Tối thứ 7, người hâm mộ (NHM) bóng đá trên khắp nước Đức rốt cuộc đã có thể bật tivi để dõi theo nhịp lăn của trái bóng sau 2 tháng thèm thuồng. Đức là một trong những quốc gia ở châu Âu bị virus corona tàn phá dữ dội, nhưng lại cho phép bóng đá trở lại sớm nhất trong các giải đấu lớn.
Chứng kiến Bundesliga trở lại, nhiều NHM Premier League bắt đầu sốt ruột. Họ cho rằng Premier League nên sớm trở lại thay vì tiếp tục lùi lịch đến ngày 26/6 (theo cập nhật mới nhất của báo chí Anh), muộn hơn 2 tuần so với lịch cũ (12/6). Tại sao ngày trở lại của Premier League cứ mỗi ngày dài thêm?
Premier League lại vừa hoãn ngày trở lại đến 26/6. Ảnh: Getty Images. |
Trở lại sớm là quá liều lĩnh
Sau khi chứng kiến vòng đấu mới nhất của Bundesliga, một vài chuyên gia bóng đá Anh lại càng có thêm động lực ủng hộ việc Premier League tiếp tục hoãn. Bundesliga trở lại bằng trận derby giữa Dortmund và Schalke, nhưng bầu không khí của trận đấu được miêu tả là cực kỳ chán nản và tẻ nhạt.
Các cầu thủ phải ngồi theo cự ly giãn cách xã hội, sân vận động không có khán giả nào, cầu thủ ăn mừng bàn thắng cũng phải tuân thủ cự ly an toàn. Sân đấu buồn tẻ đến mức những trao đổi của đội này có thể dễ dàng lọt vào tai đối thủ, thậm chí những phản ứng buột miệng của cầu thủ trên ghế dự bị cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Bình thường, chẳng ai có thể nghe nổi các cầu thủ nói gì trên ghế dự bị giữa bầu không khí huyên náo của bóng đá.
Bóng đá diễn ra nhưng cái hồn của nó thì còn ở rất xa. Đó không phải là điều NHM muốn và chính các cầu thủ cũng không muốn thi đấu trong một bầu không khí buồn tẻ như thế. Theo miêu tả của báo chí Đức, trận derby vùng Ruhr diễn ra trong bầu không khí không khác gì buổi tập.
Giải đấu hấp dẫn nhất thế giới sẽ tẻ nhạt biết bao nếu thiếu CĐV. Ảnh: AP/Jon Super. |
Song ngay cả trong trường hợp các quan chức, cầu thủ Premier League gạt đi yếu tố khán giả, Premier League cũng không nên trở lại trong bối cảnh đa phần cầu thủ đều chưa có được thể trạng tốt nhất. Vòng đấu gần nhất của Premier League diễn ra vào ngày 10/3, từ lúc đó đến nay đã hơn 2 tháng.
2 tháng qua, đa phần các cầu thủ đều không đá bóng. Một số cầu thủ chăm chỉ và có điều kiện kinh tế vẫn có thể duy trì việc luyện tập tại nhà. Nhóm này chỉ là thiểu số. Khoảng 85% cầu thủ Premier League duy trì thể lực cho bản thân bằng việc chạy bộ, đạp xe hoặc các động tác thể dục đơn giản.
Theo ý kiến của các chuyên gia y tế: Dựa vào tình trạng hồi phục của những cầu thủ chấn thương thì sau khoảng 2 tháng không chơi bóng, cầu thủ cần ít nhất 1 đến 1,5 tháng để có lại cảm giác chơi bóng và tình trạng thể lực tốt nhất.
Xung đột giữa cầu thủ và câu lạc bộ
Sau khi trở lại, Premier League nhiều khả năng sẽ thi đấu với lịch dồn dập để kịp cho mùa bóng mới. Như vậy, các cầu thủ càng phải chuẩn bị thể lực kỹ càng hơn để sẵn sàng với 2 rào cản: Lịch thi đấu nặng và tìm lại cảm giác chơi bóng sau 2 tháng nghỉ. Xét về mặt khoa học thể thao thì rõ ràng Premier League không nên thi đấu trở lại trong tháng 6.
Bởi việc các cầu thủ không đạt thể trạng tốt thứ nhất là sẽ khiến chất lượng giải đấu đi xuống, thứ hai là khiến nguy cơ dính chấn thương cao hơn. Với lý do này, dễ hiểu khi nhiều huấn luyện viên (HLV) và cầu thủ không ủng hộ giải đấu tái khởi động sớm. Mới đây, HLV trưởng Newcastle, Steve Bruce, thậm chí trực tiếp đưa ra đề xuất hoãn thi đấu tới tháng 7.
HLV trưởng Newcastle, Steve Bruce cho rằng Premier League nên trở lại vào tháng 7. Ảnh: Telegraph. |
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng mà không nhiều người nhắc tới. Đó là việc Premier League trở lại sớm có thể sẽ tạo ra những mâu thuẫn ngầm giữa cầu thủ và đội bóng chủ quản. Đang tồn tại 2 thái cực song song thế này: Nhiều đội bóng vì lợi ích kinh tế muốn Premier League sớm thi đấu trở lại để thu được tiền bản quyền truyền hình và tiền bán vé, nhưng nhiều cầu thủ không bị áp lực về kinh tế lại e ngại việc giải đấu thi đấu trong bối cảnh con người vẫn chưa chiến thắng được virus corona.
Hiện tại nước Anh vẫn thất thế trong cuộc chiến chống virus corona, khi mỗi ngày trôi qua vẫn luôn có hơn 3.000 ca nhiễm mới được xác nhận. Việc này đã kéo dài suốt từ 10/3 đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cầu thủ có lý do hợp lý để lo lắng về nguy cơ lây nhiễm nếu giải đấu bị ép phải trở lại chỉ vì lợi ích kinh tế của các đội bóng đang gặp khó khăn.
Thực tế, có nhiều HLV lên báo nói về việc học trò của ông không chịu trở lại Anh vì lo lắng có thể bị lây nhiễm (Sergio Aguero là ví dụ). Nếu giải đấu diễn ra trong sự miễn cưỡng của các cầu thủ, liệu nó có tạo ra nguy cơ bùng phát mâu thuẫn hay không?
Vì những lý do kể trên mà Premier League chưa thể và cũng chưa nên trở lại sớm như Bundesliga.