Tại sao Giáo hoàng không gọi bằng tên khai sinh?
Pius, Clement, Hilarius và Simplicius, Benedict được các Giáo hoàng chọn lựa làm tông hiệu cho mình. Mỗi tông hiệu có ý nghĩa riêng.
Giáo hoàng Benedict XVI trước biển người khi còn đương nhiệm. |
Hồng y Joseph Ratzinger ngay sau khi được bầu chọn làm tân Giáo hoàng tại mật nghị năm 2005 đã lấy tông hiệu là Benedict XVI nhằm tôn vinh Giáo hoàng Benedict XV, người nỗ lực làm trung gian dàn xếp hòa bình trong Thế chiến I.
Hồng y Karol Wojtyla lấy tông hiệu là John Paul II vào năm 1978 để tôn vinh người tiền nhiệm John Paul I – người có thời gian tại vị ngắn ngủi trong 33 ngày trước khi qua đời. Còn Hồng y Albino Luciani chọn tông hiệu John Paul I bằng cách ghép tên của 2 người tiền nhiệm là John XXIII và Paul VI.
Pius, Clement, Hilarius và Simplicius... mỗi tông hiệu đều có ý nghĩa và thông điệp riêng. Khoảng thời gian biết mình được bầu và xuất hiện trên ban công nhìn xuống quảng trường Thánh Peter để công bố tông hiệu rất ít nên các tân Giáo hoàng phải lựa chọn một cách nhanh chóng và khôn ngoan.
Truyền thống chọn tông hiệu bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 khi linh mục Mercurius được bầu làm tân Giáo hoàng. Tuy nhiên, ngài đã đổi thành John với lập luận rằng, Thánh Peter cũng đã đổi tên, tên thực của ngài là Simon, các Giáo hoàng khác cũng có thể làm tương tự.
Kể từ đó, chỉ có một mình Giáo hoàng Adrian VI ở thế kỷ 16 là chọn tông hiệu bằng tên khai sinh của mình.
Trong vài thế kỷ đầu, các Giáo hoàng thường lấy tông hiệu là Zachary, Adeodatus, Victor. Từ thế kỷ 16 đến nay, các tông hiệu thường được dùng là Clement, Gregory, Pius, Paul, Benedict.
Các Giáo hoàng không được chọn tông hiệu là Peter để thể hiện lòng kính trọng với vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo La Mã, Thánh Peter.
đỗ quyên
Theo Infonet