Tại Mỹ, lốc xoáy thường ít xảy ra vào tháng 12, nhưng đó không phải là chuyện không thể. Đợt lốc xoáy cuối tuần qua là ví dụ điển hình. Hàng chục trận lốc càn quét các bang vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ, khiến số người thiệt mạng thậm chí có thể vào khoảng 100.
“Thật đáng ngạc nhiên và không thể tin nổi”, giáo sư Victor Gensini, chuyên gia về khí tượng tại Đại học Bắc Illinois, nói với AP.
Yếu tố thời tiết, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm không khí hay hiện tượng La Nina, là nguyên nhân trực tiếp của trận lốc xoáy lịch sử này. Trong khi đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu liệu biến đổi khí hậu có khiến các trận lốc xoáy nguy hiểm hơn hay không.
Lốc xoáy được tạo ra thế nào?
Lốc xoáy là các cột khí cao, xoáy tít theo chiều thẳng đứng từ trên không trung xuống mặt đất. Được hình thành từ những cơn dông, chúng có tốc độ di chuyển cao và phá hủy mọi chướng ngại vật trên đường di chuyển.
Lốc xoáy sinh ra khi các khối khí nặng hơn, khô hơn và lạnh hơn ở bên trên, tạo áp lực lên các khối khí ấm hơn và ẩm hơn khi bầu khí quyển trong trạng thái không ổn định. Khi đó, khối khí ấm ở bên dưới sẽ di chuyển lên trên. Do tác động của gió, khối khí sẽ bắt đầu xoay tròn.
Quang cảnh thị trấn Mayfield, bang Kentucky, Mỹ sau khi bị trận lốc tràn qua. Mayfield là địa điểm bị tàn phá nặng nề nhất bởi trận lốc xoáy đêm 10/12. Ảnh: AP. |
Khi sức gió và hướng gió thay đổi, khối khí sẽ có đủ sức quay để trở thành một trận lốc xoáy. “Đó là điều vừa xảy ra cuối tuần qua”, giáo sư khí tượng học Paul Markowski tại Đại học Bang Pennsylvania nói.
Sự khác biệt về hướng và tốc độ gió trên các tầng độ cao được nhận thấy rõ vào mùa đông, do sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất không khí.
Tuy vậy, không khí mùa đông thường ổn định hơn. Do đó, lốc xoáy thường xảy ra vào mùa xuân, khi không khí ấm và ẩm.
Mỹ là quốc gia hứng chịu nhiều trận lốc xoáy nhất thế giới. Trung bình mỗi năm nước này phải hứng chịu khoảng 1.200 trận lốc xoáy, theo Cơ quan Hải dương và Khí tượng Quốc gia Mỹ (NOAA).
Tại sao trận lốc vừa qua khủng khiếp như vậy?
Tháng 12 năm nay, thời tiết ở vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ khá giống với mùa xuân. Nhiệt độ và độ ẩm không khí vẫn ở mức cao. Không khí ẩm và ấm khiến bầu khí quyển không ổn định, tạo điều kiện cho những trận lốc xoáy mạnh hình thành.
Hiện tượng La Nina cũng chịu một phần trách nhiệm trong việc này. Tuy vậy, các nhà khoa học cảnh báo những mùa đông ấm áp sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi Trái Đất nóng lên.
“Kịch bản tồi tệ nhất đã xảy đến. Đó là không khí ấm trong mùa lạnh, lại còn vào giữa đêm khuya”, ông John Gordon, một nhà khí tượng của Cơ quan Dự báo Thời tiết Mỹ tại thành phố Louisville, bang Kentucky, nói.
Thông thường, lốc xoáy sẽ dần biến mất khi cơn dông bên trên yếu đi. Quá trình này thường diễn ra trong vài phút. Tuy vậy, khi điều kiện gió ở các tầng độ cao chênh lệch ở mức lớn, lốc xoáy được tiếp thêm năng lượng và tiếp tục tồn tại.
Các trận lốc đêm 10/12 kéo dài đến hàng giờ đồng hồ.
Một cơn lốc đã di chuyển khoảng 322 km, gần phá kỷ lục 352 km được ghi nhận năm 1925.
“Để có độ dài lớn như vậy, cơn lốc phải di chuyển với tốc độ rất cao. Tốc độ của cơn lốc trên đã vượt mốc 80 km/giờ trong hầu hết thời gian tồn tại”, giáo sư Gensini nhận định. “Đây là chuyển động ‘cao tốc’ của một cơn bão”.
Một người đàn ông tại thị trấn Mayfield đứng bên căn nhà đổ nát. Ảnh: AP. |
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến lốc xoáy?
Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và các trận lốc xoáy tại Mỹ vẫn đang là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học. Đây không phải là điều dễ dàng, khi các hệ quả của biến đổi khí hậu nhiều khi tạo ra tác động đối nghịch nhau. Bên cạnh đó, chỉ khoảng 10% số trận dông lớn gây ra lốc xoáy, khiến việc so sánh thêm phần khó khăn.
Tuy vậy, giới khoa học Mỹ nhận thấy các cơn dông đang có sự thay đổi khi Trái Đất nóng lên. Theo giáo sư Gensini, tần suất xảy ra các trận dông lớn đang ngày một dày. Không khí mùa đông có chiều hướng ấm hơn, khiến kiểu thời tiết này càng dễ xuất hiện.
Chung quan điểm, ông Harold Brooks, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lốc xoáy tại Viện Bão Quốc gia Mỹ, nhận định nước Mỹ có thể phải chứng kiến nhiều trận lốc xoáy hơn vào mùa đông khi nhiệt độ có xu hướng gia tăng.
Ngược lại, ông nhận định tần suất bão vào mùa hè sẽ giảm.
Theo giáo sư Jason Furtado tại Đại học Oklahoma, vị trí thường xảy ra những trận lốc xoáy lớn cũng có sự chuyển dịch về hướng đông, đến khu vực thung lũng sông Mississippi. Hiện tượng này gây ra bởi sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm và tình trạng gió.
“Cư dân ở thung lũng sông Mississippi và thung lũng sông Ohio sẽ phải đối mặt với nhiều cơn bão hơn trong tương lai”, ông nói.