578: Phát đạn của kẻ điên là tác phẩm đáng chú ý thứ hai trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Lương Đình Dũng sau Cha cõng con (2017). So với bộ phim điện ảnh đầu tay, Phát đạn của kẻ điên cho thấy bức chân dung Lương Đình Dũng hoàn toàn đối lập - giàu có hơn về tiền bạc lẫn tham vọng, nhưng lạc lối trên hành trình tìm ra cách truyền tải câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Tác phẩm hành động với diễn viên gốc Việt Alexandre Nguyen trong vai chính được ca tụng là “phim hành động được mong chờ nhất 2022”, “ê-kíp chịu chơi”, “lập nên tiêu chuẩn mới cho phim hành động Việt Nam”… Tuy nhiên, chừng ấy mỹ từ cũng không cứu được bộ phim với chất lượng nội dung chỉ ở mức trung bình. Sau gần một tuần ra rạp, 578: Phát đạn của kẻ điên mới thu về khoảng 2,5 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam) từ phòng vé trên số vốn đầu tư cao hơn 20 lần - vào khoảng trên dưới 60 tỷ đồng.
Bộ phim sa đà vào yếu tố bạo lực
578: Phát đạn của kẻ điên mở đầu bằng sự kiện con gái Hùng - một lái xe tải đường dài (Alexandre Nguyen) bị xâm hại tình dục, dẫn đến tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Nỗi thương con chuyển thành sự uất hận khiến người bố dấn thân vào cuộc điều tra nhằm bắt kẻ thủ ác phải đền tội.
Cuộc hành trình đưa anh đến chỗ bắt được thiếu gia Thái (Ngọc Tình) - tên kẻ ấu dâm đã chọn con gái Hùng và nhiều bé gái khác làm nạn nhân. Cuộc trả thù đầu tiên của Hùng nhắm vào Thái đã dẫn anh tới chỗ đối đầu cha của gã (Hoàng Phúc), một tay trùm xã hội đen thứ thiệt.
Từ đây, những ngón đòn ăn miếng trả miếng tàn bạo giữa hai gã đàn ông liên tiếp được tung ra, màn sau khốc liệt hơn màn trước, với mục tiêu duy nhất là bắt con mồi phải đau đớn. Hùng thề sẽ làm tất cả vì con, trong khi cha của Thái cũng chẳng từ thủ đoạn trừng phạt kẻ dám “bắt nạt” quý tử của gã.
Alexandre Nguyen là Việt kiều Pháp, chuyên trị các tác phẩm hành động, võ thuật. Anh được kỳ vọng trở thành một Johnny Trí Nguyễn thứ hai. |
Cốt truyện 578 có thể đánh giá khá đơn giản: Người cha trả thù cho con gái, anh ta đắc tội với trùm xã hội đen (tình cờ cũng là một ông bố đơn thân khác), hai bên đánh nhau cho tới khi một trong hai bỏ cuộc. Tuy nhiên, cách tác phẩm thể hiện ý tưởng này trên màn ảnh lại cùng lúc mang đến hai trạng thái tưởng chừng đối lập - rối rắm trong sự rời rạc.
Ê-kíp sản xuất 578: Phát đạn của kẻ điên rất tâm đắc về các cảnh hành động trong tác phẩm của mình. Và quả thực, không thể phủ nhận càng về nửa sau, các trận hỗn chiến trên màn ảnh càng được thể hiện mượt mà, lôi cuốn hơn. Tuy nhiên, bạo lực không phải cách giải quyết vấn đề cũng như một bộ phim không thể hay chỉ vì các màn hành động đẹp mắt. Bạo lực không hồi kết đã biến phim thành rắm rối, tựa vòng lặp không hồi kết.
Dễ thấy, những trận chiến một đấu mười là các cột mốc quan trọng trong diễn biến phim. Hùng đột kích vào nhà Thái, đánh thẳng đám tay chân và bắt được gã, anh bị tay chân của ông trùm đánh úp trên đường, hỗn chiến và để mất con tin, anh (lại) đánh thẳng tay chân của ông trùm và khơi dậy cảm giác hận thù ăn miếng trả miếng…
Tuy nhiên, cách nhà làm phim xây dựng tình huống dường như mang lại cho khán giả một ấn tượng sai lệch rằng bạo lực không phải hệ quả, ngược lại, mọi sự kiện đã xảy ra trên màn ảnh chỉ diễn ra vì một mục tiêu duy nhất là khơi mào cho các vụ đánh lộn. Mọi diễn biến trong vũ trụ 578: Phát đạn của kẻ điên đều chỉ xoay quanh những trận đánh, vạn sự còn lại chỉ là phông nền - thứ hoa trang trí cắm xen hay món ăn kèm không quá ấn tượng.
Điều này có thể cũng lý giải cho cảm giác khó chịu của khán giả khi phim thường xuyên “nhảy cóc” giữa các bối cảnh mà không có một sự liên kết hợp lý nào.
Diễn biến rời rạc
Xem xong phim, khán giả có thể nhớ khá rõ Hùng đã đánh bao nhiêu trận, đã thắng những ai, trong tình huống nào. Nhưng không dễ để chính những khán giả ấy xâu chuỗi các tình tiết chính trong câu chuyện thành một mạch xuyên suốt, cảm nhận trọn vẹn hành trình của nhân vật hay tự rút ra một thông điệp. Bởi đơn giản, cả mâu thuẫn giữa các nhân vật lẫn diễn biến tâm lý họ đều chỉ được xây dựng một cách chiếu lệ.
Trong tác phẩm, ta có một ông bố lái chiếc container màu cam bắt mắt rong ruổi trên đường, nhưng có rất ít manh mối về việc chiếc xe xuất phát từ đâu hay sẽ đi đến đâu. Nói cách khác, nó chỉ di chuyển một cách vô định, giống hành trình trả thù cho con của nam chính - không có kế hoạch cũng chẳng có sự chuẩn bị.
Chỉ có hào quang “nhân vật chính” soi đường, luôn dẫn anh đến chính xác nơi cần đến, hỏi đúng người cần hỏi và các cú đấm tung ra đều đúng địa chỉ (kẻ xấu).
Một trong các đại cảnh hành động "một đấu mười" trong phim. |
Các cung đường trên phim có thể uốn lượn hình chữ chi, nhưng lộ trình của nhân vật chính chỉ là một đường thẳng băng như kẻ bằng thước. Và giống như đường thẳng, ta không chắc chắn anh biết mình muốn kết thúc ở đâu. Trên hành trình nhuốm màu bạo lực ấy, không một giây phút nào nam chính phân vân về các quyết định của mình, ăn năn trước các thiệt hại đã gây ra hay dành một phút cân nhắc việc phải chăng lúc này anh nên túc trực bên giường bệnh của con gái...
Trong khi nam chính suy nghĩ và hành động tựa một cỗ máy vô cảm, thì ở phe phản diện, đế chế tội ác của cha con Thái lại giống một phim sitcom hạng xoàng với các nhân vật cố xù lông để trở nên ác độc trong khi bản chất họ không phải vậy.
Tồn tại như một đối trọng với nam chính, bị cuốn cùng anh ta vào vòng xoáy thù hận không hồi kết, nhưng mối quan hệ giữa hai phe thể hiện trên màn ảnh lại hời hợt, như thể vô tình gặp nhau trên đường, nảy sinh mâu thuẫn rồi lao vào đánh giết.
Nằm giữa hai thế lực này, xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện là tài xế Bảo Vy (H’Hen Niê). Cô từng được Hùng ra tay cứu giúp, và cũng tận sức để trả lại ơn nghĩa ấy. Nhưng sau tất cả, nhân vật vẫn kéo theo sau những câu hỏi “Vì sao” và “Từ đâu” không lời giải đáp. Câu chuyện trọn vẹn nhất về Bảo Vy, xét cho cùng, lại chính là những giả thuyết khán giả tự mình vẽ ra.
Một cô gái khác cũng xuất hiện chớp nhoáng trong phim là nhân vật cô giáo (Thảo Tâm). Trong bộ phim quá nhiều nhân vật với tính cách một chiều, đây là nhân tố bí ẩn mang tính đột phá. Tuy nhiên, cô giáo chỉ xuất hiện ở cảnh đầu và cuối phim, thiếu cả không gian lẫn thời gian để gây dựng ấn tượng với khán giả nhưng lại được trao cho một trọng trách quá quan trọng với tương lai thương hiệu.
Tuyến nhân vật của Bảo Vy và cô giáo tạo ra ấn tượng tiêu cực rằng họ bị đối xử như những công cụ thay vì con người. Cần thì dùng đến, không thì vứt bỏ. Đây rõ ràng không phải cách sáng suốt để đối xử với bất kỳ nhân vật nào nói chung và các nhân vật nữ nói riêng - nhất là khi hình tượng Bảo Vy của H’Hen Niê còn đại diện cho sức mạnh của nữ giới và công lý pháp trị.
Diễn xuất yếu kém
Diễn xuất của dàn diễn viên trong 578: Phát đạn của kẻ điên là vấn đề bị nhiều khán giả phàn nàn. Các vai diễn vô hình trung đều là những tấm áo quá rộng với nghệ sĩ đảm nhận chúng.
Ngọc Tình gồng mình đến kiệt sức cho ra vẻ điên loạn để vào vai thiếu gia Thái trong khi bản chất nhân vật là một gã ấu dâm, chỉ để lộ bộ mặt biến thái trước nạn nhân của mình. Tương tự, nhóm đàn em của ông trùm cũng bị đóng khung trong mô-típ tay võ biền não phẳng đi kèm kẻ loắt choắt gian xảo đã cũ mòn.
Trong vai trò nam chính, Alexandre Nguyen tất nhiên làm tốt những cảnh chiến đấu, xoay xở được trong các trường đoạn hóa thân thành tay tài xế lì đòn, nhưng vẫn thiếu vắng sự dịu dàng khi ở bên con gái. Tương tự, trong lần đầu diễn xuất, H’Hen Niê không tránh khỏi sự gượng gạo, thiếu tự nhiên. Người đẹp bất lực trong những phân cảnh cần bộc lộ sự thay đổi về bản chất của nhân vật - như cảnh cuối phim, lúc cô rũ bỏ vỏ bọc một tài xế đường dài để trở về với danh tính cảnh sát ngầm.
H’Hen Niê có màn lấn sân điện ảnh kém thành công. Vai diễn của cô chỉ như món trang trí câu khách cho tác phẩm. |
Tuy nhiên, khi quy trách nhiệm về diễn xuất thiếu thuyết phục trong 578: Phát đạn của kẻ điên, nếu chê trách diễn xuất của các diễn viên một, phải phê bình khâu lồng tiếng của phim hai và bảy phần còn lại thuộc về biên kịch viết lời thoại.
Bộ phim lựa chọn phương pháp lồng tiếng để mang lại cho khán giả trải nghiệm âm thanh tối ưu (tức nghe rõ lời thoại của nhân vật). Nhưng màn thể hiện xuất sắc của các nghệ sĩ lồng tiếng - theo đúng tiêu chuẩn của một vở kịch truyền thanh nơi khán giả dựa hoàn toàn vào ngữ điệu và âm điệu giọng nói để phán đoán tình hình - đã gây tác dụng ngược. Những câu từ trơn tru, lên bổng xuống trầm hoàn toàn tách biệt với hình ảnh của bộ phim về cả kỹ thuật và cảm xúc.
Trên phim, không ít lần khán giả quan sát thấy miệng diễn viên mấp máy một đằng nhưng tiếng chạy một nẻo. Thêm vào đó, khán giả nhận ra nhiều chất giọng quen thuộc và tự động phân định rõ đó chẳng phải tiếng gốc của diễn viên. Cuối cùng, dù đã được lồng tiếng, những lời thoại của Bảo Vy hay cô hoa hậu giang hồ đa phần vẫn khó nghe.
Cuối cùng, lời thoại 578: Phát đạn của kẻ điên là sự thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả. Trên phim, không ít lần khán giả phải nhíu mày với những lời thoại chắc chắn không phải văn viết nhưng cũng chẳng người bình thường nào nói như vậy. Nhân vật thiếu gia dùng lối miêu tả “nhà tao là kiến người” thay vì nói người nhà tao đông như kiến, nói với nhân vật chính “Sà vào lòng tao đi nào, tao thích lắm” khi muốn thách thức anh.
Nhưng “chúa tể” của những câu thoại có một không hai phải kể đến nhân vật ông trùm. Đây là nhân vật nói rất nhiều, nhưng những câu nói thường ngô nghê vì không tuân theo cấu trúc ngữ pháp lẫn logic hình thức nào. Đầu phim, ông nói với đàn em: “Con trai ta vậy mà lại mất tích”. Cuối phim, nhân vật tâm sự: “Ta mới là cái nó cần tìm”.
Nói về logic khó hiểu trong các vế câu, cũng chính nhân vật ông trùm đã nói với con trai: “Ông của con bảo tiền là thuốc. Nhà ta vị thuốc nào cũng có, nhưng tính mạng thì chỉ có một. Ba chỉ có mình con, còn gã ta thì đang ở đâu đó”.
Cuối phim, trong trận đại chiến với nhân vật chính, trùm phản diện lại tiếp tục có một câu thoại gây cười: “Mày lôi thằng bé xuống nước để hành hạ nó. Thằng bé chắc phải uống nhiều nước lắm”.