Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao tỷ lệ tự sát ở Nhật đang cao nhất trong 30 năm qua?

Quan điểm sống, tính cách của người Nhật có nhiều điều lý thú, lạ kỳ đến cực đoan.

Có một điều rõ ràng mà đa số những người quan tâm và biết về nước Nhật đều dễ dàng đồng tình với nhau: Nhật Bản là một đất nước hùng mạnh và người Nhật là những cá nhân ưu tú, nếu không muốn nói là kiệt xuất.

Nhìn vào quá trình phát triển suốt 150 năm qua của Nhật Bản, kể từ cuộc cải cách dưới thời Thiên hoàng Minh Trị đến nay, với hàng loạt những biến cố lớn lao, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Nhưng điều gì khiến cho dân tộc Nhật giữ được sự phát triển liên tục của mình qua hàng loạt biến cố, chấn động trong suốt chiều dài lịch sử của mình trong một vùng địa lý khắc nghiệt như vậy? Đó có lẽ chính là vấn đề mà chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra được một phần lời giải trong Ikigai của tác giả Ken Mogi.

Cuốn sách mang đến góc nhìn sâu sắc, chân thực nhất về tính cách của người Nhật.

Triet ly song ikigai cua nguoi Nhat anh 1
Sách Ikigai phát hành tại Việt Nam.

Không sử dụng quá nhiều thuật ngữ, công thức hay tạo những diễn ngôn một cách phức tạp, Ken Mogi nói về Ikigai - thuật ngữ thể hiện những ý tưởng hạnh phúc trong cuộc sống của người Nhật một cách đơn giản và gần gũi thông qua hàng loạt câu chuyện rút ra từ thực tế.

Đó là câu chuyện về Ono Jiro, đầu bếp lừng danh dành tất cả sự tỉ mẩn, chú tâm trong cuộc đời mình để có thể tạo ra món sushi ngon nhất thế giới và khao khát được chết trong lúc làm sushi; câu chuyện về Sembikya, cửa hàng đã tạo ra loại trái cây hoàn hảo nhất thế giới; hay câu chuyện của Togi về những nhạc công gagaku chơi nhạc bằng tất cả sự tận hưởng, tập trung mà không cần đến khán giả…

Câu chuyện Ikigai khiến người đọc không khỏi thán phục tinh thần và triết lý sống, hay nói một cách khác là lẽ sống của người Nhật. Lẽ sống ấy khiến cho cuộc sống của con người trở nên đầy ý nghĩa, cũng đồng thời giúp cho họ có đủ động lực tận hiến cuộc đời mình để theo đuổi, đạt đến tột cùng của sự đam mê và chú tâm.

Điều đó không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được, nhất là khi chúng ta đang trong thời đại số, với tốc độ biến chuyển và đổi thay đến chóng mặt.

Nhưng nếu nhìn theo một hướng khác đi, thông qua những câu chuyện trong cuốn sách Ikigai, chúng ta còn tìm ra một nước Nhật ở chiều không gian khác.

Ikigai đưa đến cho người Nhật một cuộc sống ý nghĩa, một lực đẩy để đi đến tột cùng của đam mê và sự hoàn hảo. Tuy vậy, sự hoàn hảo không chỉ có lợi, một cuộc sống quá ngăn nắp, quá hoàn hảo, quá cẩn trọng đôi lúc dễ khiến cho con người rơi vào trạng thái cực đoan và cô độc.

Sự hoàn hảo thúc ép người ta phải đi tới phía trước, phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để đạt đến đỉnh cao. Chuẩn mực của ikigai hướng con người đạt đến sự cân bằng giữa năm trụ cột, vậy nhưng sẽ có bao nhiêu người đạt đến sự cân bằng đó, nhất là khi chúng ta vốn dĩ rất dễ sa vào trạng thái cực đoan?

Và thực tế, một nước Nhật kỷ luật, ngăn nắp và chuẩn mực trong suốt hàng trăm năm qua đã dễ dàng vượt qua mọi biến cố, phục hồi một cách thần kỳ sau tai ương, cũng đồng thời là một nước Nhật của sự cô độc, khắc nghiệt đôi lúc đến lạnh người. Việc tỷ lệ tự sát ở thời điểm hiện nay của người Nhật đạt đến mức cao nhất trong 30 năm qua là một minh chứng.

Và kết quả điều tra chỉ ra rằng một trong số những nguyên nhân khiến người Nhật tự sát, đó là vì tinh thần trách nhiệm quá lớn mà họ đặt lên vai mình. Dường như, người Nhật luôn cố công tạo ra những điều hoàn hảo nhất, khát khao chạm đến “cảnh giới” cao tột trong mọi công việc.

Để làm được điều đó, thứ chắc chắn không thể thiếu bên cạnh đam mê, là tinh thần trách nhiệm. Nhìn vào xã hội hiện tại, chúng ta không khó để nhận ra có vô số sai lầm, sụp đổ hay mất mát xảy đến với nguyên nhân chỉ gói gọn trong vài chữ đơn giản: thiếu tinh thần trách nhiệm. Nhưng, như điều mà chúng ta đã đề cập đến ở trên, con người vốn rất dĩ sa vào trạng thái cực đoan.

Triet ly song ikigai cua nguoi Nhat anh 2
Tác giả Ken Mogi. Ảnh: Hachette

Với một cá tính văn hoá chứa đầy sự hướng nội, một xã hội đạt đến trật tự ở mức gần như hoàn hảo, việc ít nhiều người Nhật dễ dàng sa vào cực đoan là điều không quá khó hiểu. Chúng ta có thể mường tượng ikigai cũng như một ngôi nhà buộc phải có năm chiếc cột chống đỡ. Nếu một chiếc cột gãy đổ, ngôi nhà đó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không nên tiếp nhận cuốn sách này và nghĩ về việc tìm ra ikigai cho mình hay không nên tạo ra cho mình những chuẩn mực và sự ngăn nắp. Chúng ta cần tìm ikigai cho mình, chúng ta cần tìm ra một lựa chọn, đam mê của riêng mình giữa cuộc sống đầy rẫy những lựa chọn.

Chúng ta không thể phó mặc cuộc đời của mình cho hoàn cảnh, nhưng cũng không thể đẩy mình đến chỗ cực đoan. Cuộc sống vẫn cần đến sự ngẫu hứng. Một trong năm trụ cột của ikigai: “sự hài hòa và tính bền vững” cũng gợi nhắc chúng ta về sự dung hòa giữa kỷ luật và ngẫu hứng.

Với tâm thế đó, chúng ta còn chần chừ gì để không thử đi tìm một ikigai cho riêng mình?



Tùng Phong

Bạn có thể quan tâm