Tuần trước, hệ thống Đại học California với 10 cơ sở trên khắp bang và khoảng 285.000 sinh viên đang theo học, đã quyết định sẽ không còn yêu cầu điểm SAT hoặc ACT như một tiêu chí bắt buộc trong hồ sơ nhập học của các thí sinh.
Động thái này đã làm nóng trở lại những tranh luận về việc SAT và ACT - những kỳ thi vốn được thiết kế ban đầu để đa dạng hoá sinh viên cho các trường thuộc khối Ivy League - liệu nay đã trở thành một công cụ để hợp thức hoá những đặc quyền của giới nhà giàu?
Cơ sở Berkely của Đại học California - hệ thống giáo dục đại học công với 285.000 sinh viên đã không còn yêu cầu điểm SAT hoặc ACT cho quá trình tuyển sinh. Ảnh: AP. |
Bài thi mang tính phân biệt chủng tộc?
Hệ thống Đại học California đã trở thành tổ chức giáo dục đại học lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Mỹ quyết định quay lưng với 2 bài kiểm tra tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng trong quá trình tuyển sinh. Lý do được nêu ra là SAT và ACT khiến cho các học sinh nghèo, da đen và gốc Mỹ Latin gặp bất lợi trong việc bước chân vào giảng đường đại học, so với các nhóm học sinh khác.
Trong vòng một thập kỷ qua ở Mỹ, đã có khoảng 1.230 trường đại học và cao đẳng không còn bắt buộc thí sinh phải có điểm SAT hoặc ACT trong hồ sơ đăng ký, theo FairTest - tổ chức vận động cho việc ngừng sử dụng các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Tuy nhiên ngoại trừ Đại học Chicago, những trường còn lại trong nhóm đều là các cơ sở giáo dục đại học nhỏ.
Câu hỏi bây giờ là với động thái của hệ thống Đại học California - với gần 300.000 sinh viên và tầm ảnh hưởng to lớn trong hệ thống giáo dục đại học Mỹ - liệu ngày mà các học sinh không còn phải lo ôn thi SAT hay ACT sẽ không còn xa?
"Chứng chỉ SAT đã tồn tại khá vững vàng. Nhưng điều này sẽ dẫn đến việc các trường công khác nghĩ rằng: 'Nếu như Đại học California không cần nó, liệu chúng ta có cần nó không?'", ông Terry Hartle, phó chủ tịch của Hội đồng Giáo dục Mỹ, nhận định.
Cán bộ tuyển sinh thường xem xét nhiều dữ liệu trong hồ sơ của thí sinh, chứ không nhất thiết chỉ quan tâm đến điểm các bài kiểm tra. Nhưng nhiều người cho rằng điểm số SAT hay ACT là cần thiết vì trường cần một thước đo bao quát để so sánh các học sinh thuộc nhiều khu vực và tiểu bang khác nhau.
Đối với một số trường đại học lớn, việc loại bỏ tiêu chí điểm SAT hoặc ACT có nghĩa là họ sẽ phải thay đổi toàn bộ cơ chế tuyển sinh - đào tạo lại các cán bộ tuyển sinh, xét lại hồ sơ đăng ký và phải suy nghĩ lại toàn bộ phương pháp chọn lọc.
Các bài kiểm tra tiêu chuẩn sẽ giúp cung cấp thông tin quan trọng bên cạnh việc đánh giá thành tích của học sinh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng điểm SAT và ACT, kết hợp với điểm trung học và một số yếu tố khác, có thể dự báo thành công của học sinh trong môi trường đại học, đặc biệt là trong năm nhất.
Điểm thi SAT từ lâu đã được cho là tiêu chí quan trọng để bước vào cánh cổng các trường đại học Mỹ. Ảnh: AP. |
Điểm SAT và ACT cũng được cho là dự báo tốt hơn khả năng thành công của học sinh so với điểm trung bình môn hồi trung học. Các học sinh da đen hoặc gốc Mỹ Latin cũng được cho là có cơ hội để thể hiện bản thân tốt hơn với 2 bài kiểm tra này, trong trường hợp bảng điểm trung học của họ không cao.
Thế nhưng, những ý kiến phê bình cho rằng dữ liệu điểm số trong hàng thập kỷ của SAT và ACT cho thấy hai bài thi này rõ ràng là có lợi hơn đối với học sinh da trắng và học sinh gốc Á. Trong cuộc tranh luận tại California tuần này, nhiều chuyên gia đã gọi 2 bài thi là "mang tính phân biệt chủng tộc".
Thí sinh sẽ không còn cần SAT và ACT?
Thêm vào đó, họ cũng chỉ ra rằng việc đạt được điểm cao trong bài thi SAT và ACT là hoàn toàn có thể đạt được nếu học sinh bỏ ra hàng nghìn USD cho một khoá ôn thi - điều nằm ngoài tầm với của các gia đình có thu nhập thấp.
Bà Carol Christ, hiệu trưởng của UC Berkeley, từ lâu đã kêu gọi các trường giảm phụ thuộc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn để xét tuyển. Bà trích dẫn vụ bê bối hối lộ gần đây của một số diễn viên nổi tiếng như một trường hợp điển hình, và gọi câu chuyện là "ghê tởm".
College Board, đơn vị độc quyền phụ trách điều hành và tổ chức các kỳ thi SAT, cho biết 55% học sinh gốc Á và 45% học sinh da trắng đạt điểm trên 1200 (tối đa 1800) trong các kỳ thi diễn ra trong năm 2019. Tỷ lệ này ở học sinh gốc Mỹ Latin và học sinh da đen chỉ đạt lần lượt 12% và 9%.
Những người đề xuất sự thay đổi cho rằng sẽ công bằng hơn khi đánh giá học sinh bằng các thước đo khác, chẳng hạn như giới thiệu của giáo viên. Hơn nữa, bài thi SAT từ lâu cũng được coi là không chú trọng đánh giá khả năng sáng tạo của học sinh.
Ông John Perez, chủ tịch hội đồng các nhà quản trị hệ thống Đại học California, cho biết một số cán bộ đại học ở các bang khác đã nói với ông rằng nếu California không còn bắt buộc điểm SAT hoặc ACT thì nhiều khả năng họ sẽ làm điều tương tự.
Đại dịch Covid-19 khiến một số trường đại học Mỹ, trong đó có cả trường trong nhóm Ivy như Cornell, không còn bắt buộc thí sinh phải có điểm SAT hoặc ACT. Ảnh: Cornell University. |
"Tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo đại học công lập khác trong vài tháng qua, và sẽ không ngạc nhiên nếu mọi người cũng chú ý đến câu hỏi này", ông Perez chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên khắp nước Mỹ đã buộc phải trải nghiệm việc tuyển sinh mà không có các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc các đợt thi SAT và ACT phải tạm hoãn, và nhiều trường đại học - bao gồm cả Harvard và Cornell - đã không bắt buộc thí sinh phải có điểm SAT hoặc ACT trong hồ sơ đăng ký năm nay.