Chưa bao giờ chủ đề nuôi dạy con cái lại nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay. Các nhà xuất bản chạy đua trong địa hạt sách dạy con, trong khi các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ mọc lên như nấm sau mưa với hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt theo dõi. Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận rằng bất chấp vô số nguồn thông tin miễn phí và bổ ích, cha mẹ Việt vẫn đang "rối như gà mắc tóc" khi đối diện với con cái của mình.
Dạy con với những trăn trở không dứt
Theo Thạc sĩ Nam-Phương April Hoàng, nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Queensland, Úc và chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên, giảng viên Bộ môn Tâm lý học ứng dụng Đại học Hoa Sen, sự hoang mang giữa biển thông tin cộng với áp lực quá lớn từ người xung quanh là hai khó khăn lớn nhất mà các bậc cha mẹ Việt Nam đang phải đối mặt trong việc nuôi dạy con cái.
Ths.Hoàng Thị Nam Phương. |
“Phụ huynh họ đọc rất nhiều nhưng cách họ hiểu thế nào là một câu chuyện khác,” Thạc sĩ Nam-Phương nhìn nhận. Rõ ràng, thời đại Internet xoá bỏ hoàn toàn nỗi lo thiếu hụt thông tin nhưng lại mang đến một nỗi lo thường trực khác cho các cha mẹ Việt: nỗi lo bội thực thông tin.
Phụ huynh có thể lấy thông tin từ Internet, sách hoặc các khoá đào tạo kỹ năng dạy con, nhưng nguồn kiến thức đáng tin cậy và dễ tiếp cận nhất đối với phụ huynh Việt là sách nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nam-Phương, hiện đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ gia đình của Đại học Queensland (Úc), sách dạy con hiện nay mới đang chỉ tiếp cận ở bề mặt mà không đi sâu vào bản chất tâm lý của trẻ cũng như các nguyên tắc cốt lõi của việc nuôi dạy con.
Thứ nhất, trường phái sách dạy con bán chạy nhất hiện nay là các sách chia sẻ kinh nghiệm, mà có thể nhắc tới hiện tượng xuất bản Con nghĩ đi, mẹ không biết của tác giả Thu Hà, hay Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu của nhà báo Hồ Thị Hải Âu. Tuy tựa sách rất bắt tai và nội dung hấp dẫn, những sách thuộc dạng này không phải là chân lý và lời giải cho mọi vấn đề mà phụ huynh gặp phải.
Theo chuyên gia tâm lý Nam-Phương, kinh nghiệm của đứa trẻ này khi áp dụng lên đứa trẻ khác có thể không đem lại hiệu quả. “Khi đứa trẻ khác có tương tác với cha mẹ không giống đứa trẻ ở trong sách thì việc giáo dục hoàn toàn có thể đi sai lệch.”
Ngoài ra, các sách dạy con theo phương pháp nước ngoài như dạy con kiểu Nhật, dạy con kiểu Phần Lan hay dạy con kiểu Do Thái cũng rất được ưa chuộng nhưng bố mẹ Việt vẫn áp dụng không thành công, lý do là bởi phông nền văn hoá và môi trường sống cũng như hoàn cảnh xã hội không tương đồng dẫn đến nhiều khập khiễng. Đây hoàn toàn không phải trường hợp của riêng Việt Nam, mà là câu chuyện của rất nhiều nước châu Á - sử dụng máy móc mà không hề sàng lọc yếu tố văn hoá.
Mặt khác, một số loại sách khoa học thường thức theo dạng tự truyện hoặc ký có thể lồng ghép một số kiến thức khoa học phổ biến hoặc đúc kết chuyên môn, tuy nhiên các kiến thức này rất chung chung. Ví dụ, sách khuyên rằng phụ huynh nên phớt lờ khi con ăn vạ, nhưng lại không chỉ rõ thời gian phớt lờ bao lâu, cách làm như thế nào thì hiệu quả, hay hành vi nào nên phớt lờ còn hành vi nào thì không. Cần phải hiểu rằng tài liệu của các chương trình đào tạo nuôi dạy con có bản quyền đều không miễn phí và tràn lan trên mạng, do vậy mặc dù có vô vàn thông tin nhưng phụ huynh lại không được tiếp cận tới thông tin mang tính hệ thống.
Trong khi đó, “các khoá học online và các khoá học về nuôi dạy con do thời lượng rất ngắn nên chỉ có thể đánh vào câu chuyện nhận thức,” giảng viên Tường Yên chia sẻ. Theo chuyên gia, các khoá học này thường chỉ ra cho phụ huynh biết họ đang làm sai và làm sai ở đâu, nhưng lại không chỉ cho họ làm thế nào là đúng. Phụ huynh luẩn quẩn trong cảm giác thất bại, nhưng vẫn đi theo vết xe đổ đó vì không còn lựa chọn nào khác. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc.
Chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên. |
Hệ quả là phụ huynh loay hoay rơi vào hố sâu mặc cảm rằng mình làm cha mẹ không tốt, vô hình chung tự gia tăng mức độ stress của bản thân. Theo nghiên cứu sơ bộ của dự án Nâng cao năng lực nuôi dạy con giữa các thế hệ gia đình Việt Nam trên hơn 500 phụ huynh ở cả ba miền Bắc Trung Nam, 41.6% cha mẹ có dấu hiệu của stress nặng và 55.2% phụ huynh có dấu hiệu trầm cảm. Không những gây ảnh hưởng tới tương tác của cha mẹ với trẻ, mức độ stress cao của phụ huynh còn tác động xấu tới cảm giác an toàn của con cũng như mối quan hệ đối với những người trong vòng tròn cùng chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.
Muốn dạy con mà chẳng được ‘yên’
Hoang mang vì bội thực thông tin đã đành, cha mẹ Việt còn vướng phải áp lực khổng lồ từ những người xung quanh. Không khó để nhận thấy xung khắc thế hệ gay gắt trong quan điểm nuôi dạy trẻ tại rất nhiều gia đình Việt Nam, mà ở đó phụ huynh mắc kẹt giữa việc muốn thay đổi để tốt cho con và việc làm theo cách cũ để vừa lòng ông bà. Hơn thế nữa, áp lực còn đến từ cô, dì, chú, bác, hay thậm chí là bác hàng xóm luôn muốn khuyên bảo và giúp đỡ.
Tất nhiên, phải thừa nhận rằng xu hướng thích can thiệp đến từ văn hoá cộng đồng cao đã ăn sâu vào đời sống người Việt. Văn hoá ‘tốt bụng' này không xấu, nhưng khi áp dụng vào việc nuôi dạy con trẻ lại phản tác dụng và trở thành phán xét và tọc mạch - cơn ác mộng của các phụ huynh muốn được ‘yên thân' dạy con. Trẻ bối rối khi các quy tắc và kỷ luật được cha mẹ đặt ra bị vi phạm, trong khi mối quan hệ giữa cha mẹ và người xung quanh trở nên vô cùng căng thẳng.
Cha mẹ Việt hoang mang trong quá trình dạy con. |
Một yếu tố nữa là nền tảng kiến thức nuôi dạy con tại Việt Nam gần như là con số 0, do vậy người Việt thường không ý thức được việc dạy bảo trẻ là khác nhau ở mỗi gia đình. Tại các nước phương Tây, kiến thức nuôi dạy con được phổ quát, cộng thêm chủ nghĩa cá nhân được đề cao, nên những tình trạng ‘chín người mười ý' hầu như không có.
"Phụ huynh biết mình đích thực là ai" - Nguồn vui của con trẻ và hạnh phúc của mẹ cha
Nói về giải pháp ngắn hạn, cả hai chuyên gia Nam-Phương và Tường Yên đều khuyên rằng bước đầu tiên trong hành trình nuôi dạy con là cha mẹ phải xác định được mục tiêu nuôi dạy con của mình. Dù là thúc đẩy con học giỏi và thành công trong sự nghiệp hay là để con thoải mái khám phá tự do, phụ huynh cần vạch rõ định hướng nuôi dạy trẻ trước khi chọn cho mình phương pháp phù hợp.
Tiếp đến là phụ huynh cần hiểu được bản thân mình, hiểu được con và hiểu được hoàn cảnh cũng như điều kiện mà gia đình đang có. Có một tình trạng phổ biến ở các cha mẹ Việt là phụ huynh khi chọn sách và chọn theo đuổi một phương pháp nào đó thường chỉ quan tâm tới con mà không để ý đến cảm xúc của mình. Ở đây, Thạc sĩ Nam-Phương nhấn mạnh rằng phụ huynh cần phải hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình để lựa chọn được phương pháp khiến mình thoải mái trong quá trình áp dụng.
Các chuyên gia chia sẻ cách dạy con sao cho phù hợp với tâm lý của trẻ. |
Cuối cùng, giảng viên Tường Yên lưu ý phụ huynh cần chú ý tính nhất quán trong giáo dục trẻ. Nếu đã chọn lựa một phương pháp, ví dụ như dạy con kiểu Nhật thì nên thống nhất sử dụng, tránh tình trạng "nửa nạc nửa mỡ" khi áp dụng nhiều phương pháp khác nhau cùng một lúc.
Tuy vậy, phụ huynh cũng cần quan sát theo dõi phản ứng của con, nếu trong một khoảng thời gian từ vài tuần tới vài tháng trẻ có dấu hiệu phản ứng tiêu cực mãnh liệt thì nên xem xét chuyển đổi phương pháp. Một lần nữa, quan trọng nhất là phụ huynh thấu hiểu bản thân mình và con trẻ một cách tường tận và sâu sắc trước khi lựa chọn bất kỳ phương thức nào.
Trong tương lai, cả hai chuyên gia đều hy vọng có thể hoàn tất giai đoạn nghiên cứu và chính thức mang được chương trình đào tạo nuôi dạy con của Triple P về phổ biến tại Việt Nam để nâng cao kiến thức nền cho các bậc cha mẹ đang loay hoay và bối rối. Giáo dục con trẻ vẫn là một bài toán lớn cho các phụ huynh Việt, mà trong đó hiểu rõ những khó khăn mình đang gặp phải và từng bước giải quyết vấn đề là bước đi khôn ngoan đầu tiên trong hành trình nuôi dạy con đầy gian nan và thách thức.