Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao lại có tình dục

Trước hết, tại sao lại có tình dục? Bá tước Chesterfield ghi chép về tình dục như sau: “Khoái cảm thì ngắn ngủi, tư thế thì lố bịch và cái giá phải trả thật đáng nguyền rủa”.

Tri oc van hanh anh 1

Tranh Người chăn thuê (1851) của William Holman Hunt (1827-1910).

Nói về khía cạnh sinh học, cái giá phải trả quả thực là đáng nguyền rủa, vậy tại sao hầu hết sinh vật phức tạp đều sinh sản hữu tính? Tại sao phụ nữ không sinh sản vô tính ra chỉ toàn con gái là bản sao của chính họ, thay vì lãng phí nửa số lần mang thai của mình để sinh ra con trai, kẻ thiếu bộ máy sinh sản và chỉ là người hiến tinh trùng?

Tại sao con người và các sinh vật khác đổi nửa bộ gen của mình để lấy gen của một thành viên khác trong loài, tạo ra sự đa dạng trong con cháu mình chỉ vì mục đích đa dạng? Không phải để tiến hóa nhanh hơn, vì các sinh vật được chọn lọc để phù hợp với điều kiện hiện tại. Không phải để thích nghi với những thay đổi trong môi trường, vì một thay đổi ngẫu nhiên trong một sinh vật đã thích nghi sẵn nhiều khả năng sẽ là tệ hơn chứ không tốt hơn, vì có vô số cách để trở nên kém thích nghi thay vì thích nghi tốt.

Lý thuyết thích hợp nhất, được John Tooby, William Hamilton và những người khác đề xuất và hiện nay được nhiều loại bằng chứng ủng hộ, nói rằng tình dục là một hình thức đấu tranh chống lại ký sinh trùng và mầm bệnh (những vi sinh vật gây bệnh).

Từ góc nhìn của các mầm bệnh, bạn là một núi bánh bông lan phô-mai ngon lành, nằm đó chỉ để chúng hưởng thụ. Cơ thể bạn có quan điểm khác, và tiến hóa ra một đội quân để tự vệ gồm từ da đến hệ miễn dịch để ngăn chặn hoặc tiêu diệt mầm bệnh.

Một cuộc chạy đua vũ trang tiến hóa cũng diễn ra giữa vật chủ và mầm bệnh tương tự như cuộc cạnh tranh giữa thợ làm khóa và kẻ phá khóa. Các mầm bệnh là rất nhỏ. Chúng còn tiến hóa ra các mánh khóe hiểm ác để xâm nhập và chiếm đoạt bộ máy của các tế bào, để hớt tay trên các nguyên liệu thô, và để đánh lừa cơ thể rằng chúng là các mô bên trong, hòng thoát khỏi sự giám sát của hệ miễn dịch. […]

Nếu một sinh vật sinh sản vô tính thì một khi mầm bệnh bẻ gãy cơ chế bảo vệ của cơ thể, chúng cũng sẽ bẻ gãy cơ chế bảo vệ của anh chị em và con cháu của sinh vật đó. Sinh sản hữu tính là một cách thay đổi khóa bảo vệ mỗi thế hệ một lần. Bằng cách đổi nửa lượng gen để lấy một nửa khác, sinh vật giúp con cái của nó dẫn trước trong cuộc đua chống lại các mầm bệnh cục bộ. […]

Tình dục đặt ra câu hỏi thứ hai. Tại sao chúng ta chia thành hai giới tính? Tại sao chúng ta tạo ra một trứng lớn và rất nhiều tinh trùng nhỏ, thay vì hai tế bào bằng nhau và hợp nhất lại như thủy ngân? Đó là vì tế bào sẽ phát triển thành một đứa bé không thể chỉ là một túi gen, nó còn cần cả bộ máy trao đổi chất.

Trong bộ máy đó có ti thể, và ti thể có gen riêng của nó, chính là ADN ti thể nổi tiếng rất hữu ích trong việc xác định thời điểm phân chia loài trong tiến hóa. Giống như mọi gen khác, gen 1 ti thể được chọn lọc để nhân bản không ngừng. Và đó là lý do tại sao một tế bào được hình thành bởi hai tế bào tương đương nhau sẽ gặp rắc rối.

Ti thể của một bên (cha hoặc mẹ) và ti thể của bên còn lại sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh dữ dội để tồn tại trong tế bào hợp nhất đó. Ti thể từ một bên sẽ giết chết ti thể từ bên kia, khiến tế bào hợp nhất bị thiếu năng lượng ở mức nguy kịch. Các gen còn lại của tế bào (các gen trong nhân tế bào) phải chịu đựng tổn thất này, do vậy chúng tiến hóa nên một cách để ngăn chặn cuộc chiến tương tàn này.

Trong mỗi cặp cha mẹ, một bên “đồng ý” đơn phương tử bỏ ti thể của mình. Nó đóng góp một tế bào không có bộ máy trao đổi chất mà chỉ có ADN để kiến tạo nên nhân mới. Loài này sinh sản bằng cách kết hợp một tế bào lớn chứa một nửa bộ gen cộng với bộ máy trao đổi chất cần thiết với một tế bào nhỏ chỉ chứa một nửa bộ gen mà không có bộ máy trao đổi chất.

Tế bào lớn được gọi là trứng và tế bào nhỏ được gọi là tinh trùng Khi sinh vật đã thực hiện bước đầu tiên, sự phân hóa các tế bào giới tính chỉ có thể leo thang mà thôi. Tinh trùng nhỏ và ít giá trị, vì thể sinh vật có thể phải tạo ra rất nhiều tinh trùng và cho chúng một bộ phận vận động gắn ngoài để nhanh chóng tới chỗ trứng, cùng một cơ quan để phóng chúng đi.

Trứng lớn và rất giá trị, vì vậy sinh vật nên cho chúng khởi đầu tốt đẹp hơn bằng cách bao bọc chúng bởi dưỡng chất và vỏ bảo vệ. Điều đó khiến trứng càng quý giá hơn, vì vậy để bảo vệ sự đầu tư, sinh vật tiến hóa nên những cơ quan giúp trứng đã thụ tinh phát triển trong cơ thể và hấp thu nhiều thức ăn hơn nữa, cũng như sinh ra con cái chỉ khi nó đã đủ lớn để sinh tồn.

Những cấu trúc này được gọi là cơ quan sinh sản đực và cái. Một vài động vật, như các loài lưỡng tính, có cả hai loại cơ quan sinh sản trên một cá thể, nhưng các loài chuyên hóa sâu hơn và chia thành hai loại, mỗi cá thể phân bổ tất cả các mô sinh sản vào một trong hai kiểu cơ quan. Chúng được gọi là giống đực và giống cái.

Trivers đã xác định được các khác biệt rõ rệt giữa giống đực và giống cái xuất phát ra sao từ sự khác nhau trong mức đầu tư tối thiểu vào con cái. Nhớ lại rằng đầu tư là bất kỳ điều gì cha hoặc mẹ làm để tăng cơ hội sống sót của con cái trong khi làm giảm khả năng sinh ra con cái có khả năng sống sót khác của chính mình.

Sự đầu tư này có thể là năng lượng, dinh dưỡng, thời gian, hay rủi ro. Theo định nghĩa, sinh vật giống cái bắt đầu với khoản đầu tư lớn hơn (tế bào sinh dục lớn hơn), và ở hầu hết loài, dâng hiến bản thân mình nhiều hơn.

Con đực chỉ đóng góp một túi gen nhỏ bé và thường dừng lại ở đó. Vì tất cả các con non đều cần cả hai sự đầu tư trên, nên đóng góp của con cái là bước giới hạn số lượng con non có thể sinh ra: tối đa là một con cho mỗi trứng mà nó tạo ra và nuôi dưỡng.

Sự khác biệt này sinh ra hai dòng hệ quả. Thứ nhất, một con đực có thể thụ tinh rất nhiều con cái, khiến các con đực khác không có bạn tình. Điều này tạo nên sự cạnh tranh giữa các con đực để tiếp cận con cái. […]

Thứ hai, thành công trong sinh sản của con đực phụ thuộc vào số lượng con cái nó kết đôi, nhưng sự thành công trong sinh sản của con cái không phụ thuộc vào số lượng con đực nó kết đôi. Điều đó khiến con cái chọn lựa kỹ hơn.

Con đực tán tỉnh con cái và kết đôi với bất kỳ con cái nào đồng ý. Con cái nghiên cứu kỹ con đực và chỉ kết đôi với con đực tốt nhất: con đực có gen tốt nhất, con đực tự nguyện và có khả năng nuôi dưỡng, bảo vệ con non nhất, hoặc con đực mà các con cái khác có vẻ ưa thích.

Steven Pinker / ETS - Alpha Books / NXB Thế giới

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.