Xích mích lớn dần giữa Machiavelli và Salviati cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ giới cầm quyền Florence giữa phe quý tộc, đứng đầu là những người như Salviati - trong đó có nhiều kẻ vẫn giữ mối liên hệ với vương triều cũ nhà Medici - và phe của người đứng đầu nhà nước hiện tại, vốn ngày càng bị đồng nhất với phái dân túy.
Ban đầu Salviati ủng hộ Soderini, nhưng sau đó đã vỡ mộng khi vị này có nhiều chính sách - đặc biệt là về thuế - khiến ông ta tin rằng vị này ưu ái phe dân túy hơn là những gia tộc quyền thế như dòng họ của mình. Điều này có nghĩa là Machiavelli, người ngày càng được nhìn nhận là cánh tay của Soderini, bị mắc kẹt giữa các bằng hữu cũ và ông chủ hiện tại.
Chân dung Machiavelli - tranh của họa sĩ Antonio Maria Crespi. |
Kế hoạch nắn dòng Arno sụp đổ cũng đã khiến phe quý tộc chống đối người đứng đầu chính quyền Florence mạnh mẽ hơn, phần lớn là vì số tiền đổ vào dự án này đi ra từ túi của họ.
Về phần mình, Machiavelli đã chán ngấy những người bảo trợ cũ. Bài diễn văn với “một vài phát biểu về việc gia tăng ngân sách quốc gia, sau lời nói đầu vắn gọn và đôi lời giải thích” nhắm thẳng vào những người như Salviati, cứ mỗi khi thấy lợi ích bị đe dọa thì lòng yêu nước cũng ngay lập tức phai nhạt.
Với sự chia bè rẽ phái rõ ràng trong chính quyền, có thể xác định được Machiavelli, người có tính chính trị nhất, đứng ở đâu. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để ghim chặt ông ở phe phái nào. Trước câu hỏi về thuế và việc tiếp tục gây chiến với Pisa, ông vẫn đứng về phe Soderini, nhưng lời đề tặng Alamanno Salviati vào năm 1504 cho bài thơ Thập niên Đầu tiên cho thấy ông đã không chặt đứt cây cầu với phe quý tộc.
Kiểu nửa nọ nửa kia như thế này có thể được quy một phần cho địa vị của Machiavelli, vốn phụ thuộc vào những người đàn ông quyền lực và buộc phải chăm chút để nhận được ân huệ của họ.
Machiavelli là một viên quan có tài, sẵn lòng phục vụ bất cứ bên nào đang chiếm thế thượng phong, bất kể ý thức hệ. Tuy nhiên đây không phải là chủ nghĩa cơ hội đơn thuần.
Machiavelli đã thể hiện các đặc tính của một viên chức dân sự, cống hiến cho khái niệm trừu tượng về một nhà nước cùng những lợi ích mà ông coi trọng hơn cả lòng trung thành đối với một cá nhân hoặc một đảng phái.
Kiểu gió chiều nào che chiều ấy về mặt ý thức hệ của Machiavelli là kết quả từ lòng yêu nước mãnh liệt. Là bề tôi của nền cộng hòa, ông vẫn duy trì sự tách biệt nhiều nhất có thể khỏi đấu đá chính trị, và trong khi những người bảo trợ vẫn giữ lòng trung với các gia tộc hùng mạnh đã sinh ra họ, Machiavelli ưa thích những người mà ông tin rằng họ đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.
Ngay từ đầu, ông đã đi theo phe quý tộc khi họ đưa ra cơ hội tốt nhất để khôi phục nền cộng hòa sau sự quá đáng của Savonarola, nhưng sau đó đã tự giữ khoảng cách khi sự phản đối ích kỷ của họ với các khoản thuế tăng thêm đe dọa tới các nỗ lực gây chiến.
Nhờ sự linh hoạt mang tính chiến thuật này, điều đã khiến nhiều thế hệ nhà phê bình giận dữ, coi Machiavelli là một người đàn ông không có nguyên tắc, ông không bao giờ đánh mất mục tiêu cơ bản - bảo vệ và thúc đẩy sự nghiệp của Cộng hòa Florence và nhân dân Italy.