Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao số ca dương tính ngày 3/9 của TP.HCM tăng cao?

Ngày 3/9, TP.HCM có hơn 8.000 ca mắc, gấp khoảng 1,5 lần so với những ngày trước đó. Phó giám đốc HCDC lý giải việc này xuất phát từ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng.

Tại cuộc họp báo chiều 4/9, lý giải số ca F0 của TP.HCM trong ngày 3/9 tăng cao, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng con số này không đột biến. Ông nói người dân cần bình tĩnh, không nên lo lắng, sợ hãi.

Cụ thể, số ca mắc mới của TP.HCM được Bộ Y tế công bố ngày 3/9 là gần 8.500 ca. Trong khi đó, số ca mắc trung bình khoảng 5 ngày trước đó chỉ dao động trong khoảng 5.000-5.500 ca.

Tình hình dịch bệnh theo ngày tại TP.HCM

Nhãn 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9
Số ca nhiễm Ca 5481 4957 5889 5444 5368 5963 8499
Số ca xuất viện
2246 2372 2752 2699 3369 4172 2266
Số ca tử vong
256 245 335 303 217 250 256

Ông Tâm cho biết theo nguyên tắc, F0 phải có xét nghiệm PCR dương tính để khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 thì Bộ mới đưa vào danh sách công bố.

Ông Tâm nhấn mạnh test nhanh dù có tính chính xác cao nhưng không bằng xét nghiệm PCR. Người test nhanh dương tính chỉ là nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Những ngày gần đây, số xét nghiệm PCR dương tính của TP.HCM khoảng 4.000-5.000 người nhưng số test nhanh dương tính khoảng 7.000-8.000 người.

TP.HCM xet nghiem dien rong anh 1

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về việc số ca dương tính qua xét nghiệm PCR tăng cao ngày 3/9, ông Tâm lý giải có 2 lý do.

Thứ nhất, địa phương sau khi phát hiện nhiều ca dương tính qua test nhanh thì đã làm lại xét nghiệm PCR. Do đó, số ca mắc mới được Bộ Y tế công bố tăng vọt. Trong 8.510 mẫu ngày 3/9 thì 5.785 mẫu là test nhanh dương tính và được làm lại PCR.

Thứ 2, nhiều trường hợp sau khi test nhanh dương tính thì được đưa vào khu cách ly. Khi hết thời gian cách ly, họ được làm lại xét nghiệm PCR trước khi về nhà. Đây cũng là một trong những lý do số ca xét nghiệm PCR tăng đột biến.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 sau khi điều trị 7-10 ngày và có chỉ số CT>=30 (tải lượng virus thấp) có thể tiếp tục về cách ly, điều trị tại nhà.

Về mặt kỹ thuật, ngành y tế đã làm việc với các địa phương để chấn chỉnh lại phương pháp sao cho có con số chính xác nhất.

Cũng tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tình hình tiêm vaccine Moderna cho người dân bởi nhiều trường hợp đã tới thời hạn tiêm mũi 2 theo khuyến cáo của ngành y tế nhưng vẫn chưa được tiêm. Ông Tâm cho biết vaccine này do Bộ Y tế cấp. HCDC là đơn vị tiếp nhận rồi chia về các quận, huyện, TP.

"Đến giờ HCDC chưa nhận được vaccine Moderna cho đợt 2. Ngành y tế đang tính toán giải pháp thay thế sao cho phù hợp với nguyên tắc về khoa học và chuyên môn", ông nói.

Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); người dân "ai ở đâu ở đó", Tổ công tác đặc biệt tại từng địa phương "đi chợ hộ" cho tất cả người dân. Từ 30/8, shipper được hoạt động trở lại trên toàn thành phố, chỉ được di chuyển nội quận và phải xét nghiệm 1 ngày/lần (với vùng đỏ) hoặc 2 ngày/lần (với các vùng còn lại).


TP.HCM tiếp nhận 100 tấn oxy từ tàu chiến Ấn Độ

100 tấn oxy lỏng và 300 máy tạo oxy được vận chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy để phân phối đến các điểm điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm