Đại dịch đã thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến và kéo dài đến tận bây giờ. Ảnh: Wall Street Journal. |
Nhấp chuột. Lướt. Thêm vào giỏ hàng. Sau đó, quay lại cuộc họp Zoom đang gọi dở.
Hóa ra, vào những hôm làm việc từ xa, không ít người bị xao nhãng, lướt Shopee, Lazada để mua sắm trong khi làm việc. Các nhà nghiên cứu cho biết hành vi này đang thúc đẩy doanh số thị trường bán hàng trực tuyến trị giá hàng tỷ USD.
Vừa đặt hàng, họ vừa gật gù, tỏ vẻ đang chăm chú lắng nghe cuộc gọi video với công ty. Vừa nhập thông tin thẻ ngân hàng, họ vừa gửi email công việc cho sếp.
Dành cả ngày công chỉ để mua sắm là điều đáng lên án. Nhưng nhiều người tự nhủ chỉ lướt xem một chút thôi sẽ không ảnh hưởng mấy đến năng suất làm việc. Việc đọc các bài đánh giá về quần áo sắp mua cũng tốn thời gian như đi lấy nước ở bình lọc trong công ty. Hay tìm kiếm mặt hàng yêu thích ở các cửa hàng khác nhau cũng chỉ tương đương thời gian đi vệ sinh, rửa mặt khi đi làm văn phòng.
Không có ai giám sát, nhân viên có thể phá vỡ sự nhàm chán trong một ngày làm việc bình thường bằng cách tìm mua một đôi giày mới. Tuy nhiên, cảm giác hối hận sẽ ập đến ngay sau đó.
Càng làm việc ở nhà, bạn càng mua nhiều hàng online
“Tôi sẽ không mua thứ ngu ngốc này nếu không đột nhiên bị bắt giơ tay trong giờ họp”, Megan Morreale, nhân viên marketing (32 tuổi, ngụ ở New Jersey), chia sẻ. Trong một phút bốc đồng, cô đã mua hộp nến thơm mang nhãn hiệu của một KOL trong buổi họp toàn công ty.
Nhiều người vô thức mua sắm vô tội vạ trong lúc đang làm việc. Ảnh: CBS News. |
Mỗi khi chán nản hay nghỉ giải lao giữa các cuộc gọi, cô gái thường có thói quen lướt Instagram, TikTok và YouTube. Kết quả là vài ngày sau cô nhận được những đồ dùng kém chất lượng hoặc chiếc đầm được nhiều người quảng cáo nhưng không hợp với phong cách.
“Đó là một chút niềm vui trong ngày, mà tôi không cần sợ mình trông giống như một kẻ lười biếng. Ở văn phòng, tôi sẽ không bao giờ làm vậy. Mọi cảm giác tội lỗi hoàn toàn biến mất khi làm việc tại nhà”, Megan nói với Wall Street Journal.
Nghiên cứu của Đại học Stanford, Đại học Northwestern và Viện Kinh tế Mastercard cho thấy đại dịch đã thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến và kéo dài đến tận bây giờ. Đơn cử như năm ngoái, người tiêu dùng đã chi nhiều hơn 375 tỷ USD so với mức tiền họ có.
Nhà kinh tế học Nick Bloom kiêm đồng tác giả trong nghiên cứu của Stanford cho biết nguyên nhân của sự thay đổi này là do mọi người dần chuyển sang làm việc từ xa hoặc kết hợp (hybrid).
Dữ liệu cho thấy ở những khu vực phổ biến xu hướng làm việc tại nhà, hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ tăng cao. Trong khi đó, con số này sẽ quay trở lại mức trước đại dịch ở những nơi có nhiều người làm việc trực tiếp.
Bên cạnh việc dắt chó đi dạo và ăn tối, mua sắm trong giờ làm việc là một cách để các nhân viên sử dụng hiệu quả thời gian của mình. Họ có cảm giác như mình có nhiều quyền kiểm soát thời gian hơn khi làm việc ở nhà. “Không ai có thể làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi”, Nick Bloom nói.
Một tay làm việc, một tay “chốt đơn”
Ở nhà, họ có tự do và thời gian, nhưng theo đó, sức ì cũng tăng cao.
Giám đốc Ace Bhattacharjya của một công ty cung cấp dịch vụ hồ sơ y tế cho biết: “Chúng tôi không có giờ nghỉ giải lao, không tổ chức sinh nhật cho bất kỳ ai”.
Thay vào đó, anh bận xem đánh giá một mẫu giày sneaker phiên bản giới hạn hay các bức tượng lưu niệm trên eBay. Chuyển sự chú ý từ công việc trên màn hình máy tính sang sàn thương mại điện tử trên iPad Pro, anh có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo và năng lượng dồi dào.
Bên cạnh đó, ranh giới giữa công việc và cuộc sống ngày càng trở nên mơ hồ. Thời gian làm việc của Bhattacharjya kéo dài đến cuối tuần. Điều này càng khiến anh bị xao nhãng bởi công việc cá nhân vào giữa tuần.
Theo dữ liệu từ Adobe, mức chi tiêu trực tuyến cao nhất hàng tuần là từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều vào thứ Sáu. Đây là thời điểm năng suất làm việc chậm lại để chuẩn bị cho ngày cuối tuần. Tương tự, hơn 1/4 phụ nữ được trang mua sắm Rakuten khảo sát năm ngoái cho biết họ thường mua sắm trực tuyến trong giờ làm việc. Với Gen Z, tỷ lệ là 41%.
Jenny Hirschey, chủ một cửa hàng trang sức trên Instagram, đã rất ngạc nhiên khi thấy khoảng 80% doanh số bán hàng của cô đến trong ngày làm việc giữa tuần. “Tôi luôn nhận được những bình luận như ‘Tôi đang chuẩn bị đi họp nhưng chiếc vòng hình trái tim này là của tôi! Hết hàng! Tôi sẽ chuyển tiền cho bạn sau 30 phút nữa'", cô nói.
Sức hấp dẫn không thể chối từ của mua hàng online
Chuyên gia tư vấn Liza Amlani cho biết các nhà bán lẻ lớn cũng nhận thấy xu hướng này. Một số khách hàng của cô đang đặt lịch gửi thông tin giới thiệu sản phẩm và email marketing vào khoảng giữa trưa hoặc 15h.
Các cửa hàng cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ trực tuyến và lấp đầy trang web với nhiều sản phẩm hơn. Các đề xuất dựa trên thuật toán ngày càng thông minh, đến mức bạn có cảm giác như chúng biết rõ những mong muốn trong tiềm thức trước cả mình.
Từ đó, chúng hiển thị lại những món hàng chưa mua trong giỏ hàng kèm các mã giảm giá 20% hấp dẫn. Nancy Wong, nhà tâm lý học người tiêu dùng tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Bạn ngày càng nhận được nhiều thông báo và lời kêu gọi mua hàng”.
Cảm giác tội lỗi khi xao nhãng, làm việc thiếu năng suất bị xóa nhòa khi làm việc tại nhà. Ảnh: Wall Street Journal. |
Ngày nay, thói quen mua hàng trực tiếp ở cửa hàng truyền thống thường rất bất tiện, liên quan đến giao thông trên đường, xếp hàng dài ở cửa hàng, kho hết hàng…
Ngược lại, việc nhấp vào nút mua trực tuyến mang lại cảm giác chắc chắn và hài lòng, đi kèm là niềm vui nhân đôi, Wong nhận định. Việc mua thành công món hàng yêu thích khiến niềm vui đạt đỉnh điểm ngay lập tức. Theo ngay sau đó là niềm mong đợi ngày giao hàng.
Chuyên viên trị liệu Michelle Drapkin - làm việc hybrid - nhận định: “Quá trình này quá hấp dẫn”.
Khi còn làm việc cho một công ty chăm sóc sức khỏe lớn vào nhiều năm trước, cô chưa bao giờ mơ một ngày mình có thể mở Amazon trên máy tính khi làm việc. Giờ đây, vào những ngày làm việc ở nhà, cô sẽ nằm dài trên giường với chiếc laptop. Cô sẽ mua những món hàng theo danh sách lập sẵn. Đôi khi chúng chỉ là đồ tạp hóa, có khi là món quà đắt tiền tặng bạn.
Nhưng đến khi nhận hàng, Michelle còn chẳng nhớ mình đã mua những gì.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.