Trong giai đoạn năm 1958-1994, Brazil và Argentina thật sự khiến phần còn lại của thế giới cảm thấy chán nản vì họ quá mạnh. Tổng cộng 10 kỳ World Cup đã diễn ra trong quãng thời gian này, và 2 ông lớn Nam Mỹ thay nhau vô địch tới 6 lần.
Tuy nhiên, kể từ sau chức vô địch World Cup 2002 của thế hệ Ronaldo, Ronaldinho đến nay, 2 cột trụ của làng túc cầu thế giới bắt đầu đà suy thoái. Brazil từng rơi xuống tận vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng FIFA vào năm 2012, còn Argentina chưa thể tái hiện vinh quang năm 1986.
Thất bại đang trở thành nỗi đau quen thuộc của Brazil và Argentina. Ảnh: Chaseyoursport. |
Argentina và Brazil sa sút đến mức nào?
Thế giới tin rằng đà suy thoái của Argentina và Brazil đã lên tới đỉnh điểm trong 2-3 năm trở lại đây. Với vũ đoàn samba, cột mốc đen tối nhất là thất bại tan nát trước đội tuyển Đức ở kỳ World Cup diễn ra ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, đó chỉ là ví dụ mang tính trực quan để thế giới nhắc tới. Ai cũng nhận ra sự suy thoái của Brazil thể hiện rõ thông qua hình ảnh cả nền bóng đá đầy rẫy tài năng, nhưng chỉ phụ thuộc vào duy nhất một cầu thủ là Neymar.
Năm xưa, ai đó từng nói Brazil là nền bóng đá mà chỉ cần ra đường tìm một đứa trẻ cũng có thể đào tạo thành ngôi sao. Giờ đây, ở tất cả các cuộc hội quân, câu hỏi đầu tiên luôn là Neymar có thi đấu hay không.
Còn Argentina lại càng thảm hại. Thế hệ của Lionel Messi cùng 10 công nhân được báo chí thế giới gọi thẳng là “thế hệ thất bại”. Nếu như Brazil vắng Neymar chỉ chuệch choạc chứ không đến mức thảm họa, Argentina mỗi khi thiếu Messi đúng nghĩa là đội bóng trung bình khá. Từng có giai đoạn vũ đoàn tango chỉ thắng một trong 6 trận vắng M10.
Trong hành trình đến với vòng chung kết World Cup 2018, Argentina cố gắng cắn răng chứng minh họ không quá tồi tệ khi thiếu Messi. Tuy nhiên, rốt cuộc thì lời kêu cứu vẫn buộc phải vang lên. Messi được triệu hồi trở lại đội tuyển, lập hat-trick trong trận quyết định với Ecuador đưa Argentina tới Nga.
Thế nhưng trên đất Nga, phần còn lại của đội tuyển Argentina đã thi đấu tồi tệ đến mức báo chí thế giới phải ví von: “Messi không thể thắng được khi đối thủ có tới 21 cầu thủ trên sân” - câu nói ám chỉ ngay cả đồng đội cũng trở thành vật ngáng đường M10.
Vậy tại sao 2 nền bóng đá lớn như Brazil và Argentina lại cùng nhau suy thoái?
2 đại gia Nam Mỹ đang phải nhường sân chơi cho các đội tuyển châu Âu. Ảnh: ESPN. |
Giải vô địch quốc gia quá tệ
Trước tiên là giải vô địch quốc gia của 2 nền bóng đá này. Ở châu Âu, dù không thiếu những cuộc đổi ngôi tại giải vô địch quốc gia nhưng về cơ bản, các đội bóng quyền lực vẫn luôn giữ vị thế của mình. Tại La Liga, Real và Barcelona đã thống trị xuyên suốt nhiều thập niên qua.
Tại Đức, Bayern Munich từ rất lâu vẫn là quyền lực số một. Ở Premier League, cán cân quyền lực của các ông lớn cũng được duy trì ổn định, tạo ra nguồn tài nguyên dồi dào và đều đặn cho các đội tuyển quốc gia. Dù trong bất kỳ thời đại nào, đội tuyển quốc gia vẫn phải dựa vào nguồn tài nguyên và thậm chí là cả hệ thống được đội bóng lớn xây dựng.
Trong khi đó, những biểu tượng quyền lực của 2 nền bóng đá Brazil và Argentina vô cùng thất thường. Sao Paulo, câu lạc bộ sở hữu nhiều chức vô địch thứ 4 trong lịch sử bóng đá Brazil, đã 11 năm không biết mùi vị ngai vàng. Santos, đội bóng cũ của Neymar, thậm chí 15 năm chưa trở lại ngai vàng.
Giải vô địch quốc gia của Brazil và Argentina luôn gây ấn tượng về số đội tham dự, nhưng thể thức thi đấu rối rắm và đặc biệt là chất lượng chuyên môn khá thấp. Năm 2018, có 62,6% số trận đấu tại giải VĐQG Brazil kết thúc với dưới 2 bàn thắng, trong đó có 43 trận 0-0, 96 trận chỉ có một bàn và 99 trận 2 bàn. Tại sao giải VĐQG của nền bóng đá được coi là biểu tượng cho cái đẹp lại ít bàn thắng đến vậy?
Đội hình Brazil dự Copa America 2019 có 3 cầu thủ đang chơi bóng trong nước. Ảnh: Getty Images. |
Đào tạo trẻ thảm họa
Tại Copa America 2019, đội tuyển Nhật Bản mang tới Brazil tới 17 cầu thủ lần đầu lên tuyển. Tất cả tân binh này đều nằm trong kế hoạch tạo ra thế hệ kế cận của Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Nhật Bản - kế hoạch mang tầm quốc gia. Để vô địch World Cup 2014, đội tuyển Đức đã cùng với liên đoàn xây dựng chiến lược kéo dài tới 10 năm.
Trong khi đó, LĐBĐ Argentina đang dần biến các câu lạc bộ thành những công ty tư nhân: Tự cung, tự cấp, tự làm, tự hưởng. Năm 2001, LĐBĐ Argentina từng công bố đề xuất biến các câu lạc bộ thành các doanh nghiệp độc lập. Đề xuất này nhận tới 38 phiếu chống đối và chỉ một phiếu ủng hộ.
Điều đó dẫn tới hậu quả là Argentina không có bất kỳ định hướng phát triển mang tầm quốc gia nào. Việc đào tạo trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào từng câu lạc bộ. Tại sao LĐBĐ Argentina lại thờ ơ đến vậy? Đơn giản là vì họ không có tiền. Năm 2009, giải VĐQG Argentina từng bị hoãn gần nửa tháng vì LĐBĐ nước này đang nợ nần trầm trọng tới mức không đủ kinh phí cho giải đấu hoạt động trở lại.
Argentina đào tạo cầu thủ để bán chứ không để tạo nên đội tuyển quốc gia mạnh. Ảnh: Mundoalbiceleste. |
Năm 2019, các đội bóng góp mặt tại giải VĐQG Argentina đang gánh trên đầu số nợ lên tới 1,3 tỷ USD. Nợ nần khiến họ phải biến hoạt động đào tạo trẻ thành ngành công nghiệp. Hầu hết cầu thủ hay của bóng đá Argentina cứ được giá là lập tức bị bán.
Lionel Messi chính là ví dụ. Anh rời khỏi Argentina từ khi còn ít tuổi. Messi cho đến khi trưởng thành đã trở thành người châu Âu đúng nghĩa. Dĩ nhiên đâu chỉ riêng M10, đa phần các ngôi sao Argentina trở về với tổ quốc hôm nay đều phần nào đó có dòng máu châu Âu chảy trong huyết quản.
Việc thiếu đi những kế hoạch tổng thể, duy trì giải VĐQG kém chất lượng là những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự xuống dốc rõ rệt của 2 nền bóng đá Argentina và Brazil. Đáng tiếc, sau mỗi thất bại, những nhà cải cách lại chỉ chữa các vấn đề ở bề nổi như thay thế huấn luyện viên, chứ không giải quyết được căn nguyên của sự suy thoái.