Tại sao Thủ tướng Nhật Bản Noda chưa thể mỉm cười dù tái đắc cử?
Sự kiện Thủ tướng Yoshihiko Noda tái đắc cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) để tiếp tục giữ vị trí là người đứng đầu "đất nước mặt trời mọc" hôm qua là một trong những dấu hiệu cho thấy, bối cảnh nền chính trị nước này đang thay đổi.
Dù tái đắc cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản để tiếp tục giữ vai trò "chèo lái" đất nước nhưng Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vẫn chưa thể nở nụ cười. |
Ở một đất nước có truyền thống thay đổi nguyên thủ quốc gia liên tục với 6 thủ tướng kể từ năm 2006 đến nay, tình huống một thủ tướng trung bình chỉ giữ ghế hơn một năm đã thay đổi.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hôm qua chính thức thông báo, Thủ tướng Yoshihiko Noda giải quyết thành công ba thách thức, chứng tỏ ông xứng đáng tiếp tục giữ vị trị Chủ tịch đảng. Điều đó có nghĩa là ông Noda sẽ tiếp tục giữ ghế Thủ tướng "đất nước mặt trời mọc". Trong khi đó, Thủ tướng Noda nhấn mạnh, sự kiện tái đắc cử chưa thể mang lại nụ cười trên khuôn mặt ông nhưng cam kết, ông sẽ mang nụ cười trở lại trên khuôn mặt của trẻ em Nhật Bản.
Đồng thời, ông Noda cũng tuyên bố trước đảng dân chủ rằng, sự lãnh đạo mạnh mẽ của DPJ có thể giúp Nhật Bản phục hồi sau những thảm họa ập tới với nước này cách đây 18 tháng. Ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất, sóng thần lịch sử không chỉ khiến hàng nghìn người thiệt mạng mà còn gây ra thảm họa hạt nhân vô cùng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Thủ tướng Noda để tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sắp đến sau khi Nhật Bản tổ chức tổng tuyển cử, có thể trong vài tháng tới. Đảng DPJ và Thủ tướng Noda sẽ phải đối đầu và tìm cách đánh bại đảng Dân chủ Tự do, đảng lãnh đạo Nhật Bản gần như suốt thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Ngày 26/9 tới, đảng Dân chủ Tự do (LDP – một đảng bảo thủ bất chấp tên gọi của nó) sẽ chọn ứng cử viên cho chức thủ tướng, trong đó, người nổi bật và đáng chú ý nhất là cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Trước đó, trong một phiên họp quốc hội mới vào năm 2007, ông Abe đột ngột từ chức sau chỉ chưa đầy một năm cầm quyền, với lý do sức khỏe và quá căng thẳng. Nay ông Abe cho biết, ông muốn có thêm một cơ hội nữa để trở thành người đứng đầu Nhật Bản và khẳng đình, so với các ứng viên khác, ông có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo hơn.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe muốn trở thành Thủ tướng Nhật Bản lần nữa. |
Tuy nhiên, để có thể ngồi vào ghế thủ tướng Nhật bản một lần nữa, ông Abe sẽ phải đánh bại 4 ứng viên khác của LDP và sau đó giúp đảng giành đủ ghế trong cuộc bầu cử quốc hội để đủ điều kiện thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, giờ đây cái ghế thủ tướng Nhật Bản không còn là cuộc đọ sức giữa hai đảng nữa với sự nổi lên của Thị trưởng Osaka, thành phố lớn thứ 3 của Nhật Bản là Toru Hashimoto mới 43 tuổi và đảng Phục hồi Nhật Bản của ông (JRP). Điều này đã làm đảo lộn bối cảnh chính trị Nhật Bản.
Ông Toru Hashimoto chủ trương, chính quyền trung ương bớt can thiệp vào các vấn đề địa phương, thúc đẩy cạnh tranh thị trường và củng cố quân sự Nhật Bản vốn bị hạn chết bởi hiến pháp hòa bình của nước này.
Một số cuộc thăm mới nhất cho kết quả, JRP được lòng cử tri nhiều hơn so với đảng DPJ và LDP và không loại trừ khả năng có thể giành đủ số ghế trong lần tham gia bầu cử đầu tiên của họ để quyết định đảng nào sẽ lãnh đạo Nhật Bản.
Tuy nhiên, một điểm chung giữa cả ba đảng - JRP, DPJ và LDP chính là chính sách cứng rắn đối với các tranh chấp lãnh thổ đối với các láng giềng. Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tomohiko Taniguchi cho biết, đó là sự đáp ứng của các ứng viên đối với mối quan ngoại chung đang nổi lên tại Nhật Bản.
“Cảm giác yếu đuối đã xâm nhập và tác động đến suy nghĩ của nhiều người Nhật Bản. Nhiều người quan ngại rằng, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga đang trục lợi từ sự suy yếu của Nhật Bản”.
Ngoài ra, cho dù là đảng nào lên cầm quyền thì cũng sẽ phải đối mặt với tình cảm chống hạt nhân chưa từng có ở Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Thảm họa này đã làm dấy lên làn sóng cuộc biểu tình chống hạt nhân quy mô của người dân Nhật Bản lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Chưa hết, các chính trị gia LDP và DPJ cũng sẽ gặp nhiều áp lực để tìm giải pháp khôi phục sự ổn định của kinh tế của Nhật bản cũng như giải quyết tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng của đất nước 125 triệu dân. Đây là đều là những thách thức làm đau đầu giới lãnh đạo Nhật Bản từ lâu và cho đến nay, họ vẫn chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả.
Phương Đăng
Theo Infonet