Tuần trước, chính quyền tỉnh Hà Nam, Trung Quốc thông báo số người chết chính thức trong trận lũ lụt trong tháng 7 tăng gấp ba lần, từ 99 người lên con số 302.
Theo giáo sư Yin Jie thuộc lĩnh vực khoa học địa lý của Đại học Sư phạm đông Trung Quốc, số người chết trong trận lũ lụt kinh hoàng tại Trung Quốc hồi tháng 7 có thể tiếp tục tăng trong những tuần tới, thậm chí là vài tháng tới, đặc biệt là ở vùng nông thôn - nơi mới chỉ bắt đầu phục hồi sau thảm họa, South China Morning Post đưa tin ngày 4/8.
Nghi ngờ che đậy số ca tử vong
Trong một cuộc họp báo hôm 2/8, chính quyền tỉnh Hà Nam thông báo thành phố Trịnh Châu ghi nhận 292 người thiệt mạng và 47 người mất tích.
Thành phố Tân Hương báo cáo 7 ca tử vong và 3 người mất tích ở do đợt lũ lịch sử. Hai trường hợp thiệt mạng khác được ghi nhận ở thành phố Bình Đỉnh Sơn. Thị trấn Tháp Hà cũng xác nhận một người chết.
Tổng cộng, ít nhất 50 người được cho là đã mất tích trong đợt lũ lịch sử quét qua tỉnh Hà Nam.
Thị trưởng Hou Hong của thành phố Trịnh Châu cho biết 39 trường hợp tử vong ở thành phố này được phát hiện trong các hầm đỗ xe và 6 người đã thiệt mạng trong tuyến tàu điện ngầm của thành phố.
Nơi tưởng niệm nạn nhân lũ lụt trước ga tàu điện ngầm ở Trịnh Châu. Ảnh: AFP. |
Sự gia tăng đột ngột về số người chết chính thức sau gần ba tuần Trịnh Châu ngập trong nước lũ đã làm dấy lên lo ngại có một sự che đậy nào đó ở đây.
Câu hỏi đặt ra là bởi chỉ có 7 trường hợp tử vong tại các ngôi làng gần thành phố Tân Hương, trong khi đợt lũ đã khiến nhiều vùng ngập trong nước lũ.
Quốc vụ viện của Trung Quốc thông báo hôm 2/8 họ sẽ cử lực lượng đặc nhiệm tới điều tra mức độ hậu quả của thảm họa. Nhóm chuyên gia kỹ thuật sẽ “đánh giá một cách khoa học”, đưa ra khuyến nghị và quy trách nhiệm cho các quan chức nếu phát hiện ra sai phạm.
Mới chỉ là số liệu sơ bộ
Trận lũ quét ở thành phố Trịnh Châu hồi tháng 7 xảy ra đột ngột và ở quy mô chưa từng có. Lượng mưa ghi nhận trong ba ngày là 617 mm, tương đương lượng mưa cả một năm.
Trận lũ lụt thảm khốc đầu tiên xảy ra ở Trịnh Châu vào ngày 2/7 và nhanh chóng tràn sang các khu vực khác, bao gồm Tân Hương.
Giáo sư Yin - chuyên gia cảnh báo lũ lụt, đánh giá rủi ro và ứng phó khẩn cấp - mô tả đây là trận lũ lụt là có hình thái “cực đoan nhất trong tất cả hình thái thời tiết cực đoan".
Ông Yin cho rằng ông không ngạc nhiên khi số người chết gia tăng đột ngột, đồng thời nhận định trong thời gian tới số trường hợp tử vong vì lũ lụt tại vùng nông thôn sẽ tiếp tục được báo cáo.
“Số liệu thống kê của Trịnh Châu tương đối chi tiết và chính xác vì thành phố này về cơ bản đã trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, Tân Hương vẫn đang thống kê thiệt hại vì nhiều nơi vẫn ngập trong bùn đất và phù sa”, ông nói thêm.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong tuyến tàu điện ngầm của thành phố Trịnh Châu hôm 26/7. Ảnh: AFP |
“Số liệu các quan chức thông báo trong tuần này mới chỉ là sơ bộ”, chuyên gia có kiến thức ứng phó với lũ lụt ở Hà Nam cho hay.
“Số liệu này chưa phải là số liệu cuối cùng. Có vài báo cáo đã trùng lặp, nhiều người vẫn còn mất tích, nhiều nơi chưa phục hồi hoàn toàn sau thảm họa. Chính quyền vẫn đang tập trung cứu hộ hơn là tính toán số người chết”, ông Yin nói thêm, khẳng định không có sự che đậy nào ở đây.
“Ở các làng, chính quyền nắm bắt số liệu, báo cáo rồi dần dần chuyển lên tuyến trên. Nhiều quan chức trong số này không được trang bị kiến thức thống kê tốt nên chắc chắn sẽ có sự trùng lặp và tính toán sai”, ông Yin nói.
Yin giải thích hầu hết trường hợp tử vong đã được báo cáo vì thành phố đông dân cư là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Khoảng một đến hai ngày sau, lũ lụt mới di chuyển tới Tân Hương, vì vậy chính quyền có thêm thời gian chuẩn bị sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra với Trịnh Châu.
“Đây là một trong những trận lũ ‘thiên nga đen’, khắc nghiệt đến mức không bao giờ có thể lường trước hay chuẩn bị được. Đây không chỉ là vấn đề của các thành phố ở Trung Quốc, mà còn là vấn đề phần còn lại của thế giới cũng phải đối mặt khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt ngày càng gia tăng”, ông Yin nói.