Từ cuối năm 2020 đến nay, TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ liên tiếp đón nhiều đợt lạnh với nhiệt độ chiều tối và rạng sáng duy trì trong khoảng 20-22 độ C, có nơi xuống dưới 20 độ C. Trời thường trở lạnh từ chiều tối đến sáng sớm ngày hôm sau, thời gian lạnh kéo dài và nhiệt độ cũng giảm sâu hơn mọi năm.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đánh giá đây là hiện tượng khá bất thường.
Lạnh lâu và sâu hơn mọi năm
Theo thống kê của chuyên gia, trong tháng 1/2021, TP.HCM có 13 ngày nhiệt độ tối thấp xuống dưới 22 độ C. Đặc biệt, có 4 ngày dưới 20 độ C.
Cụ thể, trạm Tân Sơn Hòa các ngày 13-14/1 và 18-19/1 ghi nhận nhiệt độ trong khoảng 18-20 độ C vào đêm và sáng sớm.
Đến tháng 2, TP.HCM có 9 ngày nhiệt độ dưới 22 độ C, trong đó, một ngày nhiệt độ xuống thấp nhất ở mức 20 độ C. Như vậy, số ngày lạnh của tháng 2 đã giảm so với tháng 1.
"Mọi năm, các đợt không khí lạnh chỉ kéo dài chừng 2-3 ngày rồi ấm lên. Tuy nhiên, 9 ngày vừa qua (15-23/2), TP.HCM liên tục duy trì nhiệt độ thấp nhất trong khoảng 20-22 độ C. Đó là điều khá bất thường", bà Lan nhận định.
Nhiệt độ tại TP.HCM có thời điểm xuống dưới 20 độ C. Ảnh: Duy Hiệu. |
So sánh với dữ liệu của 2 năm trước, bà cho biết đầu tháng 2/2019, nhiệt độ thấp nhất tại trạm Tân Sơn Hòa là 23,8 độ C; trạm Nhà Bè là 22,7 độ C. Đầu tháng 2/2020, nhiệt độ thấp nhất tại trạm Tân Sơn Hòa là 22,9 độ C; Nhà Bè là 21,3 độ C. Các đợt lạnh này chỉ kéo dài 1-2 ngày và nhiệt độ cuối tháng 2 đều tăng lên.
Trong khi đó, cuối tháng 2/2021, TP.HCM vẫn còn đợt không khí lạnh kéo dài tới 9 ngày và nhiệt độ cũng thấp hơn 2 năm trước.
Nguyên nhân của các đợt lạnh ở Nam Bộ là không khí lạnh dịch chuyển sang phía đông rồi khuếch tán sâu xuống phía nam qua đường biển khiến nhiệt độ TP.HCM giảm sâu. Các đợt không khí lạnh này khá liên tục nên tiết trời se lạnh kéo dài từ đầu năm đến nay.
Phân tích nguyên nhân gây nên hình thái thời tiết bất thường so với mọi năm, bà Lan cho rằng do ảnh hưởng một phần của hiện tượng La Nina và biến đổi khí hậu. Hai yếu tố này khiến hoạt động của các khối không khí lạnh không theo nhịp điệu khí hậu thường thấy mà thay đổi theo thời gian.
Năm 2021 có thể sẽ nóng hơn
Bà Lan cho biết theo quy luật hoạt động, đến tháng 3, không khí lạnh vẫn còn khá mạnh, sau đó cường độ giảm và thưa dần. Đến tháng 4-5, các khối không khí lạnh vẫn còn hoạt động nhưng cường độ yếu nên khả năng không ảnh hưởng nhiều đến miền Nam.
Tuy nhiên, cuối tháng 3, áp thấp nóng Ấn - Miến sẽ bắt đầu hoạt động và mở rộng ra, ảnh hưởng đến TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ. Như vậy, từ tháng 3 đến tháng 4, TP.HCM sẽ có các đợt nóng - mát xen kẽ.
TP.HCM vẫn có thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh đến tháng 4. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về ảnh hưởng của El Nino và La Nina đến khí hậu, bà Lan đánh giá tháng 4-5 là giai đoạn trung tính nên thời tiết sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều của 2 hiện tượng này. Tuy nhiên, Nam Bộ vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến mùa mưa tới trễ hơn mọi năm.
Chuyên gia dự báo năm nay, thời tiết sẽ nóng hơn 2020. Cùng với đó, dông, sét, lốc xoáy có thể xảy ra với cường độ mạnh và phạm vi lớn hơn. Tuy nhiên, do La Nina có cường độ yếu dần đến khoảng tháng 10 nên năm 2021, chuyên gia dự báo số cơn bão trên biển sẽ ít hơn.