Chuyện thân phận phụ nữ Việt bị đày đọa chẳng thể nào đến hồi kết. Một người bạn Canada đang dạy tiếng Anh ở Việt Nam chép miệng: “Ở nước mình, phụ nữ được cưng lắm. Đụng đàn ông còn tranh cãi, chứ đụng phụ nữ là dính pháp luật ngay đấy”.
Tất nhiên khó so sánh xã hội Canada với Việt Nam, nhưng tâm sự này cũng làm đọng lại tự vấn: Tại sao nhiều phụ nữ Việt phải chịu khổ như vậy?
Trong vụ “tập đoàn” massage Tân Hoàng Phát cưỡng ép cả trăm nữ nhân viên của mình vào công việc mua vui cho đàn ông và cuộc sống địa ngục trần gian, hai cấp tòa xử tới lui chưa xong, lại phải đến phiên tòa nữa để hạch tội, kết tội những kẻ coi thân xác phụ nữ chỉ là công cụ kiếm tiền cho mình.
Nhóm người của "tập đoàn" massage Tân Hoàng Phát tại phiên tòa xét xử. |
Buổi cà phê sáng cuối tuần cứ xoay quanh bàn tán những chi tiết được làm rõ tại tòa: các cô gái bị ông chủ giam lỏng suốt hàng năm trời, một ngày làm việc gần 20 giờ không lương, muốn phạt thì phạt, muốn đánh thì đánh, kể cả nhốt vào chuồng chó, cưỡng ép phá thai...
“Thôi, đừng nói nữa, nghe buồn lắm!” - một đồng nghiệp cắt ngang.
Buổi thư giãn cuối tuần trở nên nặng trĩu. Những chuyện bất hạnh rất cũ nhưng chẳng bao giờ kết thúc của nhiều phụ nữ Việt làm buốt lòng người. Chỉ mở vài trang mạng, lật vài tờ báo giấy là thấy nhan nhản cảnh đời u ám.
Cứ vài hôm ở biên giới phía Bắc, các cô gái mới thoát từ “động quỷ” Trung Quốc, tàn tạ hồi gia, kể những chuyện mà chỉ có nghe tận tai và tận mắt thấy vết tích hằn trên gương mặt, thân thể các cô thì mới tin có thật trên cõi đời này.
Ở Nghệ An, nhiều làng tự dưng hàng loạt thiếu nữ bị mất tích vì rơi vào đường dây buôn bán phụ nữ.
Rồi Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang... chưa bao giờ tạm ngớt chuyện lấy chồng xứ xa, để rồi cứ lâu lâu lại đau đớn nhận tin cô dâu này bị đánh chết ở Hàn Quốc, Trung Quốc, cô dâu nọ nhảy lầu ở Đài Loan.
Đặc biệt, có một clip mà tôi xem cách đây vài năm - các cô gái Việt trần truồng cho đàn ông Hàn, Đài lựa chọn làm vợ - nhưng mỗi lần nghe một chuyện buồn nào đó về phụ nữ Việt thì trong tôi ngay lập tức clip ấy lại hiện lên mồn một!
Tất nhiên, người ta sẽ có lý lẽ như các cô nghèo khó, ít học, nhẹ dạ cả tin, mong muốn đổi đời nhanh...
Vâng, chắc chắn có phần đúng, nhưng không phải là tất cả và thấu tình đạt lý. Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Hãy xem xã hội đã làm được gì cho họ trước khi chê trách?
Thay vì mỗi năm đến hẹn lại treo cao khẩu hiệu “tôn vinh” phụ nữ, tốn tiền bạc cho lễ lạt, hoa lá, diễn văn chúc tụng khuôn sáo, xin hãy suy nghĩ và làm những việc thật hữu ích giúp đỡ hàng chục ngàn thân phận đang chịu khổ sở khắp nơi!
Đó là trách nhiệm của lương tri dân tộc, để không phải cúi mặt ngượng ngùng khi bạn bè nước ngoài hỏi: Tại sao nhiều phụ nữ Việt lại chịu khổ như vậy?