Tại sao thế hệ của những Toni Kroos, Marco Reus, Mesut Oezil, Thomas Mueller… lại thất bại? Đó sẽ là câu hỏi cả thế giới đi tìm lời đáp ngay lúc này. Đức đã đến Nga với đội quân thiện chiến bậc nhất, nhưng không cần tới giá lạnh của mùa đông như Thế chiến II, "Cỗ xe tăng Đức" vẫn sa lầy ở xứ bạch dương.
Lỗi con người trầm trọng
Đằng sau mỗi thất bại lớn, người ta sẽ đi tìm những nguyên nhân cấu thành đến nó như một lẽ dĩ nhiên. Nhà vô địch World Cup 2006, Italy bị loại tại World Cup 2010 ngay từ vòng bảng vì “lỗi hệ thống” khi giải vô địch quốc gia nước này Serie A bị phá nát bởi những scandal dàn xếp tỉ số, hệ thống sân bãi xuống cấp, hệ thống quản lý quan liêu, những tài năng sụt giảm…
Nhà vô địch World Cup 2010, Tây Ban Nha bị loại khỏi vòng bảng World Cup 2014 vì lỗi con người khi HLV Vicente Del Bosque vẫn đặt niềm tin vào hệ thống đã giúp ông lên đỉnh cao, đồng thời chủ quan trước những đối thủ yếu hơn.
Đức thất bại tại World Cup 2018 này là trường hợp gần như tương đồng với Tây Ban Nha cách đây 4 năm.
Đức là nhà đương kim vô địch World Cup thứ ba liên tiếp bị loại ngay từ vòng bảng sau Italy và Tây Ban Nha vào các năm 2010 và 2014. Ảnh: Bleacher Report. |
Trước khi đi sâu vào phân tích thất bại của Die Mannschaft, hãy tới với sự kiện xảy ra vào ngày 15/5, đúng một tháng trước khi World Cup 2018 khởi tranh. LĐBĐ Đức (DFB) khi đó công bố gia hạn hợp đồng với HLV Joachim Loew tới năm 2022.
Một động thái rõ ràng cho thấy sự tin tưởng của các quan chức chóp bu DFB với kiến trúc sư đã đưa Đức lên ngôi tại Brazil.
Ba tuần sau, scandal đầu tiên nổ ra khi ông Loew loại Leroy Sane khỏi đội hình tham dự World Cup để đặt niềm tin vào Julian Draxler, Julian Brandt và Marco Reus. Nguyên nhân không được công bố cụ thể, song giới chuyên môn tin rằng Sane không “phù hợp” với chiến thuật của ông Loew.
Thế rồi Đức thất bại chính vì thiếu một cầu thủ chơi bóng tốc độ, tạo đột biến như Sane. Thuyền trưởng Loew, ở tuổi 58, dường như đã no nê sau đỉnh cao chói lọi tại Brazil cách đây 4 năm.
Thất bại của tuyển Đức có trách nhiệm lớn nhất thuộc về HLV Joachim Loew. Ảnh: Reuters. |
Quá nhiều vinh quang, quá nhiều sự tưởng thưởng đã che mất đi sự hứng thú, khát khao, sáng tạo của kẻ đi chinh phục. Đó cũng là lúc Đức, hay nói đúng hơn là ông Loew, đã chuốc lấy thất bại.
Sự tin tưởng không được dành cho những nhân tố mới như Sane hay Brandt, mà thay vào đó là Mesut Oezil, Thomas Mueller hay Sami Khedira, những “nhân tố mới” của chính ông Loew và ĐT Đức trong mùa Hè Nam Phi cách đây 8 năm.
Hai kỳ World Cup trôi qua, và Mueller, Khedira hay Oezil, trở thành hình ảnh phản chiếu của ông thầy: mệt mỏi, rập khuôn, bĩ cực và sau cùng là thất bại. Bên ngoài đường pitch của ĐT Đức tại sân Kazan Arena chỉ còn là một Joachim Loew sai lầm, bảo thủ.
Ở một khía cạnh nào đó, ông Loew đã phản bội lại chính thứ triết lý mới mẻ khoa học từng đưa mình lên đỉnh cao.
Mesut Oezil là hình ảnh phản chiếu cho chính ông thầy, từ chiến thắng và giờ là chiến bại trong màu áo ĐT Đức. Ảnh: Reuters. |
Thất bại của Đức tại World Cup 2018 không phải thất bại của bóng đá Đức nói chung. Đó là thất bại của riêng, và chỉ một mình ông Loew. Người đã tin tưởng những cậu học trò cưng, và tin tưởng chính mình, tới mức mù quáng.
“Hoặc chết với tư cách người hùng, hoặc sống đủ lâu để trở thành kẻ ác”, ông Loew nên thấu hiểu câu nói này.
Tuyển Đức không “chết”
Nếu phải trả lời câu hỏi dân tộc nào đứng dậy nhanh nhất sau thất bại, câu trả lời sẽ là người Đức. Sau đau buồn nhục nhã, người Đức sẽ ngay lập tức đi tìm câu trả lời để đứng dậy, trở lại đỉnh cao.
Horst Hrubesch là nhân chứng của cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn bộ mặt của bóng đá Đức. Cựu tiền đạo huyền thoại của Hamburg hạ quyết tâm ngay khi đứng bên ngoài đường pitch sân Feijenoord Stadium tại Rotterdam, Hà Lan và chứng kiến ĐT Đức, khi đó là ĐKVĐ Euro bị Bồ Đào Nha hạ gục với tỉ số 3-0.
Sau kỳ Euro 2000 thảm họa trên đất những quốc gia láng giềng là Bỉ và Hà Lan. LĐBĐ Đức đã đưa ra những thay đổi mạnh mẽ ở khâu đào tạo trẻ, lẫn đầu tư cơ sở hạ tầng. Những học viên bóng đá xuất hiện ở mọi CLB ở hai giải đấu cấp độ cao nhất.
Thất bại thảm hại tại Euro 2000 đã mở ra cuộc cách mạng bóng đá trẻ của người Đức. Ảnh: Getty Images. |
Vào năm 2013, theo UEFA, Đức có 28,400 HLV có bằng B (so với 1,759 ở Anh), 5,500 có bằng A (895) và 1,070 (115) có bằng Pro, bằng cao nhất. Con số đó không hề thuyên giảm theo mỗi năm. Những thay đổi về mặt triết lý cũng được đưa ra.
DFB muốn tránh xa quan điểm truyền thống chỉ dựa vào tố chất “tinh thần Đức” để thắng trận. Các HLV được khuyến cáo tập trung xây dựng những đội hình với lối chơi chuyền bóng tốc độ cao đòi hỏi những cầu thủ khéo léo và tinh tế trước giờ vẫn bị bỏ qua vì thiếu sức mạnh thể lực.
Sự thay đổi ấy giúp Đức duy trì thành tích ít nhất là lọt vào bán kết tất cả các giải đấu lớn từ năm 2006 tới năm 2016. Trên sân khấu trẻ, người Đức cũng thắng như chẻ tre.
Hệ quả dễ thấy: Đức có một thế hệ cầu thủ trẻ cùng tài năng vượt trội so với những đội tuyển cùng khối châu Âu như Italy, Hà Lan.
Những cầu thủ trẻ như Julian Brandt vẫn là tương lai của ĐT Đức. Ảnh: Reuters. |
Sự vươn lên của Anh hay Pháp trong vài năm vừa qua không thể giúp hai quốc gia này công phá thành trì đào tạo trẻ khoa học của người Đức. Những Sane, Brandt, Werner hay Kimmich vẫn là những biểu tượng cho sự thành công này.
Đó là một vài trong hàng trăm lý do khiến Đức là hình mẫu trong công cuộc phát triển bóng đá tại châu Âu và trên toàn thế giới. Một kỳ World Cup thất bại không thể giật sập những hệ thống đó và nói rằng đó là sai lầm. Người Đức hiểu rất rõ điều đó.
Câu chuyện “hồi sinh” của người Đức sau thảm họa World Cup 2018 này sẽ không tốn nhiều sức như ở Euro 2000. Vì đơn giản, tuyển Đức không “chết”.