Có một niềm tin phổ biến rằng Nữ hoàng Anh Elizabeth II không bao giờ khóc trước công chúng, nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Theo các sử gia và nhà quan sát Hoàng gia Anh, đã có nhiều lần nữ hoàng rơi lệ khi tham gia một số sự kiện với công chúng.
"Đã có nhiều lần bà ấy rơi nước mắt, nhưng mọi người thường không nhận ra hoặc không nhớ", Sally Bedell Smith, người viết tiểu sử nổi tiếng cho nữ hoàng và các thành viên khác của hoàng gia Anh, cho biết.
Nữ hoàng Anh ngồi một mình trong đám tang Hoàng thân Philip. Ảnh: AP. |
Một người điềm đạm
Nữ hoàng Anh từng khóc trong lần tới Aberfan, xứ Wales vào năm 1966. Khi đó, bà thăm những nạn nhân còn sống sót của một thảm họa sạt lở bùn than khiến 144 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em.
Trong đám tang năm 2002 của em gái bà là Công chúa Margaret, những người ngồi gần nữ hoàng cũng kể lại rằng bà đã khóc nhiều, và đó là "lần mà nữ hoàng buồn đau nhất mà tôi từng thấy".
"Bà ấy từng khóc, nhưng đều vào những khoảnh khắc phù hợp, ví dụ như vào ngày tưởng niệm binh sĩ Anh thiệt mạng trong chiến tranh vào tháng 11 hàng năm", bà Victoria Arbiter, một nhà bình luận hoàng gia lâu năm, chia sẻ. Bà Arbiter là con gái của một cựu thư ký báo chí Nữ hoàng Anh, và hồi nhỏ từng có thời gian sống trong Điện Kensington.
Nhưng đối với nhiều người, ấn tượng về một Nữ hoàng Elizabeth II không bao giờ khóc đến từ việc bà là vị quân vương có thời gian trị vì lâu nhất lịch sử nước Anh. Sau 69 năm trên ngai vàng, nữ hoàng đã quen với việc che giấu cảm xúc của mình khi cần thiết - và thường thì lúc nào điều đó cũng cần thiết.
Trong đám tang của Hoàng thân Philip, người chồng đã đồng hành cùng bà suốt 73 năm qua, người ta vẫn thấy một Nữ hoàng Elizabeth II điềm đạm, với bộ đồ màu đen và chiếc khẩu trang cùng màu. Các máy quay không cung cấp hình ảnh cận nào về sắc mặt của nữ hoàng, và theo quy định chống dịch hiện tại ở Anh, những người tham gia đám tang cũng ngồi ở vị trí cách xa nhau.
Nữ hoàng 94 tuổi bước ra khỏi chiếc Bentley một cách chậm rãi, đi vào Nhà nguyện St. George ở lâu đài Windsor. Bà ngồi một mình trong suốt lễ tang, đầu hơi cúi và sau đó nhẹ nhàng rời đi cùng với Đức cha David Conner, người chủ trì buổi lễ.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể đánh giá thấp sự mất mát này đối với nữ hoàng - không thể phủ nhận rằng đây sẽ là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của bà", bà Ariter nhận định.
Chỉ những thành viên hoàng gia Anh mới biết rõ nữ hoàng sẽ buồn như thế nào, và đối với những ai xem lễ tang Hoàng thân Philip qua truyền hình, họ sẽ không bao giờ biết được điều đó. Chỉ có 30 người tham gia lễ tang và theo quy định chống dịch, tất cả đều đeo khẩu trang. Các máy quay cũng không được phép ghi lại hình ảnh cận về khuôn mặt của các thành viên hoàng gia, vì đó là phép tắc từ trước tới nay.
Hai ngày sau khi Hoàng thân Philip mất, Hoàng tử Andrew đã chia sẻ với các phóng viên về tâm trạng của nữ hoàng.
Các thành viên của Hoàng gia Anh được giáo dục để không thể hiện cảm xúc trước công chúng. Ảnh: AP. |
"Nữ hoàng, các bạn cũng biết đấy, là một người cực kỳ điềm tĩnh. Bà cảm thấy một khoảng trống to lớn trong cuộc đời nhưng chúng tôi, những thành viên gia đình, những người gần gũi với bà ấy, sẽ ở đó để ủng hộ bà", hoàng tử cho biết.
Theo chuyên gia Bedell Smith, nữ hoàng chính là hiện thân rõ nét nhất của một người điềm đạm.
"Bà ấy là một người phụ nữ với những cảm xúc sâu sắc nhưng bà ấy rất cố gắng để thể hiện một khuôn mặt không cảm xúc. Điều này một phần là vì vị thế của bà ấy, và cũng đến từ tính cách và cách bà ấy được giáo dục", bà Bedell Smith nói.
Luôn thể hiện sự trung lập
Công chúa Elizabeth, tước vị chính thức của bà từ khi ra đời cho đến khi kế vị ngai vàng vào năm 1952, được giáo dục một cách căn bản để không thể hiện cảm xúc trước công chúng.
"Nếu bạn nhìn thấy bà ấy ở các buổi biểu diễn hay sự kiện, bà ấy sẽ theo dõi mọi thứ nhưng không bao giờ vỗ tay", bà Bedell Smith nhận định.
"Mấu chốt ở đây là, nếu bà ấy thể hiện bất cứ sắc thái cảm xúc nào, điều đó sẽ được cho là sự thiên vị đối với một nhóm này so với một nhóm khác. Vì vậy bà ấy đã hoàn thiện vẻ mặt trung lập đó", người viết tiểu sử giải thích.
Đôi khi, nữ hoàng cũng bị chỉ trích vì không biểu hiện cảm xúc, vì điều này có thể được cảm nhận là sự thờ ơ hay vô tâm. Theo nhà quan sát Arbiter, dù có biểu lộ cảm xúc hay không, nữ hoàng sẽ đều bị soi xét, vì vậy cách tốt nhất là không phản ứng.
"Cách tốt nhất để tránh sự chỉ trích là không thể hiện gì cả, nhưng điều đó sẽ cần ý chí phi thường và hàng chục năm luyện tập", bà Arbiter nói thêm.
Hoàng thân Philip, người vừa mất ở tuổi 99, được biết đến là người thể hiện bản thân một cách tự do hơn, ông rất thích đùa và thường trêu đùa mọi người. Nhưng đối với Nữ hoàng Elizabeth II, bà luôn luôn phải thể hiện sự trung lập. "Kỷ luật! Bà ấy luôn luôn thể hiện sự kỷ luật", bà Bedell Smith nhận định.
Hơn nữa, vì lớn lên trong một thế hệ người Anh phải trải qua Thế chiến II, khi mà sự khó khăn, mất mát và nỗi buồn luôn hiện diện, việc không thể hiện cảm xúc là cơ chế ứng phó của mọi người chứ không chỉ riêng mình nữ hoàng.
"Hoàng gia Anh có một câu nói nổi tiếng: 'Đừng khoác nỗi buồn riêng tư vào ống tay áo của công chúng'. Hoàng gia nhận ra rằng rất nhiều người Anh đã phải trải qua sự tồi tệ trong năm qua (vì đại dịch) vì vậy họ sẽ muốn tiếp tục thể hiện quan điểm đó trong đám tang", bà Arbiter nhận xét.
Công chúa Elizabeth và Hoàng thân Philip trong tuần trăng mật của họ vào năm 1947. Ảnh: Getty. |
Nữ hoàng, người đứng đầu Giáo hội Anh, có thể cũng sẽ đưa ra lời tạm biệt cuối cùng với người chồng trong không gian riêng tư ở nhà nguyện, nơi quan tài của ông được đặt kể từ khi hoàng thân qua đời. Sẽ không có máy quay hay truyền hình ở đó.
"Tôi nghĩ trước đám tang, bà ấy sẽ tới nhà nguyện riêng và giành vài phút riêng tư. Đó sẽ là khoảnh khắc tạm biệt thân mật của bà ấy với Hoàng thân Philip, khoảnh khắc của sự tĩnh lặng, suy tư và niềm tin", bà Arbiter nói.
Sau đó, nữ hoàng sẽ lại thể hiện khuôn mặt điềm đạm như thường thấy, và dẫn dắt hoàng gia Anh vượt qua một biến cố lớn khác, như cách mà bà đã làm trong vòng 70 năm qua.