Trong văn bản phát hành ngày 2/9, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (NRTA) tuyên bố kiên quyết bài trừ việc nam nghệ sĩ xây dựng hình tượng ẻo lả, nữ tính. Tuy nhiên, trong văn bản của NRTA, từ chính xác được sử dụng là "nương pháo".
Cụm từ "nương pháo" là từ không phổ biến, mang tính đặc thù của showbiz Hoa ngữ. Không chỉ "nương pháo", ngành giải trí Trung Quốc còn có nhiều từ ngữ mang tính đặc thù khác. Những từ ngữ này chỉ áp dụng tại thị trường đất nước tỷ dân, ít khi tìm được từ thay thế hoàn toàn chính xác trong tiếng Việt hoặc từ tiếng Anh nằm trong sự hiểu biết của người hâm mộ nghệ sĩ Hoa ngữ.
Nương pháo là gì?
"Nương pháo" nhận được nhiều sự chú ý của khán giả Việt sau vụ việc NRTA cấm nghệ sĩ nam có hình tượng ẻo lả. Đây không phải lần đầu truyền thông Trung Quốc lên tiếng về vấn đề này. Năm 2018, Tân Hoa Xã cũng từng phê bình những nghệ sĩ xây dựng hình tượng "nương pháo".
"Nương pháo" là thuật ngữ xuất hiện từ năm 2007, nhằm chỉ những người đàn ông có cách cư xử, tính cách hay thậm chí phong cách nói chuyện giống con gái.
Lưu Vũ (INTO1) được nhận định là người theo đuổi hình tượng "nương pháo" rõ rệt nhất ở showbiz Hoa ngữ thời điểm hiện tại. |
Cụm từ trên ám chỉ về mặt tính cách, cử chỉ, không liên quan đến ngoại hình có thiên về hướng nữ tính hay không. Tức là đàn ông có ngoại hình bụi bặm, khỏe khoắn, nhưng cách cư xử thất thường, tính cách yếu mềm, dễ khóc... như con gái, họ vẫn có thể bị gọi là "nương pháo".
Đây cũng không phải từ thuần túy ám chỉ người thuộc cộng đồng LGBT. Theo cách dùng của giới trẻ Trung Quốc, trai "thẳng" (đàn ông chỉ nảy sinh tình cảm với phụ nữ) vẫn có thể là một "nương pháo".
Khái niệm "nương pháo" được cho là xuất phát từ bộ phim thần tượng Đài Loan Tôi muốn trở thành trái hồng giòn (2007). Trong phim, nam chính có tính cách nhút nhát, yếu đuối, nên bị nữ chính chê là "tính cách nương pháo". Từ đó, cụm từ này phổ biến trong cộng đồng giới trẻ, sau dần trở thành từ ngữ được sử dụng cả trên mặt báo.
Tuy nhiên, theo thời gian, thuật ngữ "nương pháo" dần bị biến tướng, nhiều người dùng từ này để ám chỉ những cá nhân bị đánh giá là ẻo lả về mặt ngoại hình.
Thậm chí, từ này còn trở thành một từ mang ý nghĩa miệt thị, có ý xấu. Vào ngày 29/7/2017, báo Nhân dân (phiên bản điện tử) từng đăng bài viết liệt kê "nương pháo" vào danh sách những từ có tính phân biệt giới tính, khuyên khán giả không nên lạm dụng cách nói này.
Hồ Diệp Thao (thí sinh Sáng tạo doanh 2021) công khai theo đuổi hình tượng nữ tính, để tóc dài, sơn móng tay, trang điểm... |
Lưu lượng - Đỉnh lưu
Một thuật ngữ showbiz Hoa ngữ khác cũng khó tìm từ thay thế trong tiếng Việt là "lưu lượng". Dịch theo mặt chữ, "lưu lượng" là từ chỉ dòng chảy của sự nổi tiếng, sức hút với khán giả và trên mạng xã hội của một nghệ sĩ.
Khái niệm lưu lượng ra đời vào giai đoạn 2013-2014, khi showbiz Hoa ngữ đang chuyển mình, xuất hiện nhiều ngôi sao trẻ trung, ngoại hình đẹp, hút fan.
Với người hâm mộ showbiz Hoa ngữ, không phải diễn viên trẻ nào cũng là lưu lượng, và phần lớn các "tiểu thịt tươi" (từ chỉ sao nam đẹp trai) cũng chưa đủ điều kiện để trở thành lưu lượng. Để trở thành lưu lượng, nghệ sĩ cần hội tụ nhiều yếu tố, số nghệ sĩ được gọi là lưu lượng chỉ chiếm thiểu số.
Các lưu lượng thông thường đều bùng nổ danh tiếng nhờ một bộ phim, nhanh chóng nổi tiếng, từ đó thu hút rất nhiều quảng cáo, hoạt động mang lại lợi ích kinh tế, số lượng hoạt động quảng cáo này vượt trội hơn hẳn các diễn viên thông thường.
Ngoài ra, điều kiện tiên quyết là nghệ sĩ lưu lượng phải có cộng đồng fan trung thành đông đảo. Người hâm mộ giúp các ngôi sao nâng cao thành tích ở nhiều mảng như lượt xem phim, doanh số hàng hóa, "cày" số liệu ở các bảng xếp hạng yêu cầu bình chọn...
Dương Mịch, Triệu Lệ Dĩnh, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Tử là bốn nữ diễn viên đỉnh lưu của showbiz Hoa ngữ hiện nay. |
Nhờ cộng đồng người hâm mộ này, nghệ sĩ lưu lượng luôn là tên tuổi được các nhãn hàng ưu tiên khi chọn người mẫu đại diện sản phẩm. Thậm chí, chính các nhà làm phim cũng có xu hướng mời lưu lượng đóng phim để giúp tác phẩm có lượt xem cao, từ đó thu hút quảng cáo từ các thương hiệu.
Do đó, khó có thể tìm từ chính xác và đủ nghĩa để thay thế lưu lượng trong tiếng Việt.
Trong định nghĩa "lưu lượng" còn xuất hiện một thuật ngữ nhỏ hơn là "đỉnh lưu". Nói đơn giản, "đỉnh lưu" chính là những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất trong số các nghệ sĩ lưu lượng.
Tính tới hiện tại, chỉ có một nhóm nhỏ nghệ sĩ được khán giả Trung Quốc công nhận là đỉnh lưu. Về phía nghệ sĩ nữ, các đỉnh lưu gồm Dương Mịch, Triệu Lệ Dĩnh, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Tử.
Về phía nam, "tứ đại đỉnh lưu" là thế hệ đỉnh lưu nam đầu tiên tại showbiz Hoa ngữ, gồm Lý Dịch Phong, Dương Dương, Ngô Diệc Phàm, Lộc Hàm. Sau đó, ba thành viên nhóm TFBoys là Dịch Dương Thiên Tỉ, Vương Tuấn Khải, Vương Nguyên là thế hệ đỉnh lưu tiếp theo. Ba người được gọi chung bằng cụm từ "tam tiểu".
Năm 2018, ca sĩ Thái Từ Khôn và diễn viên Chu Nhất Long trở thành thế hệ đỉnh lưu nam thứ ba, được gọi là "song đỉnh".
Một năm sau, Vương Nhất Bác, Tiêu Chiến và Lý Hiện vụt sáng trở thành ngôi sao đỉnh lưu nhờ hai bộ phim Trần tình lệnh và Cá mực hầm mật. Nhóm ba diễn viên nổi tiếng vào năm 2019 được khán giả gọi chung bằng cụm từ "tam bạo", trong đó "bạo" mang nghĩa bạo phát, bùng nổ về danh tiếng.
Các nam nghệ sĩ đỉnh lưu của Trung Quốc hiện nay có thể kể đến Dương Dương, Dịch Dương Thiên Tỉ, Thái Từ Khôn, Chu Nhất Long, Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác... |
Lam huyết - Hồng huyết
Ở môi trường giải trí có tính cạnh tranh khốc liệt như Trung Quốc, danh tiếng và giá trị thương mại của nghệ sĩ có liên hệ mật thiết tới mảng thời trang. Nghệ sĩ càng nổi tiếng, địa vị trong giới giải trí càng cao, càng có cơ hội nhận nhiều tài nguyên thương mại về thời trang.
Không chỉ tại Trung Quốc, nhìn chung ngành giải trí thế giới đều dễ dàng nhận ra sự thật rằng chỉ những ngôi sao nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất mới có cơ hội làm việc với các thương hiệu thời trang cao cấp.
Song song với sự phát triển của giới nghệ sĩ và showbiz, ngành công nghiệp thời trang xa xỉ tại đất nước tỷ dân cũng sớm trở thành một "đế chế" với những khái niệm riêng. Trong đó, khái niệm đang có xu hướng phổ biến vượt phạm vi Trung Quốc là hai từ "lam huyết" và "hồng huyết".
Trong cuốn sách The Bling Dynasty: Why the Reign of Chinese Luxury Shoppers Has Only Just Begun xuất bản năm 2014 tác giả Erwan Rambourg đã đưa ra kim tự tháp phân loại các thương hiệu xa xỉ.
Theo kim tự tháp trên, phân khúc cao cấp nhất, Bespoke (hàng đặt làm riêng theo yêu cầu chủ sản phẩm), Ultra High End, Superpremium hay Premium Core là những dòng sản phẩm đắt tiền nhất, chỉ dành cho giới siêu giàu. Tuy nhiên, sản phẩm được xếp vào phân khúc này chủ yếu là trang sức, đồng hồ cao cấp và một số mặt hàng làm theo yêu cầu riêng, không có sự xuất hiện của quần áo.
Angelababy có biệt danh "Miss Dior", và được ưu ái cho mặc Dior Archives - những thiết kế làm nên tên tuổi cho hãng và do chính Christian Dior tạo ra trong giai đoạn năm 1947-1957. |
Các thương hiệu thuần về trang phục được xếp hạng cao nhất trong kim tự tháp có thể kể tới Gucci, Chanel, Prada, Louise Vuitton... và đều thuộc phân khúc Accessible Core - tức phân khúc nằm dưới Premium Core.
Các thương hiệu trên đều được xem là có thứ hạng cao nhất trong lĩnh vực may mặc. Từ đây, giới mộ điệu thời trang tại Trung Quốc tiếp tục phân những hãng cao cấp nhất ra thành "lam huyết" và "hồng huyết", hai khái niệm này được sử dụng tại Trung Quốc, không phải từ chung cho ngành thời trang thế giới.
"Lam huyết" có từ tiếng Anh tương ứng là Blue chip brand, gồm 6 thương hiệu: Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Prada, Calvin Klein Collection (tên gọi tắt CKC).
"Lục đại lam huyết" được xem là những thương hiệu thời trang có quy mô quảng bá lớn nhất, đồng thời mang lại giá trị thương mại cao nhất cho nghệ sĩ hợp tác.
Các nghệ sĩ châu Á hiện nay đều phải tiếp xúc với thương hiệu trong thời gian dài, sử dụng trang phục, tham gia quảng bá sản phẩm và dự buổi trình diễn... trong vài năm mới được các nhãn hàng "lam huyết" trao danh hiệu đại sứ thương hiệu.
"Lục đại lam huyết" cũng được nhận định là những nhãn thời trang yêu cầu khắt khe nhất trong việc chọn đại sứ thương hiệu.
Ở cấp thấp hơn "lục đại lam huyết" là 8 thương hiệu "hồng huyết", gồm Givenchy, Giorgio Armani, YSL (Yves Saint Laurent), Valentino, Versace, Hermes, Lanvin, Burberry.
Khán giả Trung Quốc gọi nhóm thương hiệu này là "bát đại hồng huyết". Hiện nay, có thêm ba thương hiệu được xếp vào hàng "hồng huyết", đó là Dolce&Gabbana, Fendi, Balenciaga.
Khái niệm "lam huyết" - "hồng huyết" không phải tiêu chuẩn tuyệt đối, cũng không phải khái niệm đại chúng trong toàn bộ giới thời trang toàn cầu.
Với ngành thời trang xa xỉ tại Trung Quốc, hai khái niệm trên ra đời để tính toán, phân loại mức độ phát triển và danh tiếng của người mẫu, nghệ sĩ khi hợp tác cùng nhãn hiệu.
Phân biệt dễ hiểu hơn, các nghệ sĩ hợp tác với thương hiệu "lam huyết" được xem như nâng tầm danh tiếng, địa vị, và được hỗ trợ về mặt tài nguyên thương mại nhiều hơn những nghệ sĩ ký hợp đồng với thương hiệu "hồng huyết".
Châu Tấn được mệnh danh là "nàng thơ phương Đông" của Chanel, được NTK huyền thoại Karl Lagerfeld ưu ái. |