% trong một năm tính tới hiện tại.