Ngày 16/12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về nguyên nhân nhiều máy bay bị phát hiện rách lốp sau khi cất/hạ cánh tại sân bay Nội Bài, một cán bộ lãnh đạo công tác trong ngành hàng không cho biết việc rách lốp xảy ra có nhiều nguyên nhân, có thể nguyên nhân xuất phát là từ điểm đi hoặc điểm đến.
Mỗi ngày tại sân bay Nội Bài có khoảng 550 chuyến bay đến và đi. Hiện nay, tại sân bay Nội Bài có 32 hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác thường xuyên đến 15 tỉnh, thành phố trong nước và 34 vùng lãnh thổ, thành phố trên thế giới.
Với tải trọng của máy bay lên tới hàng trăm tấn và tốc độ cao khi cất/hạ cánh, chỉ sự tác động của một viên sỏi như đầu bút bi cũng có thể gây ra vết rách trên lốp.
Xử lý lốp máy bay gặp sự cố. Ảnh minh họa: Dương Ngọc |
Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là do cao su bị lão hóa. Những sự cố như thế này xảy ra khá thường xuyên trong ngành hàng không, không chỉ ở Việt Nam mà khá thường xuyên cả ở các sân bay nước ngoài. Và những sự cố loại này cũng không gây ảnh hưởng gì đến an toàn.
Lý giải về việc sự cố rách lốp được phát hiện tại sân bay Nội Bài xảy ra phần lớn với máy bay của Vietnam Airlines, vị này cho rằng là do lượng cất/hạ cánh của máy bay Vietnam Airlines tại đây nhiều hơn, số đường bay cũng nhiều hơn.
Được biết, nhiều lần sau khi thợ máy phát hiện lốp có vết rách, Trung tâm khai thác khu bay đã phối hợp với hãng, Cảng vụ Hàng không miền Bắc kiểm tra lộ trình của máy bay song không phát hiện bất thường. Vị này cho biết nếu sau mỗi sự cố như thế này mà có vật ngoại lai hiện hữu thì là mất an toàn, nhưng những trường hợp này đã tìm và không có.
Tuy nhiên, bên ngoài các đường băng còn diện tích mặt đất, có thể những vật nhỏ bị gió thổi từ ngoài vào; có thể khe co giãn bêtông cũng ảnh hưởng, nhưng chưa uy hiếp đến an toàn bay.
Hoạt động trên hạ tầng khu bay hàng ngày, hàng đêm khá "nhộn nhịp" nên nhiều khi cũng khó tránh khỏi các vật ngoại lai như các trang thiết bị của phương tiện, việc sửa chữa, bảo dưỡng… Hàng ngày lực lượng chức năng đều có quy trình đi kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất đường băng. Bên cạnh đó, việc xuất hiện các vật ngoại lai (FOD) trên đường cất hạ cánh được theo dõi thường xuyên bởi hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại đây.
Mới đây, hệ thống camera cũng đã phát hiện nghi ngờ có vật ngoại lai gần tim trên đường cất hạ cánh, sau đó qua kiểm tra thực tế, phát hiện và thu gom một miếng kim loại chất liệu nhôm, kích thước 50 x 15 cm nghi là bộ phận của máy bay. Tuy nhiên, sau đó, chưa hãng hàng không nào nhận đó là linh kiện/bộ phận của máy bay hãng mình. Nhà chức trách hàng không vẫn đang tiếp tục phối hợp với các bên tiến hành xác minh, điều tra sự việc này theo quy định.
Gần đây, những sự cố phát hiện lốp máy bay bị rách sau khi cất/hạ cánh tại sân bay Nội Bài vẫn thường xuyên xảy ra, mỗi tuần 1-3 vụ. Theo một nguồn tin, các sự cố liên quan đến lốp máy bay chủ yếu vẫn rơi vào máy bay của Vietnam Airlines (chiếm 90%), các hãng khác bị rất ít (VietJet khoảng 5% số vụ, 5% còn lại thuộc các hãng khác).
Các hãng nước ngoài hầu như không phát hiện bị rách lốp. Trong đó, gần đây nhất, chiều 11-12, máy bay Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines khi thực hiện chặng bay từ TP.HCM về Hà Nội khi hạ cánh tại Nội Bài, thợ máy đã phát hiện lốp số 6 bị 1 chiếc đinh dài 0,5 cm găm vào. Máy bay đã phải thay lốp để tiếp tục thực hiện chuyến bay tiếp theo.