Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao tự truyện người nổi tiếng thường gây tranh cãi?

Cả Lê Vân trong “Yêu và Sống” lẫn Công Vinh với “Phút 89” đều gặp phản bác gay gắt khi ra tự truyện, bởi sự thật theo cách họ thấy không phải sự thật như cách người khác thấy.

Tự truyện là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, thường được viết bằng văn xuôi, trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm.

Tự truyện của người nổi tiếng luôn là thể loại hot trong giới xuất bản. Giới làm sách săn lùng những người nổi tiếng chịu kể câu chuyện đời tư, còn độc giả thì đón chờ những câu chuyện hậu trường thâm cung bí sử, những tâm sự mà người nổi tiếng rút ruột gan để kể trong tự truyện.

Do tính chất của thể loại, nên những câu chuyện trong tự truyện mặc nhiên được coi là sự thật, là câu chuyện đúng. Tuy nhiên, trong câu chuyện đời tư của một người nổi tiếng có gắn với nhiều người nổi tiếng khác, cuốn tự truyện có nguy cơ bị phản bác.

Bởi khi tất cả đều là người của công chúng, cùng được quan tâm như nhau, nhưng nhìn nhận về “sự thật” của họ lại khác nhau, thì tranh luận là điều khó tránh khỏi.

Từ quả bom truyền thông 2006 của Lê Vân

Năm 2006, diễn viên Lê Vân ra mắt tự truyện Lê Vân - Yêu và Sống do Mai Hạnh chấp bút. Cuốn sách lập tức trở thành một quả bom không chỉ trong giới xuất bản, mà nó phát nổ trong cả giới nghệ sĩ, đông đảo công chúng.

Tai sao tu truyen gay tranh cai anh 1
Nghệ sĩ Lê Vân (trái) và cuốn tự truyện gây tranh cãi 12 năm trước.

Trong tự truyện, Lê Vân kể những câu chuyện được coi là góc khuất gia đình nổi tiếng của mình: bố là NSND Trần Tiến, mẹ là NSƯT Lê Mai, các em gái là Lê Khanh và Lê Vi. Những câu chuyện riêng tư, những mối tình, những người đàn ông theo đuổi cũng được Lê Vân kể trong sách.

Trong Lê Vân - Yêu và Sống có kể về nỗi ấm ức của Lê Vân. Khi ông bà Trần Tiến - Lê Mai ly hôn, mỗi người chỉ nhận nuôi một người con. Bà Lê Mai nhận nuôi Lê Khanh, ông Trần Tiến nhận nuôi Lê Vi, riêng chị cả Lê Vân đau đớn, tủi thân vì bố mẹ không nhận mình.

Nhiều người đọc đã sốc khi thấy những nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Tiến, Lê Mai có bao người hâm mộ, lại cư xử có phần lạnh nhạt với cô con gái cả như vậy.

NSƯT Lê Mai khi được hỏi về chi tiết bố mẹ không ai nhận nuôi Lê Vân, đã thốt lên: “Khổ thân con gái tôi, đúng như trong truyện nó kể đấy, Vân cứ ngấm ngầm đau khổ chứ có hỏi một câu nào đâu để tôi biết mà giải thích. Thật ra, đơn giản vô cùng. ‘Ông Toà án’ ngày đó xử thế”.

Bà Lê Mai giải thích, khi xử ly hôn, tòa án xét trên cơ sở hộ khẩu không có tên Lê Vân (Lê Vân đã được tách để vào trường Múa rồi). Thế nên “họ” xử theo hộ khẩu tách hai người con còn lại là Lê Khanh và Lê Vi cho một người nuôi. Với người con cả Lê Vân, ông bà đã có phương án nuôi con sau ly hôn. “Bảo nhận nuôi trên giấy tờ thì nhận thế thôi chứ rồi vẫn xúm cả lại với mẹ hết, vì các con toàn con gái”, NSƯT Lê Mai nói.

Lê Vân lẽ ra đã không phải ấm ức bao năm như vậy nếu cô biết được một sự thật khác, như lời bà Lê Mai giải thích.

Tới những phản đối gay gắt cho Công Vinh

Mới đây, cựu cầu thủ Công Vinh cho ra mắt tự truyện Công Vinh - Phút 89 do nhà báo Trần Minh chấp bút. Những câu chuyện liên quan đến các ngôi sao bóng đá, những huấn luyện viên, ông bầu nổi tiếng nhận được sự quan tâm của giới hâm mộ túc cầu. Nhưng các câu chuyện của Công Vinh cũng gặp phản bác ở nhiều cấp độ.

Tai sao tu truyen gay tranh cai anh 2
Công Vinh - người kể những câu chuyện gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Trong tự truyện, Công Vinh dành hẳn một chương nói về Văn Quyến. Văn Quyến trong cuốn sách này là hiện thân của một cầu thủ tài hoa, “lắm tài nhiều tật”, điều gì cũng muốn chạm tới đỉnh, và sau khi đạt đỉnh thì trượt dài. Đọc những thông tin vừa ca ngợi, vừa nói về sự sa ngã của mình, Văn Quyến “xin được miễn bình luận”.

Có lên tiếng, nhưng phản bác một cách điềm đạm, huấn luyện viên (HLV) Alfred Riedl cho rằng tự truyện của Công Vinh cần đính chính nhiều điểm. Trong sách, Công Vinh kể chi tiết khi anh được gọi lên Đội tuyển Quốc gia, dù đã đạt Quả bóng vàng từ năm 19 tuổi, nhưng vị huấn luyện viên vẫn cho anh ngồi dự bị.

HLV Riedl cho rằng thời điểm ấy, Văn Quyến và Phan Thanh Bình là những tiền đạo chủ lực của U23 Việt Nam. Văn Quyến lúc đó là lựa chọn số một của đội tuyển. Anh ấy là “một tiền đạo vô cùng, vô cùng xuất chúng”. Trước các đối thủ mạnh, HLV này thường dùng Văn Quyến và một tiền đạo khác hỗ trợ tuyến tiền vệ. Giữa Công Vinh và Thanh Bình, Thanh Bình là người hỗ trợ phòng ngự tốt hơn.

Tự truyện của Công Vinh cũng có những điểm khiến các cầu thủ, HLV khác nổi giận. Trong sách, Công Vinh kể mang tiền tới để HLV Lê Thụy Hải cho đá chính. Nhưng vị HLV này phản bác: “Cỡ như Công Vinh, tên tuổi như thế, thường xuyên đánh bóng mà phải bỏ tiền ra vào đội hình chính thức thì nghe buồn cười lắm”.

Tai sao tu truyen gay tranh cai anh 3
Cuốn tự truyện Công Vinh - Phút 89.

Hoặc chi tiết mà Công Vinh cho là cầu thủ Tấn Tài không chịu chuyền bóng cho mình khi ở câu lạc bộ lẫn đội tuyển.

Theo Tấn Tài, quan hệ giữa anh và Công Vinh ở câu lạc bộ hoàn toàn bình thường, anh vẫn kiến tạo để Công Vinh ghi bàn. Còn khi ở đội tuyển, Tấn Tài đã tiền vệ, thấy đồng đội nào ở vị trí thuận lợi thì chuyền cho người đó, không có chuyện phân biệt người này người nọ.

Cuốn tự truyện Công Vinh - Phút 89 hiện khiến dư luận xôn xao, nhận ý kiến trái chiều, thậm chí có những phản đối gay gắt cũng như cuốn Lê Vân - Yêu và Sống năm xưa vấp phải.

Và dù những nhìn nhận về cùng 1 sự việc của người kể hồi ức và người liên quan có khác xa bao nhiêu, thì công chúng vẫn cần nhiều hơn nữa những cuốn tự truyện.

Bởi, chỉ khi càng nhiều câu chuyện thầm kín được kể ra, càng nhiều thông tin được đưa lên, thì chúng ta sẽ càng tiệm cận hơn với sự thật.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm