Khi biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao tấn công Trung Quốc vào mùa hè, một số chuyên gia y tế công cộng đã hy vọng rằng nước này có thể sớm nhận được sự tăng cường miễn dịch từ vaccine mRNA hiệu quả cao của Pfizer/BioNTech.
Tuy nhiên, 5 tháng sau, vẫn chưa có thông tin nào từ các quan chức Trung Quốc về việc phê duyệt vaccine này, ngay cả khi biến chủng Omicron mới được phát hiện, và đặt ra thách thức cho chiến lược Zero-Covid, cùng các loại vaccine nội địa.
Động thái làm dấy lên câu hỏi liệu vaccine Mỹ - Đức có chờ được đến ngày được sử dụng ở đại lục, nơi chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc được ủng hộ trên tất cả mặt trận, kể cả trong cuộc chiến chống lại virus, theo Bloomberg.
Quá trình phê duyệt kéo dài
Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ở Vũ Hán đầu năm 2020, công ty sản xuất thuốc của tỷ phú Guo Guangchang – Fosun Pharma tưởng như đã chốt thành công một thương vụ lớn. Dưới sự chỉ đạo của Guo, Fosun Pharma nhanh chóng bắt tay với BioNTech - nhà sản xuất một trong những loại vaccine ngừa Covid-19 thành công nhất thế giới.
Thế nhưng gần một năm từ thỏa thuận trên, Pfizer vẫn chưa được phê duyệt tại Trung Quốc.
Thay vào đó, hơn 1,1 tỷ người - chiếm gần 80% dân số - được tiêm chủng đầy đủ hầu hết bằng vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển, dù một số nghiên cứu chỉ ra những loại vaccine này không hiệu quả bằng các vaccine mRNA, CNN đưa tin.
Sự mơ hồ không chắc chắn đã giáng một đòn mạng vào tham vọng của tỷ phú Guo, người đang hướng công ty tập trung vào lĩnh vực chăm sóc y tế. Cổ phiếu của Fosun Pharma đã giảm hơn 40% giá trị so với tháng 8.
Trong khi đó, các mũi vaccine Pfizer được chấp thuận rộng rãi ở nhiều nơi khác trên thế giới. Pfizer - với quyền bán thuốc bên ngoài khu vực phân phối của Fosun - đang thu về hàng tỷ USD doanh thu từ vaccine.
Một học sinh trung học chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo CNN, vaccine nội địa có thể không đủ để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc là giữ sạch ca nhiễm trong cộng đồng. Trong vài tháng qua, các nhà chức trách đã áp đặt các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt để hạn chế các đợt bùng phát dịch địa phương - thường gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Nhưng các đợt dịch vẫn tiếp tục bùng phát. Tuần trước, hơn 130 trường hợp đã được báo cáo ở tỉnh Chiết Giang phía đông, nơi có các trung tâm sản xuất và xuất khẩu chính của đất nước. Một số chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã kêu gọi người dân không về quê vào dịp Tết Nguyên đán để giảm sự lây lan của virus.
Để cải thiện khả năng miễn dịch của cộng đồng đang suy yếu, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các mũi tiêm tăng cường - nhưng lại sử dụng vaccine bất hoạt.
Không phải là các quan chức Trung Quốc không biết lợi ích của việc sử dụng vaccine mRNA. Tháng trước, Zeng Guang, cựu chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận rằng "dữ liệu thực tế cho thấy việc sử dụng vaccine mRNA hoặc vaccine protein tái tổ hợp làm liều tăng cường thay cho vaccine bất hoạt sẽ đạt được kết quả tốt hơn".
Tuy nhiên, ông Zeng vẫn khẳng định việc sử dụng công nghệ tương tự để cung cấp các mũi tiêm tăng cường sẽ an toàn hơn và được công chúng chấp nhận rộng rãi hơn.
Thúc đẩy vaccine "cây nhà lá vườn"
Việc phê duyệt bị trì hoãn cho thấy triển vọng không chắc chắn đối với các nhà sản xuất thuốc toàn cầu ở Trung Quốc, thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới.
Thị trường Trung Quốc có thể nằm ngoài tầm với của các công ty dược phẩm quốc tế nếu việc phê duyệt vaccine và thuốc dành cho Covid-19 là “vấn đề chính trị, thay vì kinh tế hoặc sinh học”, Zhao Bing, nhà phân tích phụ trách nghiên cứu y tế tại China Renaissance Securities HK, nói.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Trung Quốc đang khuyến khích khả năng tự sản xuất vaccine, cùng bán vaccine nội địa ra khắp thế giới như một cách để tăng sức mạnh địa chính trị.
Trung Quốc từng là nước đi đầu trong cuộc chạy đua vaccine toàn cầu khi phát triển các mũi tiêm ngừa Covid-19 bằng cách áp dụng phương pháp cũ là sử dụng toàn bộ virus bất hoạt để thúc đẩy cơ thể phát triển khả năng miễn dịch.
"Khi Trung Quốc phát triển vaccine của riêng mình, họ đã sử dụng điều đó để thể hiện sự tiến bộ công nghệ. Bây giờ nếu chuyển sang vaccine do nước ngoài sản xuất, họ phải thừa nhận rằng họ không giỏi bằng các nước khác về khả năng công nghệ", Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.
Trung Quốc đang khuyến khích khả năng tự sản xuất vaccine. Ảnh: AFP. |
Chính phủ Trung Quốc cũng có thể quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất vaccine trong nước, theo ông Huang.
“Tôi chắc chắn rằng họ (các nhà sản xuất vaccine hiện có) sẽ rất khó chịu khi giới thiệu những người bên ngoài vào thị trường rộng lớn này”, ông cho biết thêm.
Trong khi cơ quan quản lý Trung Quốc trì hoãn phê duyệt vaccine BioNTech, các công ty trong nước đã được ủng hộ để bắt đầu phát triển vaccine mRNA “cây nhà lá vườn”.
Tháng trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phê duyệt các thử nghiệm đối với vaccine mRNA được sản xuất trong nước, dưới dạng tiêm nhắc lại dành cho người lớn đã tiêm vaccine bất hoạt. Họ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở các quốc gia như Mexico và Indonesia, mặc dù kết quả vẫn chưa được công bố.
Vaccine ARCoVax, được hợp tác phát triển bởi công ty Walvax Biotechnology, Suzhou Abogen Biosciences và Học viện Khoa học Quân y - một viện nghiên cứu quân sự của Trung Quốc. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước, cơ sở sản xuất ở tỉnh Vân Nam có khả năng sản xuất 200 triệu liều mỗi năm.
Ông Huang cho biết một số công ty Trung Quốc khác, bao gồm cả công ty nhà nước khổng lồ Sinopharm, cũng đang phát triển vaccine mRNA. Ông nói thêm Bắc Kinh có thể sẽ muốn phê duyệt vaccine mRNA sản xuất trong nước trước khi bật đèn xanh cho bất kỳ vaccine nước ngoài nào.
Nhưng có những dấu hiệu cho thấy các chuyên gia Trung Quốc đang hy vọng hợp tác nhiều hơn với các đối tác phương Tây.
Cuối tuần qua, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn đã thúc giục chính phủ tăng cường trao đổi và hợp tác phát triển vaccine với các nước khác.
“Chúng ta cần học hỏi những điều tốt ở các nước khác, chẳng hạn như (vaccine) mRNA”, ông Chung nói. “Họ đã dành nhiều năm cho việc nghiên cứu và tìm cách phát triển (vaccine) mRNA đầu tiên trên thế giới chỉ trong vài tháng. Chúng ta cần học hỏi công nghệ của họ trong lĩnh vực này”.