Ngày 26/8, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP, xử phạt tăng từ 2-3 lần đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu. Nghị định này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung sản phẩm xách tay, trong đó có iPhone.
Đáng chú ý, nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10, cũng là thời điểm những chiếc iPhone thế hệ mới đầu tiên về nước.
Những cảnh tượng mua bán iPhone xách tay như này sẽ dần khan hiếm trong tương lai. |
Nhiều loại thuế trên một chiếc iPhone
Thông thường, một chiếc iPhone sẽ phải chịu 2 loại thuế: thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
"Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chịu các loại thuế có liên quan đến doanh thu như GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (khoảng 20%), thuế thu nhập cá nhân (của chủ sau khi công ty chia lợi nhuận hoặc phát lương). Ngoài ra, còn có các chi phí khác nhưng thường không được doanh nghiệp công bố", một chuyên gia về thuế chia sẻ với Zing.
Thuế nhập khẩu được xác định theo mã HS (mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới). Theo thông tư 65/2017/TT-BTC, mã số của điện thoại di động là 8517.12.00. Tương ứng với mã này, theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi tại nghị định 122/2016/NĐ-CP, thuế nhập khẩu của smartphone là 0%.
"Nếu iPhone được nhập từ các quốc gia thực hiện quy chế tối huệ quốc (MFN) với Việt Nam như Mỹ, Singapore, Hong Kong, thiết bị sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Thực tế, đây cũng là các thị trường thường được đầu nậu gom hàng. Với các nước không áp dụng MFN, mức thuế là 5%", vị chuyên gia cho biết.
Theo dữ liệu từ Market Access Map, có khoảng 67 quốc gia không áp dụng MFN với Việt Nam.
iPhone chính hãng sẽ "một mình một cõi" khi iPhone xách tay không còn. |
Tuy nhiên, smartphone lại không phải mặt hàng được miễn thuế GTGT. Theo điều 11, thông tư 219/2013/TT-BTC, điện thoại di động chịu thuế suất 10%. Thuế này thu theo hình thức gián thu. Nghĩa là, người mua sẽ chịu tiền thuế thay cho người bán.
Lấy ví dụ, mẫu iPhone 11 Pro Max 512 GB màu vàng gold được Apple niêm yết trên trang chủ giá 1.449 USD (khoảng 33,5 triệu đồng). Song sản phẩm này đang được một thương hiệu trong nước bán với giá gần 39 triệu đồng.
"Giá niêm yết của Apple chưa chắc là giá mà nhà phân phối nhập vào. Việc đội giá này do doanh nghiệp không chỉ phải chịu các loại thuế mà còn là những chi phí vận chuyển, bảo quản, lợi nhuận", vị chuyên gia nhận định.
Thị hiếu dần thay đổi
Bên cạnh các khoản thuế, để đem một chiếc iPhone từ nước ngoài trở về Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ bước theo quy định pháp luật.
Trước đây, điện thoại di động không nằm trong danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông (mục V phụ lục III nghị định 69/2018/NĐ-CP). Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu iPhone chỉ cần thực hiện các thủ tục hải quan thông thường như kê khai, kiểm nghiệm là có thể thông quan.
Người mua iPhone xếp hàng tại một Apple Store ở Singapore năm 2019. |
Tuy nhiên, với smartphone đã qua sử dụng lại là câu chuyện khác. Đây là nhóm hàng hóa bị cấm nhập vào Việt Nam, dựa trên phụ lục 01, thông tư 31/2015/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/12/2015. Do đó, những chiếc iPhone xách tay đã qua sử dụng nhập vào theo đường tiểu ngạch có thể bị xem là hàng nhập lậu.
Thực tế, các dòng máy xách tay vẫn được bảo hành chính hãng nếu có hóa đơn của Apple Store. Nếu không, người dùng phải chấp nhận rủi ro giao máy cho một bên thứ 3 sửa chữa.
Mức giá rẻ hơn từ 2-5 triệu, thậm chí có thể lên đến 8 triệu so với hàng chính hãng là nguyên nhân chính khiến iPhone xách tay được người dùng ưa chuộng.
"Tuy nhiên, kể từ cuối năm ngoái, mức chênh lệch giữa 2 dòng sản phẩm này đã không còn nhiều. Nguồn cung hàng xách tay cũng dần khan hiếm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính sách ưu đãi và hậu mãi tốt của hàng chính hãng mã VN/A khiến thị hiếu của người dùng cũng dần dịch chuyển", ông Lê Duy, chủ một cửa hàng di động trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết.