Tối 26/8, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm "Địa ngục trong tâm thức người Việt". Chương trình do công ty sách Nhã Nam phối hợp Trung tâm Văn hóa Pháp l'Espace tổ chức nhân dịp ra mắt sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo.
Các tầng địa ngục theo Phật giáo (tên nguyên bản: Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite - 1895) là tác phẩm của hai tác giả người Pháp Léon Riotor và G.Leofanti.
Họ đã có những tìm tòi, trao đổi, đàm đạo với các sư trụ trì chùa Báo Ân xưa để tiếp cận khái niệm "địa ngục" theo quan điểm của Phật giáo.
Cuốn sách là nguồn tư liệu quý, được viết theo lối khảo tả, thể hiện góc nhìn của người phương Tây khoảng 130 năm trước đối với đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người Việt xưa, đặc biệt đối với những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết.
Từ tư tưởng triết học, địa ngục được chuyển hóa thành nhiều loại hình nghệ thuật tôn giáo khác nhau, từ thơ phú, hội họa, bích họa cho tới điêu khắc, phù điêu...
Từ trái qua: TS Trần Trọng Dương, TS Mai Anh Tuấn tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nhã Nam. |
Hai diễn giả của tọa đàm là tiến sĩ Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm, cổ sử Việt Nam - và tiến sĩ, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn.
Tại tọa đàm, TS Trần Trọng Dương lý giải trong không gian của chùa miền Bắc hay xuất hiện những hoạt cảnh đáng sợ minh họa cho các tầng địa ngục.
Phật giáo vẽ ra những tầng địa ngục dầu sôi lửa bỏng để trừng ác khuyến thiện, đơm thổi sự hy vọng của con người vào những kiếp lai sinh tốt đẹp hơn, nhưng thực chất là để răn dè con người sống lương thiện hơn ở ngay chính hiện kiếp.
TS Trần Trọng Dương cho biết quần thể chùa Báo Ân xưa (sau đã bị phá, chỉ còn lại di tích là tháp Hòa Phong) là một trong những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng của Hà Nội.
Địa danh này cũng được nhiều ký giả người Pháp ghi chép, chụp ảnh. Các tác giả Léon Riotor và G.Leofanti đã lần theo những dấu vết đó để tới ngôi chùa này. Ngay lập tức họ ngỡ ngàng bởi nền nghệ thuật đa sắc, từ kiến trúc cho đến đồ họa, điêu khắc và cả tượng pháp.
Trong đó, điều khiến họ ấn tượng nhất chính là những hoạt cảnh Phật giáo kể trên. Chính vì điều này, Léon Riotor và G.Leofanti mới quyết tâm tìm tòi, tiếp cận sâu hơn để hoàn thành cuốn sách.
Các tầng địa ngục theo Phật giáo ngoài yếu tố lịch sử, còn đem lại nhiều giá trị khác. Ảnh: Nhã Nam. |
Còn đối với TS Mai Anh Tuấn, tác phẩm Các tầng địa ngục theo Phật giáo lại đem tới nhiều giá trị lớn. Đầu tiên, từ cuốn sách này, chúng ta phần nào hình dung ra nhân sinh quan Phật giáo của người Việt xưa, đặc biệt là tinh thần khuyến thiện trừng ác.
Tiếp theo, cuốn sách có giá trị tư liệu mỹ thuật lớn khi cung cấp những hình ảnh chân thực của các bản tranh khắc, các hoạt cảnh về thập điện địa ngục cách đây hơn trăm năm.
TS Mai Anh Tuấn đánh giá Các tầng địa ngục theo Phật giáo có thể là một cuốn sách không dày nhưng nó mang lại những giá trị văn chương, đòi hỏi kỹ năng về diễn đạt ngôn từ cao.